Gương sáng phụ nữ khởi nghiệp

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Một nội dung quan trọng trong hoạt động của Hội Phụ nữ các cấp là định hướng hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp nhằm thay đổi nhận thức, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ; thúc đẩy hiện thực hóa các ý tưởng kinh doanh và sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp mới thành lập của phụ nữ, đảm bảo bình giới trong lĩnh vực kinh tế. 

 
Nhằm hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ huyện Lệ Thủy đã luôn quan tâm thực hiện có hiệu quả phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” bằng nhiều hình thức như: Khai thác các nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển, nguồn hỗ trợ từ Phòng Nông nghiệp. Bên cạnh đó, Hội phụ nữ huyện đã tố chức nhiều hoạt động như “Ngày Hội phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp”; “Tổ chức tập huấn khởi sự kinh doanh”; “Hội nghị truyền thông kết nối sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn”; tổ chức khảo sát thu thập thông tin, đánh giá nhu cầu khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh của phụ nữ, kết nối, tìm kiếm nguồn lực để hỗ trợ từng bước hiện thực hóa ý tưởng.
 
Hiện nay, trên địa bàn huyện có nhiều hội viên phụ nữ có ý tưởng để phát triển kinh tế nhưng nhiều chị em thấy khó, không mạnh dạn thực hiện ý tưởng của mình. Nắm được tâm tư, nguyện vọng của chị em, thông qua hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, Hội LHPN huyện đã từng bước tiếp cận, trợ giúp hội viên thực hiện các ý tưởng. Nhiều mô hình phụ nữ khởi nghiệp đã đạt hiệu quả, tiêu biểu có chị Nguyễn Thị Bích, sinh năm 1973, sống tại thôn Thanh Sơn, xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, điều kiện kinh tế khó khăn, chồng lại thường xuyên ốm đau, 3 con nhỏ đang tuổi ăn học, chị phải gánh vác, trở thành trụ cột gia đình. Không cam chịu đói nghèo, với bản tính cần cù, chịu khó và quyết tâm, chị luôn trăn trở để tìm cách đưa kinh tế gia đình đi lên, tạo điều kiện cho con ăn học. Chị nung nấu ý tưởng khởi nghiệp kinh doanh và bắt đầu thành lập THT “Chăn nuôi gà đồi” từ năm 2016. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, Hội phụ nữ các cấp và sự nhanh nhẹn, sáng tạo biết tận dụng cơ hội trong kinh doanh, chị đã được Dự án phân cấp giảm nghèo huyện hỗ trợ với tổng số vốn 175 triệu đồng để xây dựng chuồng trại, quy hoạch khu chăn nuôi.
 
Mô hình chăn nuôi gà đồi của chị Nguyễn Thị Bích
thôn Thanh Sơn, xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy

Thời gian đầu, chị gặp nhiều khó khăn do vốn ít, thiếu kinh nghiệm trong chăn nuôi, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, giá sản phẩm đầu ra bấp bênh. Biết được những khó khăn của chị, Hội phụ nữ huyện đã quan tâm, giới thiệu chị đến các cơ sở sản xuất con giống, trạm thú y của huyện, tư vấn kỹ thuật chăn nuôi, các loại thuốc phòng bệnh và giới thiệu chị tìm đến những người bạn, những anh chị đã khởi nghiệp thành công và học hỏi những kinh nghiệm từ họ. Ngoài ra chị còn tự tìm hiểu, nghiên cứu nhiều loại sách về kinh doanh và khởi nghiệp để trau dồi thêm các kỹ năng cho bản thân. Do vậy, việc sản xuất, kinh doanh của chị dần dần ổn định, kinh tế gia đình ngày một phát triển.
 
Thực hiện “Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, được sự hỗ trợ của dự án SNV, Hội LHPN huyện tham mưu cho UBND huyện thành lập “Điểm hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và phát triển kinh doanh huyện Lệ Thủy” vào tháng 1/2020. Với nhiệm vụ thiết lập kênh thông tin, tiếp nhận, đề xuất hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và phát triển kinh doanh; truyền thông, cập nhật thông tin về khởi nghiệp tới HTX/Tổ hợp tác (THT), phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp trên địa bàn, góp phần khơi dậy tinh thần khởi nghiệp và sức sáng tạo của phụ nữ, trong thời gian qua, Hội phụ nữ huyện đã phối hợp chỉ đạo thành lập được 11 THT và 6 HTX mô hình kinh tế tập thể, HTX và THT do phụ nữ làm chủ nhiệm, hoặc thành viên Ban chủ nhiệm. Trong đó, Hội phụ nữ huyện đã liên kết, hỗ trợ hướng dẫn cho chị tiến hành các thủ tục thành lập “HTX Chăn nuôi gà đồi Thái Thủy” vào tháng 6/2020.
 
Kết quả, “HTX Chăn nuôi gà đồi Thái Thủy” do chị làm chủ nhiệm trung bình mỗi năm xuất chuồng 3 lứa, 3 tháng bán 1 lứa 800 con, lãi 20.000 - 30.000/1kg gà; tạo việc làm cho 10 lao động nữ với lương bình quân cho 1 lao động 2-3 triệu đồng/tháng. Ngoài ra chị còn trồng thêm cây cao su và keo để tăng thêm thu nhập lâu dài cho gia đình. Với kinh nghiệm lâu năm, mô hình chăn nuôi gà đồi của chị đã phát triển bền vững, mỗi năm trừ chi phí chị còn lãi 150 đến 200 triệu đồng, giúp cho 10 lao động nữ có công ăn việc làm thường xuyên và thoát nghèo bền vững. Thực phẩm gà đồi sạch của chị được xuất bán các nhà hàng, siêu thị lớn trong tỉnh và các tỉnh lân cận.
 
Để khởi nghiệp thành công đã là một việc khó, song với phụ nữ việc khởi nghiệp thành công còn khó hơn rất nhiều. Nhưng chị Nguyễn Thị Bích đã thực hiện được điều đó, bởi nội lực của chị đã kết hợp các yếu tố về kiến thức thực tiễn, chuyên môn, kỹ năng và đặc biệt đó là sự mạnh dạn, tự tin, đam mê, ham học hỏi cùng với quyết tâm, nghị lực vượt khó vươn lên. Hy vọng rằng, trong thời gian tới, sẽ có nhiều hội viên phụ nữ mạnh dạn, nỗ lực, quyết tâm khởi nghiệp phát triển kinh tế, làm giàu, khẳng định vai trò, vị thế người phụ nữ trong gia đình và xã hội.
            

     Nguyễn Luyên - Nguyễn Mai 

Các tin khác

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

116 người đã tham gia bình chọn