“MẸ ĐỠ ĐẦU” - HÀNH TRÌNH KẾT NỐI YÊU THƯƠNG

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Với mục tiêu “Ở đâu có trẻ mồ côi, ở đó có mẹ đỡ đầu”, gần 3 năm qua, với tình yêu thương, các mẹ, các chị đã không ngừng tìm kiếm, hỗ trợ, san sẻ yêu thương đến với hơn 1.100 trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh. Chương trình đã đồng hành, kết nối yêu thương, góp phần tiếp thêm động lực và chắp cánh ước mơ cho các em vững tin hướng đến tương lai tốt đẹp.

Những năm qua, cán bộ hội viên phụ nữ và các cấp Hội trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã xây dựng và triển khai hàng loạt chương trình, mô hình, phần việc ý nghĩa đồng hành, lan tỏa vòng tay nhân ái đến cộng đồng, đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em. Điển hình trong đó là chương trình “Mẹ đỡ đầu”. Chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động vào tháng 10/2021 với mục tiêu vận động, kết nối các cá nhân, đơn vị, tổ chức hỗ trợ, đỡ đầu trẻ em mồ côi do dịch Covid-19 và trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; trong đó chú trọng vận động, kết nối phụ nữ tại địa bàn trẻ mồ côi sinh sống nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tại gia đình, quan tâm chăm sóc trẻ hằng ngày với tinh thần tự nguyện. Với ý nghĩa nhân văn của Chương trình, các cấp Hội đã tích cực hưởng ứng và triển khai các nội dung hoạt động, có nhiều cách làm thiết thực, sáng tạo phù hợp để lan tỏa ngày càng sâu rộng đến cộng đồng, xã hội. Sau gần 3 năm, hành trình kết nối, triển khai thực hiện Chương trình “Mẹ đỡ đầu” đã phủ sóng đến 100% các cơ sở Hội, có 886 lượt tổ chức, cá nhân hỗ trợ và nhận đỡ đầu 1.186 lượt trẻ mồ côi, với số tiền hơn 17,2 tỷ đồng.

Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh thăm, tặng quà cho các cháu mồ côi đầu năm học mới

Để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội khảo sát, xác minh hoàn cảnh, lập danh sách trẻ mồ côi khó khăn trên địa bàn; tiếp tục hướng dẫn các cơ sở Hội nhận đỡ đầu, hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn. Quá trình triển khai, các cấp Hội luôn nhận được sự quan tâm ủng hộ, chỉ đạo, tạo điều kiện của cấp uỷ, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể; sự hưởng ứng tích cực của cán bộ, hội viên, phụ nữ; các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Các cấp Hội quan tâm đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền, giới thiệu thông tin, nội dung Chương trình “Mẹ đỡ đầu”; vận động, kêu gọi, hỗ trợ kết nối “Mẹ đỡ đầu” nhận chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, các cấp Hội đã thực hiện 11 phóng sự, chuyên mục; 107 tin bài tuyên truyền, chia sẻ các câu chuyện về “Mẹ đỡ đầu” và trẻ em mồ côi. Nhằm lan tỏa sâu rộng ý nghĩa của Chương trình, Hội LHPN tỉnh đã lựa chọn các nội dung phù hợp theo từng năm với các chủ đề khác nhau: năm 2022 với tên gọi “Mẹ đỡ đầu - Kết nối yêu thương”; năm 2023 “Mẹ đỡ đầu - Chắp cánh ước mơ” và năm 2024 “Mẹ đỡ đầu - Đồng hành cùng con”… Ngoài ra, Hội LHPN các huyện, thị xã, thành phố và cơ sở Hội cũng đã tổ chức 20 Chương trình “Mẹ đỡ đầu” tại cơ sở, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, được cấp ủy, chính quyền, các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân quan tâm, ủng hộ. 

Cùng với việc làm tốt công tác vận động, kết nối các tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, các cấp Hội cũng đã thực hiện nhiều mô hình ý nghĩa, như: “Thu gom phế liệu xây dựng quỹ tình thương”, “Ngôi nhà xanh - Thu gom phế liệu”, “Biến rác thành tiền”, “Biến ruộng hoang thành quỹ”, “Nuôi heo đất”, “Thùng quỹ tình thương giúp trẻ em mồ côi và trẻ em nghèo” … để tạo nguồn quỹ nhận đỡ đầu trẻ mồ côi. Ngày 18/10/2023, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Quảng Bình đã ra mắt Chương trình “Chắp cánh ước mơ” nhằm tiếp tục động viên, khích lệ tinh thần vượt khó vươn lên của các em học sinh nữ đã được đỡ đầu trong Chương trình “Mẹ đỡ đầu”, tạo điều kiện cho các em sau khi Tốt nghiệp chương trình THPT giải quyết được việc làm, ổn định cuộc sống. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, hành trình kết nối yêu thương của Chương trình “Mẹ đỡ đầu” vẫn còn những khó khăn, hạn chế do các cấp Hội chưa có kinh phí tổ chức các hoạt động nâng cao kiến thức, hướng dẫn kỹ năng sống an toàn cho trẻ mồ côi; nguồn lực địa phương đỡ đầu trẻ mồ côi còn hạn chế, nhất là các xã nghèo lại nhiều trẻ mồ côi; cầu nối của các mẹ đỡ đầu trực tiếp với các tổ chức/cá nhân đỡ đầu vẫn chưa chủ động, đang còn có khoảng cách. Số trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn cần được hỗ trợ trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều; số trẻ được cam kết nhận đỡ đầu đến 18 tuổi vẫn rất ít; nhiều trường hợp có 3 - 4 trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt trong một gia đình nhưng vì số trẻ mồ côi trên địa bàn đông nên chỉ mới ưu tiên nhận đỡ đầu 01 cháu/gia đình… 

Để Chương trình “Mẹ đỡ đầu” tiếp tục là hành trình lan tỏa, kết nối yêu thương và các cháu có thêm điểm tựa tinh thần vững chắc trên con đường vươn tới tương lai tươi sáng, thời gian tới, Hội LHPN tỉnh Quảng Bình tiếp tục tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành, chỉ đạo Hội các cấp triển khai việc theo dõi, nắm thông tin, hồ sơ riêng của trẻ em mồ côi; thực hiện đầy đủ và kịp thời có các chính sách hỗ trợ giáo dục; tập trung truyền thông, tập huấn kỹ năng an toàn cho trẻ. Cùng với đó, tiếp tục vận động nguồn kinh phí hỗ trợ giúp trẻ mồ côi phát triển đầy đủ, toàn diện.

Nguyễn Thị Hồng Hà - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh
 

Các tin khác

 

 

 

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

123 người đã tham gia bình chọn