GIỚI TÍNH VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN SỨC KHỎE TÌNH DỤC, SỨC KHỎE SINH SẢN

Xem với cỡ chữ : A- A A+
                                                      TS.Trần Thị Thu Hiền
Phó GĐ Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ
                                                    Học viện Phụ nữ Việt Nam
 
I. KHÁI NIỆM GIỚI TÍNH, SỨC KHỎE TÌNH DỤC, SỨC KHỎE SINH SẢN
 
1. Khái niệm giới tính
 
a. Khái niệm giới tính

Giới tính là sự khác biệt giữa phụ nữ và nam giới về mặt sinh học. Đó là sự khác biệt cơ bản về cấu tạo cơ thể, liên quan đến cấu tạo cơ quan sinh dục và chức năng sính sản, di truyền nòi giống.  

 
b. Phân biệt giới tính và giới
 
Giới và giới tính là hai khái niệm cặp đôi, liên quan chặt chẽ với nhau. Khái niệm giới xuất hiện vào những năm 1970, dùng để chỉ sự khác biệt giữa nam và nữ về mặt xã hội. Nói cách khác, giới chỉ đặc điểm, vị trí, vai trò của nam và nữ trong tất cả các mối quan hệ xã hội.[1] Nói về giới là nói về vai trò, trách nhiệm và quyền lợi mà xã hội quan niệm hay qui định cho nam và nữ. Ví dụ: quan niệm xã hội cho rằng nam giới phải nhanh nhẹn, quyết đoán, thường phải kiếm tiền nuôi sống gia đình, phụ nữ phải dịu dàng, nhẹ nhàng, làm nội trợ, chăm sóc gia đình, con cái. Những đặc điểm khác nhau về mặt xã hội như vậy được gọi là đặc điểm giới.
 
Đặc điểm giới không phải do bẩm sinh, có thể thay đổi và không giống nhau trên toàn thế giới. Ví dụ: không phải nam giới sinh ra đã mạnh mẽ, quyết đoán và không phải phụ nữ sinh ra đã dịu dàng, yếu đuối. Thực tế rất nhiều nam giới nội trợ giỏi, chăm sóc con cái chu toàn, nhiều phụ nữ quyết đoán, làm công tác xã hội có uy tín, hoặc biết uống bia rượu, kiếm được nhiều tiền nuôi gia đình.
 
Giới có thể thay đổi tuỳ từng điều kiện kinh tế, chính trị và xã hội cụ thể. Quá trình thay đổi quan niệm giới thường diễn ra chậm chạp, khó khăn bởi nó liên quan chặt chẽ với các vấn đề xã hội khác như dân tộc, tôn giáo, phong tục, văn hóa, tín ngưỡng, tuổi tác... Vì vậy, việc thay đổi nhận thức hay quan điểm giới đòi hỏi phải gắn liền với những thay đổi sâu xa trong suy nghĩ của mỗi con người, chứ không đơn thuần là đổi mới nhận thức về nam giới, phụ nữ.
 
2. Khái niệm sức khỏe tình dục
 
a. Khái niệm tình dục
 
Theo tổ chức Y tế Thế giới, tình dục là một trọng tâm của toàn bộ đời sống con người. Tình dục bao gồm tính dục, giới tính, nhân dạng và vai trò giới, khuynh hướng tình dục, sự luyến ái, khoái lạc, quan hệ riêng tư và tái sinh sản. Tình dục là sự trải nghiệm và sự thể hiện thông qua suy nghĩ, tưởng tượng, ham muốn, quan niệm, thái độ, giá trị, hành vi, thực hành, vai trò và các mối quan hệ. Tình dục có thể bao gồm tất cả các chiều cạnh trên, tuy nhiên không phải mọi chiều cạnh đều được trải nghiệm và thể hiện. Tình dục chịu ảnh hưởng của sự tương tác giữa các yếu tố sinh học, tâm lý, xã hội, kinh tế, chính trị, văn hóa, đạo đức, luật pháp, lịch sử, tín ngưỡng và tinh thần (WHO, 2002).
 
b. Khái niệm sức khỏe tình dục
 
Theo tổ chức Y tế thế giới, sức khỏe tình dục là trạng thái thể chất, tình cảm, tinh thần và quan hệ xã hội liên quan đến tình dục. Điều đó không chỉ có nghĩa là không có bệnh tật hay rối loạn chức năng. Sức khỏe tình dục đòi hỏi một cách tiếp cận tích cực và tôn trọng đối với tình dục và mối quan hệ tình dục, cũng như khả năng có những trải nghiệm tình dục thú vị và an toàn, không bị phân biệt đối xử, ép buộc hay bạo hành. Để đạt được và duy trì sức khỏe tình dục, quyền tình dục của tất cả mọi người cần được tôn trọng, bảo vệ và thực hiện. (WHO, 2002)
 
3. Khái niệm sức khỏe sinh sản
 
a. Khái niệm sức khỏe sinh sản
 
Sức khỏe sinh sản (SKSS) là một trạng thái hoàn hảo về mặt thể chất, tinh thần và xã hội trong mọi khía cạnh liên quan đến hệ thống sinh sản, chức năng sinh sản và quá trình sinh sản.
 
Điều đó có nghĩa là:
 
₋          Về thể chất: Có cấu tạo và hoạt động của bộ máy sinh sản bình th­ường, khoẻ mạnh để thực hiện chức năng sinh sản.
 
₋          Về tinh thần: Đư­ợc thoải mái, bằng lòng, không lo lắng, băn khoăn về các vấn đề liên quan đến sinh sản.
 
₋          Về xã hội: Đư­ợc xã hội tôn trọng và đối xử công bằng để thực hiện hoạt động liên quan đến chăm sóc sức khoẻ sinh sản.
 
b. Khái niệm chăm sóc sức khỏe sinh sản
 
Chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) là sự tổng hợp của các ph­ương pháp, kĩ thuật và dịch vụ dành cho SKSS để đạt đ­ược trạng thái khỏe mạnh bằng cách phòng và giải quyết các vấn đề SKSS.
 
II. SỨC KHỎE TÌNH DỤC TRONG GIA ĐÌNH
 
1. Vai trò của tình dục trong gia đình
 
a.     Gắn kết vợ chồng
 
Trong cuộc sống hôn nhân, sinh hoạt tình dục không những duy trì nòi giống mà còn góp phần quan trọng trong việc gắn kết vợ chồng. Tình dục trong hôn nhân là chất keo gắn kết vợ chồng. Gia đình hạnh phúc chủ yếu do vợ chồng hòa hợp, chia sẻ với nhau trong đời sống vật chất, tinh thần và tình dục, chăm sóc cho tình yêu thuở ban đầu, để tình yêu ấy dần dần trở thành ân sâu nghĩa nặng, không bao giờ tàn phai.
 
b. Duy trì nòi giống
 
Trong xã hội truyền thống cũng như xã hội hiện đại, với thiên chức mang thai, sinh con và làm mẹ, người vợ trong gia đình đảm đương vai trò cao cả: nuôi lớn dần mầm sống. Người chồng có trách nhiệm chia sẻ, động viên, chăm sóc khi người vợ mang thai, sinh con và cùng nuôi dạy con cái trưởng thành. Duy trì nòi giống không chỉ là việc riêng của mỗi gia đình mà là nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển của mỗi quốc gia và toàn nhân loại. Chiến lược dân số hợp lý sẽ trực tiếp tạo ra nguồn nhân lực mới phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
 
c. Nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần của vợ - chồng
 
Tình dục được xem là bài tập thể dục tốt nhất để giữ vóc dáng và đốt cháy calorier. Duy trì đời sống tình dục rất có ích trong việc cải thiện tình trạng thể chất và trí óc con người. Điều này rất cần thiết cho sự chung thủy của vợ - chồng và sự êm ấm của gia đình.
 
2. Nội dung sức khỏe tình dục trong gia đình
 
a. Thái độ và hành vi tình dục của vợ và chồng trong gia đình
 
Sự khác biệt về sinh lí nam nữ quyết định nhu cầu tình dục của vợ chồng. Thông thường, nhu cầu của chồng mãnh liệt, mau mắn hơn vợ. Bất cứ người chồng nào đều mong muốn bản thân là người hùng trong sinh hoạt tình dục, khao khát thể hiện oai phong, sự chiếm lĩnh. Có nhiều cặp vợ chồng sinh hoạt một lần/tuần đã thấy thỏa mãn, nhưng nhiều cặp tần xuất dày hơn mới có thể khỏa lấp cơn khát. Số lần ít hay nhiều do nhu cầu từng cặp vợ - chồng nên không có quy định hay mẫu số chung. Hơn nữa, số lượng phải đi đôi với chất lượng. Điều quan trọng là vợ chồng phải hào hứng, đón nhận với thái độ vui vẻ, tâm lí thư giãn, thoải mái. Liên quan đến vấn đề này, nhiều người vợ tâm sự rằng mình bị kiệt sức do tần xuất sinh hoạt tình dục quá dày. Tuy nhiên, sự mệt mỏi này phần lớn bắt nguồn từ tâm lí xúc cảm. Nhiều người chồng đã không biết truyền cảm hứng cho vợ qua thái độ và hành vi. Vợ không có cảm xúc nhưng chiều chồng giả đò đối phó. Tâm lí bị ức chế dẫn đến trạng thái mệt mỏi, kiệt sức.
 
Để cải thiện tình trạng trên, vợ chồng nên dành thời gian chia sẻ, trao đổi về thái độ cũng như hành vi tình dục mong muốn ở nhau. Chỉ khi nào vợ chồng thật sự hiểu nhau, biểu đạt thái độ và hành vi thích ứng phù hợp khiến cả hai đều thoải mái, tự tin, hài lòng thì mới có thể đạt tới hạnh phúc viên mãn.
 
b. Nguyên tắc của sự hòa hợp tình dục trong đời sống vợ chồng
 
Muốn có sự hòa hợp tình dục, vợ chồng cùng tự nguyện thực hiện một số nguyên tắc sau đây:
 
Thứ nhất, vợ/chồng cần lắng nghe và hiểu rõ về nhu cầu, sở thích, ham muốn tình dục ở người bạn đời. Muốn vậy, vợ/chồng cần gạt bỏ những e ngại  để chia sẻ thẳng thắn, cởi mở về những mong muốn nho nhỏ đến những ước mơ, hoài vọng lớn lao, từ điểm mạnh đến điểm yếu, những điều thích và không thích ở mỗi người. Điều đó, đòi hỏi cả hai cần dành thời gian trao đổi cũng như sự kiên nhẫn để hiểu và đồng điệu cùng nhau.
 
Thứ hai, vợ/chồng cần bày tỏ sự tôn trọng lẫn nhau trong cuộc sống và trong hoạt động tình dục. Sự tôn trọng thể hiện ở thái độ chia sẻ, quan tâm từ những việc nhỏ đến việc lớn, từ những điều mang tính riêng tư đến những vấn đề chung. Biết chia sẻ là biết tôn trọng nhau, nhưng cần bày tỏ tôn trọng một cách tế nhị. Trước hết vợ/chồng tôn trọng những khác biệt về cách suy nghĩ, cảm nhận... qua việc trao đổi, lắng nghe, để hiểu biết con người của nhau hơn, nhờ đó giúp nhau mỗi ngày một hoàn thiện. Sự tôn trọng được diễn tả qua cách cư xử, qua lời ăn tiếng nói hằng ngày. Không phải chỉ tôn trọng nhau trong lúc vui vẻ, khoẻ mạnh mà những lúc gian nan, bệnh tật lại cần phải tôn trọng và nâng đỡ nhau hơn. Tránh nói với nhau bằng những lời lẽ dằn dỗi, miệt thị hoặc tâm tình uẩn úc với người thứ ba. Ngược lại, vợ/chồng nên  dành cho nhau những lời nói nhẹ nhàng âu yếm, những cử chỉ trân trọng, lịch sự, lễ độ, “tương kính như tân”.
 
Thứ ba,vợ/chồng cần tự điều chỉnh mình cho phù hợp với người bạn đời và cuộc sống gia đình. Đôi khi, vợ/chồng cũng cần nhắc nhở nhau về những bất hạnh có thể là những cơ may nhằm điều chỉnh một vài sự sai trái của bản thân và cũng có thể trở thành trường dạy của tình yêu, giúp khám phá ra những giá trị cao hơn của đời sống vợ chồng. Vợ/chồng không ngừng nỗ lực đem hết mọi cố gắng bảo vệ và duy trì hạnh phúc gia đình, ngay cả những khi gặp trục trặc. Sự nhường nhịn giữa vợ - chồng trong gia đình mới tạo nên sự êm ấm, hòa thuận. Nhường nhịn không có nghĩa là không bình đẳng, bởi đó là văn hóa truyền thống tốt đẹp trong gia đình “một sự nhịn là chín sự lành”. Dĩ nhiên có những điều không thể nhượng bộ, nhất là trong lĩnh vực luân lý hay đạo đức. Chấp nhận làm điều xấu để làm vui lòng chồng hay vợ không phải là hy sinh quên mình, mà là đồng loã với cái xấu và càng làm hại người kia hơn.
 
Thứ tư, vợ/chồng cần chung thuỷ và tin yêu nhau. Người xưa vẫn nói: "dấu ấn của tình yêu là lòng chung thủy." Trong hôn nhân, chồng cũng như vợ phục vụ và giúp đỡ lẫn nhau bằng sự kết hợp mật thiết từ con người đến hành động. Sự liên kết mật thiết đi từ sự tự hiến của vợ chồng cho nhau, cũng như lợi ích của con cái để cùng hướng tới sự bất khả phân ly. Các chuyên gia tâm lý thường dùng hai từ "mật thiết" để nói về sự đồng lòng, sự hòa hợp chăn gối và chung sống hạnh phúc của các cặp vợ chồng. Sự mật thiết là thước đo đạt đến độ khoái cảm của tình dục. Nếu chỉ là tình dục vô cảm thì sẽ làm cho nỗi cô đơn của mỗi người ngày một tăng cao.
 
Thế hệ trẻ có nhiều tự do trong việc chọn lựa cho mình một người bạn đời, so với bậc cha mẹ thuở xưa. Nhưng điều ấy cũng kèm theo sự gia tăng về trách nhiệm cá nhân. Ngày nay, thế hệ trẻ bước vào ngưỡng cửa hôn nhân muộn hơn, so với thời ông bà của chúng ta trước đây. Ở khía cạnh tích cực thì đó là  sự trưởng thành trong quyết định của chính họ. Tuy vậy, họ cũng gặp rất nhiều khó khăn đang khi bước vào đời sống hôn nhân bởi sự ảnh hưởng những trào lưu tư tưởng hiện đại, coi nhẹ cái giá trị của đời sống gia đình và định chế hôn nhân. Nhiều bạn trẻ quan niệm rằng: Nếu thích thì ở với nhau, còn không thích nữa thì ra toà ly dị, rồi đường ai nấy đi, như vậy là êm xuôi, không phiền toái gì đến ai cả. Quan niệm ấy đặt giá trị hôn nhân như là một "hợp đồng" giữa hai người, mất đi cái ý nghĩa của hôn ước và giá trị của sự bất khả phân ly trong định chế hôn nhân.
 
c.  Hòa hợp trong quan hệ tình dục
 
Một cặp vợ chồng hòa hợp trong quan hệ tình dục là một cặp thực sự yêu nhau, chú ý đến khoái cảm của nhau và hứng thú trong quan hệ chăn gối. Sự  hòa hợp còn thể hiện là họ sẵn sàng nói chuyện, bàn luận về tình dục và đáp ứng mong muốn của nhau. Họ cảm thấy niềm vui được san sẻ khi quan hệ tình dục.
 
Ngược lại, một cặp vợ chồng có vấn đề trục trặc trong tình dục là cả hai hoặc một trong hai người có ý tránh né hành vi tình dục, dè dặt hoặc sợ hãi, ức chế trong hoạt động tình dục, không thảo luận hoặc nói chuyện về tình dục. Trong quá trình giao hợp không tập trung và vui thú. Việc không hòa hợp trong quan hệ tình dục có thể có nhiều nguyên nhân sau:
 
- Do vợ/chồng dùng rượu, bia, thuốc lá, ma túy hoặc các chất kích thích khác quá liều;
 
- Do vợ/chồng mặc cảm, lo lắng và căng thẳng đối với vấn đề tình dục. Ví dụ một trong hai người bị đau đớn do bị bắt quan hệ tình dục trước đây, sợ bị bệnh lây truyền qua đường tình dục,…;
 
- Do mâu thuẫn trong cuộc sống thường ngày như cãi nhau, thiếu tin tưởng, thiếu tự trọng, không đáp ứng nhu cầu cho nhau;
 
- Do kém hiểu biểu, suy nghĩ sai lệch coi tình dục là xấu xa, ghê tởm hoặc đó là tội lỗi;
 
- Do không hòa nhịp được cùng nhau về thời gian, tần số, tư thế, đạt trạng thái khoái cảm cùng lúc…;
 
- Do sức khỏe yếu, bệnh tật chi phối và có thể do tuổi cao…;
 
Để hòa hợp tình dục, cả vợ chồng đều phải nỗ lực cố gắng để điều chỉnh và cần có thời gian bên nhau. Điều đầu tiên đòi hỏi là cả hai, ngoài một tình yêu sâu sắc, chân thành còn phải hiểu biết, cởi mở, chia sẻ, sáng tạo và không ngừng khám phá lẫn nhau. Vợ chồng cần nắm được bí quyết hòa hợp tình dục để làm cho cuộc sống của nhau ngày càng hạnh phúc.
 
III. NHỮNG VẤN ĐỀ SỨC KHOẺ SINH SẢN Ư­U TIÊN Ở VIỆT NAM
 
1. Quyền sinh sản
 
          Quyền sinh sản của cá nhân bao gồm 3 thành tố sau: Quyền quyết định số con, khoảng cách giữa hai lần sinh, số lần sinh con phù hợp với lợi ích quốc gia; Quyền đ­ược tiếp cận đầy đủ thông tin về chăm sóc sức khoẻ sinh sản và các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản; Quyền đư­ợc cung ứng và lựa chọn các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản có chất l­ượng.
 
Quyền của khách hàng trong chăm sóc sức khoẻ sinh sản gồm:
 
₋          Quyền đ­ược thông tin.
₋          Quyền đ­ược tiếp cận dịch vụ.
₋          Quyền đ­ược tự do lựa chọn biện pháp tránh thai và từ chối hoặc chấm dứt dịch vụ khi không mong muốn.
₋          Quyền đ­ược nhận dịch vụ an toàn.
₋          Quyền đ­ược đảm bảo bí mật.
₋          Quyền đ­ược h­ưởng sự kín đáo, tế nhị.
₋          Quyền đ­ược tôn trọng.  
₋          Quyền đ­ược thoải mái khi tiếp nhận dịch vụ. 
₋           Quyền đ­ược tiếp tục nhận dịch vụ.
₋          Quyền đ­ược bày tỏ ý kiến. 
 
2. Kế hoạch hoá gia đình
 
a. Khái niệm
 
          Kế hoạch hoá gia đình là chủ động sinh con, chủ động quyết định số con, khoảng cách giữa hai lần sinh và thời điểm sinh con bằng cách chủ động lựa chọn biện pháp tránh thai hiện đại, phù hợp.
 
b. Nội dung kế hoạch hoá gia đình
 
Thực hiện quy mô gia đình ít con. Đó là quy mô từ 1- 2 con, chủ động sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại, phù hợp.
 
Thời điểm sinh con thích hợp là sau 20 tuổi đến tr­ước 35 tuổi để tránh các nguy cơ rủi ro cho sức khoẻ của cả mẹ và con.
 
Khoảng cách giữa hai lần sinh hợp lý là từ 3 đến 5 năm để đảm bảo sức khoẻ cho cả mẹ và con.
 
Không nên sinh nhiều lần vì rủi ro về sức khoẻ của ngư­ời mẹ, của thai nhi và trẻ sơ sinh sẽ tăng lên.
 
Trách nhiệm của nam giới trong việc thực hiện kế hoạch hoá gia đình là chủ động bàn bạc với vợ/bạn tình để lựa chọn một biện pháp tránh thai hiện đại, phù hợp; Sử dụng bao cao su đúng cách trong quan hệ tình dục.
 
Nâng cao chất l­ượng dịch vụ kế hoạch hoá gia đình bằng cách cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và dịch vụ chăm sóc an toàn, thuận tiện.
 
c. Lợi ích của việc thực hiện kế hoạch hoá gia đình
 
Thực hiện kế hoạch hóa gia đình giúp người mẹ tránh được các tai biến sản khoa do mang thai, sinh con sớm, đẻ dày, đẻ nhiều hoặc sinh con khi đã cao tuổi. Khoảng cách giữa hai lần sinh hợp lý giúp cơ thể người mẹ có đủ thời gian phục hồi sức khoẻ, sẽ phòng tránh các bệnh tốt hơn cũng như tránh được việc phá thai ngoài ý muốn. Bên cạnh đó, kế hoạch hóa gia đình cũng giúp người mẹ giữ gìn được vẻ đẹp và hạnh phúc; có điều kiện chăm sóc bản thân, con cái và các thành viên trong gia đình, phòng tránh được các bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV/AIDS.
 
Thực hiện kế hoạch hóa gia đình giúp con trẻ được bú sữa mẹ lâu hơn; được cha mẹ chăm sóc nhiều hơn; được nuôi dạy ăn ở và học hành tốt hơn và có tương lai tốt đẹp hơn.
 
Thực hiện kế hoạch hóa gia đình giúp các thành viên gia đình có thêm thời gian tham gia các hoạt động kinh tế, góp phần tăng thu nhập cho gia đình. Đồng thời cũng giảm được các chi phí, gia đình có thể mua sắm các phương tiện cần thiết phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày. Gia đình yên ấm, hoà thuận, hạnh phúc; vợ chồng có thời gian nghỉ ngơi, giải trí, học tập.
 
Thực hiện kế hoạch hóa gia đình mang lại lợi ích đối với cả cộng đồng. Cộng đồng sẽ phát triển tốt hơn, tài nguyên không bị cạn kiệt, kinh tế phát triển vững chắc. Mọi thành viên trong xã hội thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình sẽ giảm sự căng thẳng và tăng cường chất lượng các dịch vụ xã hội như chăm sóc y tế, giáo dục.
 
Muốn thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình, mỗi thành viên cần chủ động lựa chọn và áp dụng một trong những biện pháp tránh thai phù hợp, hiệu quả. Có 3 nhóm biện pháp tránh thai phổ biến:
 
Thứ nhất là biện pháp tránh thai tạm thời, hiệu quả cao gồm: Thuốc tránh thai (thuốc uống, thuốc cấy, thuốc tiêm và thuốc đặt tránh thai), vòng tránh thai và bao cao su.
 
Thứ hai là biện pháp tránh thai tạm thời, hiệu quả thấp gồm: tính vòng kinh, xuất tinh ngoài âm đạo.
 
Thứ ba là biện pháp tránh thai vĩnh viễn gồm: triệt sản nam và triệt sản nữ.
 
3. Làm mẹ an toàn
 
a. Khái niệm
 
          Làm mẹ an toàn là những chăm sóc cần thiết cho người mẹ trước khi sinh, khi mang thai, khi đẻ, sau đẻ và những chăm sóc cần thiết cho trẻ sơ sinh để đảm bảo "mẹ khoẻ, con khoẻ" sau mỗi lần sinh.
 
b. Nội dung làm mẹ an toàn bao gồm:
 
Chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trước khi mang thai là những chăm sóc từ khi còn nhỏ, không để xảy ra hiện tượng suy dinh dưỡng hoặc viêm nhiễm bộ phận sinh dục. Khi trẻ dậy thì, phải chăm sóc để bảo vệ trẻ em gái không bị xâm hại tình dục. Trước khi kết hôn, phải trang bị các kiến thức và kỹ năng về sức khoẻ sinh sản tiền hôn nhân.
 
Chăm sóc sức khoẻ bà mẹ khi mang thai phải chú ý đến việc khám thai. Bà mẹ mang thai cần đi khám thai ít nhất 5 lần trong suốt thai kỳ (3 tháng đầu/1 lần, 3 tháng giữa/1lần, 3 tháng cuối mỗi tháng 1lần). Ngoài ra, khi có những biểu hiện bất thường, bà mẹ cũng cần đi khám thai để theo dõi kịp thời. Phụ nữ có thai cần tiêm phòng 2 mũi uốn ván: mũi 2 chậm nhất vào tháng thứ 7 và cách mũi 1 ít nhất 1 tháng (nếu mang thai lần thứ 2 thì chỉ cần tiêm 1 mũi).
 
Phụ nữ mang thai cũng cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng. Khi mang thai, người mẹ phải ăn đủ lượng đạm, sinh tố, khoáng chất. Các loại thức ăn tốt nhất cho bà mẹ mang thai là: sữa, rau quả, thịt, cá, trứng, gạo, đỗ... Phụ nữ khi mang thai phải ăn nhiều bữa, mỗi bữa ăn nhiều hơn bình thường, uống nước nhiều hơn để giúp thai nhi phát triển tốt (đủ dinh dưỡng, đủ nước ối). Uống viên sắt để phòng chống thiếu máu. Các bà mẹ cần theo dõi cân nặng trong suốt thời gian mang thai (3 tháng đầu tăng mỗi tháng 0.5kg; 3 tháng giữa tăng mỗi tháng 1 kg; 3 tháng cuối tăng mỗi tháng 2 kg; trong suốt thời gian thai nghén tăng từ 10 - 12 kg). Đảm bảo chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý: không làm việc ở nơi phải trèo cao, ngâm mình sâu dưới nước; không làm việc quá sức; tránh mang nặng, nâng vật nặng, đi bộ nhiều tiếng đồng hồ. Nghỉ ngơi nhiều hơn, đặc biệt là 3 tháng cuối trước khi sinh.
 
Phụ nữ mang thai chú ý vệ sinh thân thể. Nơi ở thoáng mát, sạch sẽ, không khí trong lành. Vệ sinh bộ phận sinh dục ngoài hàng ngày bằng nước sạch. Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Chăm sóc vú, lau vú hàng ngày vì tuyến vú đã phát triển chuẩn bị cung cấp bầu sữa cho bé ra đời. Tránh tiếp xúc với người ốm. Quan hệ tình dục nên hạn chế, nhẹ nhàng và vệ sinh.
 
Phụ nữ khi mang thai cần tránh kiêng khem quá mức; tránh tiếp xúc với các bệnh truyền nhiễm, không ăn thức ăn sống, thức ăn thiếu vệ sinh, tránh cảm lạnh; tránh các chất độc hại như thuốc lá, rượu bia, thuốc trừ sâu, thuốc nhuộm tóc; tránh tự ý uống thuốc mà không có ý kiến của nhân viên y tế; không nên đi xa vào tháng cuối khi sắp đẻ.
 
Cần đến ngay cơ sở y tế khi có các dấu hiệu báo động sự tai biến như: sốt cao; đau bụng dữ dội; chảy máu âm đạo; chân, tay, mặt bị phù; đau đầu, hoa mắt, chóng mặt hay ngất xỉu; bị vàng da, mắt có màu vàng nhạt; dịch âm đạo có mùi hôi, màu hơi xanh hoặc có bọt; mất các dấu hiệu thai nghén.
 
Chăm sóc bà mẹ khi sinh, trước hết chú ý đến các dấu hiệu bắt đầu chuyển dạ như đau bụng từng cơn tăng dần. Đó là lúc tử cung co bóp càng chốc càng trở lên tích cực. Sản phụ ra chất nhầy màu hồng ở âm đạo. Đây chính là nút chất nhầy đóng kín cổ tử cung trong những tháng mang thai, khi chuyển dạ nó rơi ra cùng với vài giọt máu từ mao mạch cổ tử cung đang mở nên có màu hồng. Nhiều bà mẹ vỡ ối khi chuyển dạ, âm đạo ra nước, có thể nước ào ra nhiều, cũng có thể rỉ nước nhẹ nhàng. Ngoài ra cũng có thể thấy đau, mỏi nhừ vùng thắt lưng
 
Phụ nữ có thai và người nhà đều phải hiểu biết về các dấu hiệu chuyển dạ để kịp thời đưa đến cơ sở y tế. Hãy khích lệ sản phụ khi đang chờ đẻ. Hãy quạt mát, lấy nước, xúc cơm, vỗ về, xoa lưng, làm mọi việc để sản phụ cảm thấy dễ chịu. Hãy nhắc nhở sản phụ nghỉ ngơi, đi tiểu thường xuyên. Liên hệ với các cán bộ y tế nếu sản phụ cần giúp đỡ. Nếu sinh tại nhà, người nhà cần hỗ trợ bà đỡ trong việc đỡ đẻ. Khi sản phụ sinh nở, vai trò của người chồng, người cha là chủ đạo trong chăm sóc hai mẹ con.
 
Sau khi sinh sản phụ cần được nghỉ ngơi và chăm sóc đặc biệt để phục hồi sức khoẻ. Người mẹ cần ngủ thật nhiều cho lại sức. Việc thức trông con nên để người nhà hoặc chồng giúp đỡ. Sản phụ cần được ăn đủ chất để phục hồi sức khoẻ và có sữa cho con bú. Cần duy trì chế độ dinh dưỡng như khi đang mang thai, nhưng nên ăn nhiều hơn. Sau khi sinh nên sớm tắm bằng nước nóng cho sạch sẽ. Sản dịch còn tiếp tục ra, mới đầu nhiều và chủ yếu là máu tươi, sau đó giảm dần và chuyển sang màu nâu, rồi nhạt dần và hết hẳn (thường khoảng 4 tuần sau đẻ). Cần rửa âm hộ bằng nước sạch đã đun sôi, cũng có thể pha nước rửa vệ sinh phụ nữ. Không nên rửa bên trong âm đạo, dùng băng đặt trong âm đạo.
 
Hai vợ chồng cần phải kiêng quan hệ tình dục trong sáu tuần để tránh nhiễm trùng. Cần lưu ý rằng việc quan hệ tình dục phụ thuộc vào sự phục hồi của cơ thể người vợ, chính người vợ là người quyết định đã đến lúc hay chưa. Nếu quan hệ tình dục trở lại, hai vợ chồng cần thực hiện các biện pháp tránh thai, có thai lúc này rất có hại cho sức khoẻ người vợ.
 
Sau khi sinh, nếu thấy các biểu hiện như ra máu nhiều, sản dịch có mùi hôi, sốt 38 độ trở lên, đau bụng dưới nhiều hoặc dữ dội cùng với các biểu hiện bất thường khác như: nôn, tiêu chảy, đau ngực, chảy mủ ở vết khâu, nước tiểu hoặc phân rò rỉ từ âm đạo, sản phụ cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi và điều trị kịp thời.
 
Khi trẻ ra đời, cho trẻ bú ngay sau sinh từ 1- 4 giờ, cứ 3 giờ cho bú một lần kể cả ban đêm. Sau bú, cho trẻ tráng miệng bằng n­ước sôi nguội phòng tư­a l­ưỡi. Nhỏ thuốc mắt cho trẻ hàng ngày và sau khi tắm. Theo dõi phân và số lần đi tiểu. Theo dõi vàng da sinh lý xuất hiện vào ngày thứ 2 sau sinh và kéo dài 1 tuần. Giữ rốn khô sạch, hàng ngày lau rốn bằng cồn iôt 1% rốn sẽ khô và dễ rụng (bình thư­ờng sau 7 ngày thì rụng rốn). Tắm cho trẻ ngày một lần trong phòng kín gió, chuẩn bị nư­ớc ấm, khăn tắm, tã lót… Đư­a trẻ đi tiêm chủng đầy đủ.
 
4. Phòng tránh phá thai, hoặc đảm bảo phá thai an toàn
 
Để phòng tránh phá thai chỉ có cách là không để có thai ngoài ý muốn. Mỗi cá nhân và cặp vợ chồng cần chủ động lựa chọn và sử dụng một biện pháp tránh thai hiện đại, phù hợp để tránh mang thai ngoài ý muốn dẫn đến phải phá thai.
 
Vị thành niên nên tránh quan hệ tình dục sớm, biết từ chối quan hệ tình dục khi bạn tình đòi hỏi; nếu không từ chối đư­ợc thì thuyết phục bạn tình sử dụng bao cao su đúng cách để tránh có thai ngoài ý muốn.
 
Muốn phá thai an toàn phải nhận biết các dấu hiệu mang thai (tắt kinh, nghén) để phát hiện có thai sớm. Trong trường hợp bắt buộc, khi có quyết định cần phá thai sớm. Tới bệnh viện hoặc cơ sở y tế được phép hành nghề có đầy đủ phương tiện và điều kiện để được cán bộ y tế có chuyên môn tư vấn và tiến hành phá thai, đảm bảo phá thai an toàn.
 
5. Phòng tránh các bệnh lây truyền qua đư­ờng tình dục và HIV/AIDS
 
a.     Khái niệm
 
Các bệnh lây truyền qua đường tình dục là những bệnh lây chủ yếu theo đường quan hệ tình dục; ngoài ra còn có thể lây theo đường máu và từ mẹ sang con. Tác nhân gây bệnh có thể do vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng hoặc nấm.
 
b.     Đường lây truyền bệnh
 
          Lây truyền qua quan hệ tình dục với người mắc bệnh không sử dụng bao cao su đúng cách khi quan hệ.
 
Lây truyền từ mẹ sang con lúc mang thai, khi sinh đẻ: như HIV, Viêm gan B, lậu, giang mai...
 
Tiếp xúc trực tiếp với máu, tinh dịch, dịch âm đạo, dịch tủy hay những vết loét của người bệnh khi vị trí tiếp xúc đó bị tổn thương.
 
c.      Các biểu hiện khi mắc bệnh
 
₋          Tiết dịch niệu đạo nam giới: Do vi khuẩn gây viêm niệu đạo Chlamydia hoặc do vi khuẩn lậu.
₋          Tiết dịch ở âm đạo nữ giới: Do vi khuẩn gây viêm niệu đạo Chlamydia hoặc do vi khuẩn lậu, do nấm, do trùng roi.
₋          Loét sinh dục: Do giang mai, ét péc, hạ cam.
₋          Sùi bộ phận sinh dục: Vi rút gây sùi mào gà.
₋          Sưng hạch bẹn: Gặp trong bệnh giang mai, hạ cam và có thể do vi khuẩn chlammydia.
₋          Đau bụng dưới.
 
Tuy nhiên có một số bệnh không có biểu hiện gì trong một thời gian dài kể từ khi lây nhiễm và khi có biểu hiện bệnh thì đã muộn như nhiễm HIV, viêm gan B. 
 
d.     Hậu quả của mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục
 
Với nữ giới: Đau bụng mãn tính, viêm hố chậu, chửa ngoài tử cung, thai chết lưu, đẻ non hoặc vô sinh. Có thể người mắc bị viêm gan, xơ gan, bệnh ở tim, ở não và hệ thần kinh, viêm loét bộ phận sinh dục sẽ dẫn đến ung thư cổ tử cung.
 
Với nam giới: Viêm nhiễm hệ thống sinh dục dẫn đến hẹp niệu đạo, vô sinh sau này. Có thể cũng bị tổn thương ở tim, não, xương (bệnh giang mai).
 
Với trẻ em: Có thể bị viêm mắt do lậu gây mù, dị dạng, quái thai (trong giang mai), viêm gan B.
 
e.  Phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục
 
Bệnh lây truyền qua đ­ường tình dục, HIV/AIDS không phải là tệ nạn xã hội. Ai cũng có thể bị nhiễm nếu không biết cách phòng tránh, bởi vậy mọi người phải: Thực hiện tình dục an toàn; Chung thuỷ một vợ một chồng; Sử dụng bao cao su đúng cách trong quan hệ tình dục; Phát hiện sớm các biểu hiện của bệnh để điều trị kịp thời; Thông báo cho vợ/bạn tình biết tình trạng bệnh và điều trị cả hai người; Không phân biệt kỳ thị đối với người mắc bệnh.
 
6. Sức khoẻ sinh sản vị thành niên
 
a. Khái niệm vị thành niên
 
Vị thành niên (VTN) là những em ở độ tuổi 10-19 nghĩa là các em trong độ tuổi thiếu niên và trước tuổi trưởng thành (Quy định của Tổ chức y tế thế giới).
 
b. Khái niệm sức khoẻ sinh sản vị thành niên
 
Sức khoẻ sinh sản vị thành niên là những nội dung về sức khoẻ sinh sản liên quan, tương ứng với lứa tuổi của vị thành niên.
 
c. Sự biến đổi về thể chất, sinh lý và tâm lý của vị thành niên
 
Tuổi vị thành niên là thời kỳ phát triển đặc biệt, là sự lớn lên của trẻ em để trở thành người lớn. Đây là thời kỳ xảy ra hàng loạt những thay đổi như sự lớn lên của cơ thể, sự biến đổi và tâm lý và các mối quan hệ xã hội:
 
₋          Sự phát triển về thể chất và sinh lý:
 
So sánh sự thay đổi về thể chất ở tuổi dậy thì
 
Nữ
Nam
§     Phát triển chiều cao
§     Phát triển chiều cao
§     Phát triển cân nặng
§     Phát triển cân nặng
§     Phát triển của vú
§     Vú ít phát triển chỉ quanh núm vú
§     Phát triển lông mu
§     Phát triển lông mu
§     Giọng nói trong trẻo, nhẹ nhàng
§     Giọng nói trầm
§     Tăng tiết mồ hôi và chất nhờn
§     Tăng tiết mồ hôi và chất nhờn
§     Hông phát triển
§     Ngực và hai vai phát triển
§     Đùi trở nên thon
§     Cơ cánh tay phát triển hơn
§     Bộ phận sinh dục phát triển
§     Các cơ của cơ thể rắn chắc
§     Bắt đầu có hành kinh
§     Lông trên cơ thể và mặt phát triển
§     Ngừng phát triển bộ xương sau khi hình thể đã hoàn thiện
§     Dương vật và tinh hoàn phát triển
§     Bắt đầu xuất tinh
§     Ngừng phát triển bộ xương sau khi hình thể đã hoàn thiện
 
₋          Sự phát triển về tâm lý
 
Những biến đổi tâm lý ở tuổi vị thành niên cũng song song cùng vói những thay đổi về thể chất:    
      
+ Các em ý thức rằng mình không phải là trẻ con nữa. Các em muốn được người lớn tôn trọng, muốn được đối xử bình đẳng như với người lớn, muốn được độc lập trong suy nghĩ và hành động, muốn thử sức mình và khám phá những cái mới. Tuy nhiên tuổi này vẫn còn mang nhiều đặc trưng của đứa trẻ, phụ thuộc nhiều vào gia đình.
 
+ Các em quan tâm nhiều đến những thay đổi của cơ thể, hay suy tư về hình ảnh của cơ thể, dễ băn khoăn lo lắng, buồn rầu về những nhược điểm của cơ thể.
 
+ Bắt đầu quan tâm đến bạn bè: Tìm kiếm những quan hệ ngoài gia đình, hướng tới những người bạn đồng lứa, nhu cầu tình bạn trở thành cấp thiết và quan trọng nhất, đặc biệt là nhu cầu về bạn khác giới, dễ nhầm lẫn tình bạn và tình yêu.
 
+ Muốn khám phá năng lực trong quan hệ tình dục.
 
+ Có suy nghĩ cho kế hoạch tương lai về lựa chọn nghề nghiệp rõ ràng hơn và thực tế hơn.
 
+ Ở giai đoạn này các em thường gặp những khó khăn không thể tự mình giải quyết được do vậy rất cần sự hỗ trợ giúp đỡ của người lớn để vượt qua.
 
d.     Các nội dung chăm sóc sức khoẻ sinh sản vị thành niên
 
₋          Giúp con (em) hiểu rõ rằng kinh nguyệt và mộng tinh là hai hiện tượng phát triển bình thường của cơ thể.
 
₋          Hướng dẫn các em biết vệ sinh cơ thể đúng cách.
 
₋          Hiểu được những khó khăn về tâm lý của con tuổi vị thành niên để tìm biện pháp giúp đỡ.
 
₋          Trao đổi với con về những vấn đề liên quan đến sức khoẻ sinh sản vị thành niên bằng cách trao đổi trực tiếp hoặc cung cấp cho con những sách báo đề cập đến vấn đề sức khoẻ sinh sản vị thành niên và giải đáp những thắc mắc của con một cách nghiêm túc, thẳng thắn.
 
₋          Dạy cho con kỹ năng ứng xử đúng đắn và có trách nhiệm với bạn khác giới.
 
₋          Trao đổi với con về tác hại của phá thai tuổi vị thành niên và tình dục an toàn.
 
₋          Khuyến khích con tham gia các hoạt động tập thể lành mạnh như: sinh hoạt Đoàn, Hội, chơi thể thao.
 
7. Bình đẳng giới trong chăm sóc SKSS
 
a. Khái niệm
 
Bình đẳng giới trong chăm sóc SKSS có nghĩa phụ nữ/nam giới đều có cơ hội như nhau, có các điều kiện phù hợp để tiếp nhận thông tin, tiếp nhận các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản, đảm bảo cho người phụ nữ trải qua quá trình thai nghén, sinh đẻ an toàn, tạo cho các cặp vợ chồng có cơ may tốt nhất để sinh được đứa con khoẻ mạnh.
 
b. Nội dung thúc đẩy bình đẳng giới trong chăm sóc SKSS
 
₋          Tăng cường trách nhiệm thu hút sự tham gia của nam giới vào các hoạt động chăm sóc sức khoẻ sinh sản:
 
+ Nam giới cần chia sẻ thông tin với vợ về sức khoẻ sinh sản và tình dục;
 
+ Chủ động bàn bạc với vợ lựa chọn biện pháp tránh thai hiện đại, phù hợp; Có thể chủ động sử dụng biện pháp tránh thai cho mình (bao cao su) để giữ gìn sức khoẻ cho vợ/bạn tình;
 
+ Sinh hoạt tình dục lành mạnh;
 
+ Động viên vợ đi khám thai định kỳ; chăm sóc vợ khi mang thai, khi sinh và sau khi sinh;
 
+ Không bạo hành trong quan hệ tình dục (Không cưỡng bức thô bạo trong quan hệ tình dục).
 
₋          Bình đẳng trong chăm sóc và nuôi dạy con trai và con gái:
 
+ Cha mẹ và các thành viên trong gia đình cần chuẩn bị tốt cho đứa con chào đời và nuôi dạy con khoẻ mạnh, tạo điều kiện và cơ hội cho con phát triển về thể lực, trí tuệ, không phân biệt đó là con trai hay con gái.
 
+ Không được xác định giới tính thai nhi và không phá thai vì lí do thai nhi là con gái.
 
+ Không cố đẻ con trai khi đã có đủ số con theo qui định của pháp lệnh dân số.
 
₋          Bình đẳng trong quyết định các vấn đề liên quan đến chăm sóc sức khoẻ sinh sản:
 
+ Phụ nữ/nam giới đều có quyền quyết định các vấn đề liên quan đến quyền sinh sản và tình dục, có quyền bàn bạc, lựa chọn sử dụng biện pháp tránh thai; có quyền quyết định số con, thời điểm sinh con và khoảng giữa các lần sinh, không ai có quyền cản trở phụ nữ thực hiện quyền sinh sản.
 
+ Phụ nữ/nam giới có quyền chủ động gặp cán bộ y tế, tuyên truyền viên dân số để có đầy đủ các thông tin cần thiết về sức khoẻ sinh sản, đồng thời có quyền đến các điểm cung cấp dịch vụ để được nhận các dịch vụ kế hoạch hoá gia đình.
 
 

 


[1] Khoản 1, Điều 5, Luật Bình đẳng giới 

Các tin khác

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

115 người đã tham gia bình chọn