Một phụ nữ Bru-Vân Kiều rủ hàng xóm làm thứ men lá từ rễ 20 loài cây rừng, nấu loại rượu thơm khắp bản

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Bà Hồ Thị Con (ở bản Bên Đường, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) rủ phụ nữ trong bản làm thứ men lá từ rễ 20 loài cây để nấu lên rượu, một thức uống "đặc sản" của đồng bào Bru – Vân Kiều sống ở dãy Trường Sơn.

Chia sẻ với phóng viên báo điện tử Dân Việt, bà Hồ Thị Con (ở bản Bên Đường, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) cho biết: "Rượu men lá là thức uống đặc sản của đồng bào Bru – Vân Kiều sống ở dãy núi Trường Sơn. Trải qua thời gian, cùng sự phát triển của xã hội, men lá dần mai một, thay vào đó là thứ men bày bán trên thị trường, giá rẻ dễ tiếp cận".

"Bản thân là một trong số ít những người còn nắm giữ kỹ thuật làm rượu cần men lá, vì nặng lòng với thức uống truyền thống này nên tôi đã rủ bà con trong bản lên rừng kiếm rễ cây về làm men lá để nấu rượu, hiện số lượng rượu nấu ra đang rất hạn chế vì thiếu nhiều dụng cụ", bà Hồ Thị Con nói.

Theo bà Hồ Thị Con, để làm ra men lá, trước tiên phải lên rừng lấy nguyên liệu, thường sẽ có 20 loại rễ cây rừng, trong đó có một số loại như: Rễ cây giác luốc, rếp ran… những loại rễ cây này thường mọc ở rừng sâu hoặc dọc các con suối nên mất rất nhiều thời gian, công sức mới đi lấy về được.

Bà Hồ Thị Con (ở bản Bên Đường, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) cầm trên tay thứ men lá làm từ rễ 20 loài cây rừng. 

Rễ cây sau khi lấy về sẽ được rửa sạch rồi đem bào lấy vỏ cây nghiền thành bột, gạo cũng nghiền thành bột, riêng rễ cây đã tách vỏ nấu lấy nước.

Khi nước rễ cây nguội, đem trộn với hỗn hợp bột cây, bột gạo vắt thành từng nắm rồi trộn vỏ trẩu phía ngoài, ủ 3 ngày để lên men rồi đem đi phơi khô dùng dần.

Nếu làm men rượu cần tốn nhiều công sức và kỹ thuật, thì ủ ché rượu cần cũng công phu không kém.

Bà Hồ Thị Con (ở bản Bên Đường, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) chuẩn bị nồi để nấu rượu men lá. Ảnh: Trần Anh

"Cơm ủ rượu được nấu từ loại gạo lúa mới; xoong nấu cơm phải là loại chuyên dùng nấu cơm, bếp lửa nấu cơm phải là lửa mới đầu ngày - tức ngọn lửa chưa nấu nướng món gì khác trước đó", bà Con cho biết.

Cơm nấu chín xong được xới đều ra nia, để cho nguội rồi lấy men đã chuẩn bị sẵn trước đó trộn đều trên nia. Một lớp vỏ trấu mới, sạch được đổ vào phần đáy, chiếm gần một nửa thể tích chiếc ché gốm. Phần cơm đã trộn đều với men rượu được đổ lên bên trên lớp trấu, lèn chặt. Sau khi xong các công đoạn, người ủ rượu chỉ để cái tô lớn đậy miệng ché lại.

Một ngày sau đó, người ta lấy chiếc tô ra, dùng các lớp lá chuối bịt kín miệng ché, cột chặt bằng mấy lớp dây.

Bà Hồ Thị Con bên thùng ủ cơm với thứ men lá làm từ 20 rễ cây rừng. Ảnh: Trần Anh

Để có được ché rượu ngon phải ủ ít nhất 10 ngày, còn để rượu ngon nhất, nồng đượm nhất phải ủ cỡ một năm. Người dân trong và ngoài bản rất ưng loại rượu này vì uống vào không đau đầu, rượu có vị ngọt tự nhiên.

Được biết, bà Hồ Thị Con đang làm Bí thư Chi bộ bản Bên Đường (xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), bà nhiều năm liền đạt thành tích cao trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số xóa bỏ các hủ tục lạc hậu và bà cũng là gương sáng trong việc sản xuất kinh doanh. Để có vốn phát triển kinh tế, những năm trước, bà đã tới Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quảng Ninh để vay nguồn vốn từ Chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn để trồng cây keo lai và nuôi bò sinh sản.

Bà Hồ Thị Con đang rót thứ rượu "đặc sản" nấu bằng men lá để bán cho khách hàng. Ảnh: Trần Anh

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Hoàng Trọng Đức – Chủ tịch UBND xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), chia sẻ: "Trường Sơn là một xã biên giới phía Tây tỉnh Quảng Bình, có gần 70% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó người Bru - Vân Kiều chiếm đa số. Từ lâu, rượu cần gắn bó mật thiết với đời sống hằng ngày của đồng bào nơi đây, đặc biệt trong những dịp lễ hội, cưới hỏi. Cùng với sự phát triển của xã hội, hàng chục năm nay những hũ rượu cần men lá dần vắng bóng, thay vào đó là các loại rượu được ủ với các loại men có sẵn trên thị trường. Nhằm gìn giữ và phát huy "đặc sản" rượu men lá của bà con Bru – Vân Kiều, chính quyền địa phương đã triển khai dự án hỗ trợ bà con công cụ, tạo cơ chế để "hồi sinh" thứ rượu men lá này".

https://danviet.vn/

Các tin khác

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

116 người đã tham gia bình chọn