Quảng Bình - Hào khí 420 năm (1604-2024) Dấu ấn phong trào phụ nữ Quảng Bình sau ngày tái lập tỉnh - Bài 1: Phong trào ở đâu, cán bộ hội ở đó

Font size : A- A A+

Ngày 1/7/1989, Quảng Bình trở lại địa giới cũ với bao bộn bề khó khăn, thiếu thốn về mọi mặt. Bước vào giai đoạn phát triển mới, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn tỉnh vẫn luôn vững tin, nỗ lực vượt qua thách thức, xây dựng phong trào phụ nữ với những dấu ấn nổi bật, góp phần tạo nên thương hiệu chị em “Hai giỏi” trong thời kỳ đẩy mạnh công cuộc đổi mới. Giai đoạn 1989-1992 cũng chính là quãng thời gian chan chứa tình đoàn kết, gắn bó, yêu thương, chia ngọt sẻ bùi của chị em phụ nữ Quảng Bình.

Nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Trương Thị Hồng Hoa (giai đoạn 1989-1997), xúc động nhớ lại, thời điểm đó, điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động khó khăn, thiếu thốn, đời sống nhiều chị em, PN, trẻ em còn vất vả; địa bàn không ít nơi xa xôi, hiểm trở; chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ nữ, lao động nữ, nhất là cán bộ hội cơ sở chưa thực sự tạo được sự động viên; trình độ PN nói chung, đội ngũ cán bộ hội nói riêng còn hạn chế. Với tinh thần vượt khó, bám sát cơ sở, đi sâu thực tiễn, đội ngũ cán bộ PN từ cấp tỉnh đến cơ sở đã nỗ lực, tập trung mọi công sức, nguồn lực đưa phong trào của PN phát triển mạnh mẽ với tinh thần “phong trào ở đâu, cán bộ hội ở đó”.
 
Năm 1989, Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động hai cuộc vận động (CVĐ) lớn là: “PN giúp nhau làm kinh tế gia đình” và “Nuôi dạy con tốt góp phần hạn chế trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học”, được các cấp hội hưởng ứng nhiệt tình, nhất là PN TX. Đồng Hới lúc bấy giờ, bởi nội dung các CVĐ phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương khi Quảng Bình về lại địa giới cũ.
 
Nguyên Chủ tịch Hội LHPN TP. Đồng Hới Nguyễn Thị Minh Huệ (giai đoạn 1996-2011) chia sẻ, để triển khai 2 CVĐ, hội đã phân công các đồng chí trong Ban Chấp hành hội về tận cơ sở khảo sát, nắm chắc tình hình và tìm hiểu nguyên nhân đói nghèo nhằm có biện pháp giúp đỡ cụ thể, thiết thực, hiệu quả. Chị em làm công tác hội không ngại khó, ngại khổ, nhiệt huyết bám cơ sở, lặn lội xuống từng địa bàn.
 
Trước hết, hội tích cực khảo sát, hiểu rõ tình hình cụ thể về PN nghèo, PN thiếu việc làm, trẻ em suy dinh dưỡng, bỏ học trong toàn thị xã. Tiếp đó, các chương trình cụ thể được triển khai tích cực với nhiều giải pháp hiệu quả, như: Vận động các em bỏ học trở lại trường; thực hiện chương trình giáo dục “Nuôi dạy con tốt”; đẩy mạnh phong trào “Giỏi việc nước-Đảm việc nhà” trong 13 đơn vị nữ công trực thuộc Liên đoàn Lao động TX. Đồng Hới…
 
Xác định CVĐ “PN giúp nhau làm kinh tế gia đình” đóng vai trò tích cực, góp phần đổi thay cuộc sống chị em, hội đã điều tra, khảo sát và xây dựng xã Lý Ninh (TX. Đồng Hới) làm điểm để triển khai CVĐ này. Theo đó, 75 tổ thân ái, mỗi tổ từ 5-10 hội viên được thành lập để giúp nhau làm kinh tế gia đình bằng các việc làm cụ thể, như: Giúp giống, vốn, kinh nghiệm, ngày công…

Nguyên Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Trương Thị Hồng Hoa và Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Diệp Thị Minh Quyết bồi hồi nhớ lại những trang sử vàng của phụ nữ Quảng Bình.

Hội còn mở hội nghị PN nghèo ở xã Nghĩa Ninh (TX. Đồng Hới) để nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của chị em, từ đó đưa ra các biện pháp đúng với đối tượng. Ngoài ra, hàng loạt các hội nghị tuyên dương điển hình làm kinh tế giỏi, động viên, khích lệ chị em nâng cao nhận thức giúp nhau làm kinh tế gia đình, xóa bỏ tư tưởng “sĩ diện” về nghèo đói, mạnh dạn, chân thành nói thẳng, nói thật về khó khăn, vướng mắc của mình…
 
Bà Nguyễn Thị Minh Huệ xúc động tâm sự, nỗ lực tạo việc làm bền vững cho chị em là một trong những trọng tâm của công tác hội thời điểm bấy giờ. Thông qua nguồn vốn tài trợ của các dự án, Hội LHPN thị xã khảo sát, nắm bắt nhu cầu thị trường lao động và mong muốn của chị em để mở các lớp đào tạo nghề thêu ren, chế biến thủy sản, chăn nuôi… Riêng lớp dạy nghề thêu ren xuất khẩu đã tạo việc làm cho nhiều chị em khó khăn, sau đó, hội còn lặn lội vào tận Thừa Thiên-Huế kết nối giúp chị em sản xuất hàng thêu ren xuất khẩu.
 
Các lớp chế biến thủy sản tại xã Bảo Ninh (TX. Đồng Hới) đã mở ra cơ hội việc làm mới cho chị em làng biển vốn chỉ quen chờ chồng ra khơi. Với định hướng đúng đắn, dạy nghề sát thực tiễn, hiệu quả của các khóa học kéo dài đến tận ngày nay với nhiều chị em phát triển nghề chế biến thủy sản, xây dựng thương hiệu sản phẩm, mang lại nguồn thu nhập cho gia đình và góp phần cùng quê hương đổi mới, như: HTX Sản xuất, kinh doanh dịch vụ chế biến thủy sản Long Tám, cơ sở sản xuất nước mắm ở thôn Trung Bính, xã Bảo Ninh…
 
Không chỉ Hội LHPN TX. Đồng Hới, các cấp hội PN trên toàn tỉnh đã chung sức đồng lòng cùng PN toàn tỉnh vượt qua thách thức sau ngày tái lập tỉnh, đưa CVĐ “PN giúp nhau làm kinh tế gia đình” phát triển mạnh mẽ, lan tỏa đến tận vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, đúng với tinh thần “phong trào ở đâu, cán bộ hội ở đó”.
 
Nhớ lại thời kỳ này, bà Trương Thị Hồng Hoa bồi hồi cho biết, các cấp hội đã năng động, sáng tạo, tìm tòi đổi mới phương pháp chỉ đạo và hoạt động, xây dựng các mô hình để có biện pháp chỉ đạo sát sao với những đối tượng khác nhau, như: Chị em công chức, chị em thuộc vùng nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số và có hình thức sinh hoạt phù hợp với tính chất công việc trên từng lĩnh vực, đáp ứng tính đa dạng của nền kinh tế nhiều thành phần được tiến hành theo quan điểm đổi mới của Đảng. Để tập hợp quần chúng, giúp đỡ lẫn nhau phát triển, các cấp hội thành lập các tổ, như: Tổ thân ái, tổ PN các chợ, tổ hưu trí…
 
Hai CVĐ của Trung ương Hội LHPN Việt Nam được Hội LHPN tỉnh triển khai khẩn trương, kịp thời với ban chỉ đạo thực hiện được thành lập và đi vào hoạt động ngay sau khi tái lập tỉnh. Các cấp hội kịp thời chọn điểm chỉ đạo, sơ kết rút kinh nghiệm và nhân rộng điển hình. Tiếp đó, nhiều hoạt động được tổ chức hiệu quả, như: Phối hợp các ngành khảo sát tình trạng trẻ em suy dinh dưỡng, bỏ học, tìm nguyên nhân, có kế hoạch khắc phục; bồi dưỡng kiến thức nuôi dạy con, giáo dục giới tính cho hàng nghìn nữ thanh niên; tổ chức hội thi “Nuôi dạy con”, “Bé khỏe, bé ngoan” (TX. Đồng Hới và huyện Quảng Ninh có 80% cơ sở hội tổ chức hội thi)…
 
CVĐ “PN giúp nhau làm kinh tế gia đình” có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm cải thiện nâng cao đời sống gia đình, góp phần tạo việc làm cho PN, tăng sản phẩm xã hội. Để có biện pháp cụ thể, các cấp hội đã tiến hành khảo sát, phân loại đối tượng PN có mức thu nhập thấp và khả năng làm kinh tế khác nhau, tìm nguyên nhân các gia đình hội viên nghèo để có hướng giúp đỡ bằng nhiều hình thức (tuyên truyền, động viên các điển hình làm kinh tế gia đình giỏi, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm, bàn bạc kế hoạch sản xuất…). Đối với những chị em thiếu vốn, thiếu giống, các cấp hội cho vay bằng hình thức không lấy lãi, vận động chị em giúp nhau công sản xuất, thu hoạch... Nhiều địa phương thực hiện tốt hai CVĐ này, như: TX. Đồng Hới, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy...

“Sau thời gian tái lập tỉnh, trong bối cảnh khó khăn chung của đất nước và tỉnh nhà, nỗ lực của các cấp hội trong phong trào PN đã mang lại những kết quả chuyển biến tích cực. Các cấp hội đã chủ động cố gắng tìm tòi, sáng tạo, khắc phục khó khăn để giữ vững phong trào và từng bước đổi mới phương thức hoạt động cũng như công tác tổ chức của hội. Đặc biệt, hội đã bắt đầu chú ý công tác cán bộ nữ, từng bước khảo sát, xây dựng quy hoạch cán bộ nữ. Đội ngũ cán bộ nữ các cấp ngày càng được đào tạo, bồi dưỡng có hệ thống, trình độ mọi mặt của chị em được nâng lên rõ rệt”, bà Trương Thị Hồng Hoa cho biết thêm.

 

https://www.baoquangbinh.vn/

>>> Bài 2: Sâu sắc những bài học thực tiễn

More

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

116 người đã tham gia bình chọn