Chị Duấn giữ lửa nghề truyền thống với nghề tráng bánh ướt

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Hàng trăm năm nay, bánh ướt luôn là một trong những món ẩm thực được yêu thích của người dân trong và ngoài tỉnh Quảng Bình tin dùng. Cùng với sự phát triển của các phương tiện sản xuất, nghề làm bánh ướt dần đã được các hộ gia đình, làng nghề chuyển sang làm bằng máy để nâng cao năng suất hơn. Tuy nhiên, việc làm bánh ướt thủ công vẫn cho ra những sản phẩm đậm đà, ưng ý và một trong những điển hình về nghề làm bánh ướt tráng bằng tay là chị Đào Thị Duấn ở tổ dân phố 2, phường Đồng Sơn. 

Điển hình Chị Duấn làm bánh ướt bằng tay tại tổ dân phố 2, phường Đồng Sơn

Với 60 tuổi đời và hơn 30 năm gắn bó với nghề, mặc dù có những lúc gian nan, nản chí nhưng chị và gia đình đã cùng nhau vượt qua tất cả, gắn bó và cho ra những sản phẩm thấm đẫm tấm lòng của người làm nghề. Dù tuổi đã cao nhưng đôi tay chị luôn thoăn thoắt tráng bánh, nụ cười hồn hậu, chân chất luôn nở trên môi. Là người con quê hương Nghĩa Ninh, đến tuổi trưởng thành chị lấy chồng về vùng Cộn, vốn là thành viên của hợp tác xã, đã gắn bó với đồng ruộng, hạt thóc hạt gạo, khi về làm dâu, chị lại được truyền lại nghề làm bánh ướt từ ba mẹ chồng và gắn bó cho đến bây giờ. 

Mấy chục năm làm nghề,  gia đình cũng gặp rất nhiều khó khăn, công việc này khá vất vả, đòi hỏi kiên nhẫn, chịu khó, bên cạnh đó, giá nguyên liệu ngày càng cao cùng với sự phát triển của công nghệ làm bánh bằng máy sẽ cho ra nhiều bánh nhanh hơn nên giá cả rẻ hơn, sức cạnh tranh trên thị trường ngày càng lớn, khách hàng khi mua có sự so sánh về giá, vì thế muốn bánh của gia đình không cao hơn giá bánh làm bằng máy là bao thì đòi hỏi bản thân chị và các thành viên trong gia đình phải nỗ lực rất nhiều. Tuy khó khăn là vậy, nhưng chị đã luôn cố gắng, tìm cách và động viên chồng con cố gắng cùng mình; ngoài ra, chị cũng được vay vốn từ Hội phụ nữ qua nguồn vốn ủy thác với Ngân hàng CSXH và nguồn vốn Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển để đầu tư mua nguyên liệu và vật dụng, cơ sở vật chất phục vụ tốt hơn cho công việc làm bánh ướt. 

Những tấm bánh ướt được tráng bằng tay của chị vừa nóng hổi, thơm lừng mùi gạo, khi đưa vào đầu lưỡi lại hòa tan, quện vị, chỉ cần chấm với một chút mắm nêm hoặc bán nước mắm pha chút tỏi ớt là đủ để hấp dẫn đầu lưỡi và ăn đến no mà không cần thêm bất cứ thứ gì. 

Chị chia sẽ thêm, để làm được sản phẩm ngon và chất lượng, gia đình phải chọn lựa loại gạo đảm bảo, gạo trước khi làm bánh đều được vo, đãi và ngâm trong nước sạch khoảng 5 tiếng đồng hồ, sau đó, xay thành bột để tráng trong nồi hơi. Để tạo nên thương hiệu bánh như hiện nay, chị và gia đình tuyệt đối tuân thủ vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không được sử dụng hóa chất trong sản xuất. Tiếng lành đồn xa, bánh của chị không chỉ được bà con trong vùng rất ưa chuộng mà các nhà hàng, quán ăn trong vùng cũng đặt hàng bánh của chị để cho vào thực đơn của mình. Hiện nay, mỗi ngày gia đình chị làm hơn tạ bánh, với mức giá 15 nghìn đồng/kg. Ngoài làm bánh ướt truyền thống ra, chị còn tận dụng các phế phẩm từ nguyên liệu làm bánh để chăn nuôi thêm lợn, gà và trồng trọt tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Tổng thu nhập của gia đình khoảng 150 triệu đồng/năm.

Ẩm thực dân gian ngày nay đã phải chịu nhiều ảnh hưởng bởi sự du nhập của các món ăn ngoại, nhưng nhờ có những người thợ lành nghề, luôn luôn giữ lửa như chị Duấn mà nghề làm bánh truyền thống không bị mai một. Nghề này tuy thu nhập không cao nhưng cũng đủ để gia đình có cuộc sống ổn định. Với chị Duấn, hằng ngày, được làm bánh là được làm việc mình yêu thích, tạo thu nhập, vừa lan tỏa hương vị thơm ngon của món bánh đến mọi người, đồng thời cũng mong muốn góp phần giữ gìn và phát huy nghề truyền thống của địa phương. 
 

Thanh Liễu

Các tin khác

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

116 người đã tham gia bình chọn