SỰ RA ĐỜI VÀ TÓM TẮT QUÁ TRÌNH PHÁT TIỂN

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

* Sự ra đời của Hội LHPN tỉnh Quảng Bình

Ngày 03/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Đây là một bước ngoặt lịch sử của cách mạng Việt Nam và cũng là bước ngoặt của phong trào phụ nữ. Qua 15 năm đấu tranh dưới sự lãnh đạo của các tổ chức cơ sở Đảng, cùng với phụ nữ cả nước, phụ nữ Quảng Bình đã tích cực tham gia phong trào cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc, góp phần cùng nhân dân đưa cách mạng đến thắng lợi hoàn toàn.

Cách mạng tháng Tám thành công đã làm cho cuộc sống người phụ nữ có những thay đổi căn bản, từ người dân nô lệ đã trở thành người làm chủ quê hương, đất nước; những tập tục phong kiến lạc hậu ràng buộc người phụ nữ từ bao đời nay bị xóa bỏ, chị em có điều kiện để tham gia tốt công việc quản lý gia đình và xã hội; vai trò người phụ nữ càng được nâng cao, Đảng đã chú ý xây dựng tổ chức này thành một lực lượng nòng cốt trong xã hội. Ngày 7/10/1945 Ban vận động thành lập Đảng ở Quảng Bình đã triệu tập Hội nghị cán bộ Đảng tại thị xã Đồng Hới. Hội nghị vừa bàn biện pháp thực hiện 6 nhiệm vụ cấp bách của Hội đồng Chính phủ, vừa rà soát để tiếp tục thành lập các tổ chức cơ sở Đảng; bầu BCH Đảng bộ lâm thời và ra Chỉ thị kiện toàn lại các tổ chức đoàn thể.

Các cán bộ của Đảng, của Việt Minh Cô Tám (1) có nhiệm vụ tiến hành tập hợp phụ nữ các thôn, xã thành tổ chức theo địa bàn hành chính, vận động các tầng lớp phụ nữ tích cực tham gia hoạt động trong các tổ chức của mình. Được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, cán bộ Việt Minh Cô Tám đã khẩn trương xúc tiến việc thành lập Hội phụ nữ xã, thôn. Khắp nơi trong toàn tỉnh từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược đã dấy lên phong trào chị em ghi tên tham gia vào Hội phụ nữ cứu quốc. Chỉ sau một thời gian ngắn, ở hầu khắp các thôn, xã trong toàn tỉnh đã hình thành tổ chức Hội phụ nữ cứu quốc. Sau khi tổ chức Hội phụ nữ cứu quốc ở các thôn, xã được thành lập, Việt Minh Cô Tám đã tiến hành thu nhận các đại biểu do Hội phụ nữ các xã gửi lên tham gia Hội phụ nữ huyện, thị đồng thời cử những đại biểu xuất sắc tham dự hội nghị phụ nữ toàn tỉnh trong thời gian tới.

Đến cuối năm 1945, nhờ tổ chức tốt đội ngũ cán bộ nữ của Hội phụ nữ cứu quốc trong toàn tỉnh đã tăng hơn nhiều so với thời gian trước đó. Với sự phát triển sâu rộng của các Hội phụ nữ cứu quốc ở cơ sở, để có tổ chức lãnh đạo thống nhất phong trào phụ nữ trong toàn tỉnh, được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và Việt Minh tỉnh, tháng 12/1945 tại Thị xã Đồng Hới đã tiến hành Hội nghị đại biểu cán bộ phụ nữ cứu quốc toàn tỉnh. Hội nghị đã bầu BCH lâm thời Phụ nữ cứu quốc tỉnh do chị Nguyễn Thị Cẩm Thạnh(2) làm bí thư.

Hội nghị cán bộ Phụ nữ Cứu quốc tỉnh cuối năm 1945 là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng Hội nghị chẳng những củng cố, kiện toàn lại tổ chức Hội trong toàn tỉnh mà còn quán triệt, vận dụng sáng tạo những Chỉ thị của Đảng vào hoạt động cụ thể của phong trào phụ nữ tỉnh nhà. Hội phụ nữ Cứu quốc tỉnh Quảng Bình là hạt nhân để đoàn kết các tầng lớp phụ nữ, vận động chị em tham gia xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, chuẩn bị các điều kiện để bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ và gian khổ sau này.

...........................................................................

(1) Cô Tám là con ông Hoàng Phúc, quê ở thôn Mỹ Lộc (Lệ Thủy) chèo đò cho nghĩa quân chở vua Hàm Nghi qua sông Nhật Lệ đến căn cứ địa ở Tuyên Hóa. Dạy chữ cho nghĩa quân, mang thư Phan Đình Phùng về cơ sở nghĩa quân, làm cô bán rượu để phục bắt quân địch, dùng rượu ngon để đánh địch, dùng chất men để lôi kéo địch, mua vũ khí cho nghĩa quân, khi sa vào tay giặc đã gieo mình xuống sông tự tử. Trong những năm tiền khởi nghĩa, cơ quan Việt Minh đã đặt tên “Mặt trận Việt minh Cô Tám” để phát huy truyền thống yêu nước của Phụ nữ Quảng Bình.
(2) Chị Nguyễn Thị Cẩm Thạnh quê ở xã Hải Trạch, sau này nghỉ hưu tại Hà Nội, là hội viên Hội nhà văn Việt Nam (vợ của nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh).
 

 

 * Tóm tắt quá trình phát triển 

Đại hội Hội Phụ nữ cứu quốc tỉnh Quảng Bình lần thứ nhất

Sau Hội nghị đại biểu cán bộ phụ nữ cứu quốc toàn tỉnh, dưới sự lãnh đạo của BCH tỉnh Hội phụ nữ, chỉ trong một thời gian ngắn phụ nữ Quảng Bình đã hăng hái thực hiện có hiệu quả các chủ trương chính sách của Đảng, tổ chức Hội lớn mạnh cả về chất lượng và số lượng. Từ khi thành lập đến giữa năm 1946 số hội viên đã lên tới hàng vạn người. Ngoài phụ nữ nông thôn, Hội đã tập hợp được nữ công nhân, dân nghèo thị xã, tiểu thương, học sinh, sinh viên yêu nước.

Do sự phát triển nhanh chóng về lực lượng và sự đòi hỏi về tình hình cách mạng, tháng 6/1946 tại Thị xã Đồng Hới, Hội phụ nữ cứu quốc Quảng Bình đã tổ chức Đại hội lần thứ nhất nhằm kiện toàn bộ máy tổ chức Hội. Đại hội đã xây dựng chương trình hành động trên cơ sở tiếp thu chủ trương của Đảng chuẩn bị kháng chiến, kiện toàn một bước về mặt tổ chức.

Đại hội đã bầu BCH mới gồm 7 đồng chí do chị Hoàng Thị Thức (1) làm Bí thư, Đại hội cũng đã bầu Đoàn Đại biểu đi dự Hội nghị phụ nữ cứu quốc Trung Bộ tại Huế. Đại hội phụ nữ cứu quốc Quảng Bình lần thứ nhất đã đánh dấu sự lớn mạnh của phong trào Hội, giúp chị em phụ nữ Quảng Bình càng phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chủ Tịch, tiếp tục cùng toàn Đảng, toàn dân bước vào công cuộc chuẩn bị kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Đại hội Hội Phụ nữ cứu quốc Quảng Bình lần thứ II

Bước sang năm 1949 tình hình Quốc tế và Đông Dương có nhiều chuyển biến thuận lợi cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Vượt qua những ngày tháng gian khó, lực lượng kháng chiến Quảng Bình đã phát triển trên các mặt kinh tế, chính trị và quân sự. Nắm bắt tình hình thực tế ở địa phương, Quảng Bình đã phát động cao trào “Quảng Bình quật khởi”. Trong cao trào Quật khởi, đoàn thể phụ nữ các cấp đã động viên rộng rãi tinh thần quần chúng, nhất là những chị em trong Hội, tạo nên một phong trào mạnh mẽ. Chị em xông xáo trong mọi công việc như tiếp tế tải thương, chăm sóc thương binh.

Sau cao trào Quảng Bình quật khởi các đoàn thể yêu nước phát triển thêm nhiều hội viên. Trước sự phát triển của phong trào, tháng 10/1949 tại Đại Hòa (Tuyên Hóa) Đại hội đại biểu Phụ nữ Cứu quốc toàn tỉnh lần thứ II được triệu tập với sự tham dự của đại biểu 7 huyện thị. Đại hội đã bầu ra BCH Phụ nữ cứu quốc gồm 13 đồng chí do chị Trần Thị Hồng Diệm làm bí thư.

Đại hội phụ nữ cứu quốc lần thứ II đã kiểm điểm lại tình hình hoạt động của Hội từ ngày bắt đầu kháng chiến bùng nổ đến nay, đồng thời Đại hội cũng biểu dương khen thưởng những cá nhân và tập thể điển hình của phong trào. Đại hội đã quyết định một số nhiệm vụ cần thực hiện trong thời gian tới là: đẩy mạnh phong trào binh vận, chống bắt lính, chống càn quét, ra sức sản xuất, tham gia chiến đấu, làm tốt công tác hậu phương.

Sau Đại hội, phong trào phụ nữ được tổ chức Đảng và Hội chỉ đạo tiếp tục phát triển sâu rộng hơn. Tính đến cuối năm 1949, toàn tỉnh có 23.146 hội viên phụ nữ cứu quốc, có 1089 đảng viên là phụ nữ trên tổng số 8289 đảng viên của toàn tỉnh; có 5.729 hội viên là Hội mẹ chiến sĩ, 2.388 em thiếu niên nằm trong tổ chức do thanh niên, phụ nữ phụ trách.

Đến cuối năm 1950, tại Xuân Hòa (Hoa Thủy - Lệ Thủy) đã diễn ra Hội nghị hòa hợp Phụ nữ cứu quốc và Hội LHPN Việt Nam tỉnh Quảng Bình. Hội nghị đã bầu bà Nguyễn Phước Đại Hữu (tức Nguyễn Thị Minh Lãng) làm Hội trưởng. Từ đây, lực lượng phụ nữ dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng thêm sức mạnh và đóng góp ngày càng nhiều vào những thắng lợi của công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Sau gần 9 năm trường kỳ kháng chiến đầy gian khổ hy sinh, ngày 20/7/1954 Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở 3 nước Đông Dương được ký kết. Ở Quảng Bình sau lệnh ngừng bắn, ngày 1/8/1954 Tỉnh ủy họp và quyết định thành lập Ủy ban quân chính tiếp quản vùng giải phóng. Trong 2 ngày 7 và 8 tháng 8, Tỉnh ủy Quảng Bình tổ chức mít tinh trọng thể chào mừng cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi. Ngày 18/8//1954, tên lính cuối cùng của quân viễn chinh Pháp rút khỏi Đồng Hới, quê hương hoàn toàn được giải phóng, chị em phụ nữ Quảng Bình tiếp tục bước vào sự nghiệp mới của cách mạng - sự nghiệp hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, xây dựng quê hương đất nước ngày càng phát triển.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi đã đưa cách mạng nước ta bước sang một giai đoạn mới: miền Bắc hoàn toàn giải phóng, bắt tay vào xây dựng Chủ nghĩa xã hội; miền Nam bị đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai thống trị. Với vị trí là cửa ngõ của 2 miền Nam Bắc, đứng giữa hai chế độ chính trị, xã hội, hai nhiệm vụ chiến lược khác nhau, việc khắc phục hậu quả chiến tranh ở Quảng Bình hết sức khó khắn, phức tạp. Cùng với nhân dân trong toàn tỉnh, các tầng lớp phụ nữ Quảng Bình đã hăng hái bắt tay vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng cuộc sống mới. Bằng những việc làm thiết thực phụ nữ Quảng Bình đã tạo nên một lực lượng quan trọng trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh, xóa bỏ những hậu quả nặng nề của chế độ cũ để lại, góp công đắc lực trong thực hiện cải cách ruộng đất, khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống, tiếp tục cuộc đấu tranh lâu dài gian khổ cùng dân tộc.

Với những thành tích đã đạt được trong 3 năm khôi phục kinh tế, ngày 16/6/1957 Quảng Bình vinh dự đón Bác Hồ về thăm. Được vinh dự đón Bác, được Người khen ngợi, dặn dò, chỉ bảo, phụ nữ Quảng Bình như được tiếp thêm sức mạnh để vượt qua gian khổ, thử thách. Các cấp Hội phụ nữ từ tỉnh đến các huyện, thị đã dấy lên phong trào thi đua học tập và làm theo lời Bác dạy.

Đại Hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Quảng Bình lần thứ III

Tháng 7/1957 tại Thị xã Đồng Hới, Đại hội đại biểu phụ nữ toàn tỉnh lần thứ III đã khai mạc. Đại hội đã bầu BCH tỉnh Hội do chị Ngô Thị Tương(2) làm Hội trưởng.

Đại hội đã đánh giá những thành quả mà lực lượng phụ nữ và nhân dân toàn tỉnh giành được trong 3 năm hàn gắn vết thương chiến tranh, hoàn thành cải cách ruộng đất và khôi phục kinh tế (từ 1954 đến 1957). Đại hội còn chỉ rõ những khó khăn, tồn tại của hoạt động phụ nữ trong thời gian qua và khẳng định: những thành quả đạt được là nền tảng vững chắc, là động lực thúc đẩy lực lượng phụ nữ tham gia tích cực hơn nữa trong giai đoạn cách mạng đầy gian khổ, thử thách của 3 năm cải tạo và phát triển kinh tế, văn hóa (1958 - 1960).

Từ những thắng lợi bước đầu của 3 năm hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế và cải cách ruộng đất, giữa tháng 11/1958, Ban chấp hành TW Đảng (khóa II) họp Hội nghị lần thứ 14 (mở rộng) để tổng kết công tác cải cách ruộng đất và bàn nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa miền Bắc 3 năm (1958 - 1960). Bước vào thực hiện kế hoạch 3 năm phát triển kinh tế và văn hóa, phụ nữ Quảng Bình đã hăng hái thi đua sản xuất với tinh thần lập thành tích dâng lên Hồ Chủ tịch. Bằng những việc làm thiết thực, phụ nữ Quảng Bình đã đóng góp một phần công sức cùng nhân dân toàn tỉnh thực hiện một bước quan trọng trong cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân đó là: xóa bỏ được bóc lột tư bản trong nền kinh tế, xóa bỏ được nguồn gốc sinh ra bóc lột và đói nghèo, thiết lập quan hệ sản xuất mới trong đó nhân dân lao động thực sự làm chủ xã hội, làm chủ cuộc sống của chính mình. Đối với phụ nữ Quảng Bình đây chính là những bước tiến đáng kể để chị em phấn đấu đi lên trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng phụ nữ đầy cam go thử thách.

Đại Hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Quảng Bình lần thứ IV

Giữa lúc khí thế cách mạng ở cả 2 miền Nam Bắc đang lên cao, từ ngày 5 đến ngày 10/9/1960, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III được tiến hành tại thủ đô Hà Nội. Đại hội đã vạch ra con đường đi lên CNXH ở miền Bắc và con đường giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà. Cùng với nhân dân cả tỉnh, phụ nữ Quảng Bình lại bước vào một phong trào cách mạng mới - phong trào thi đua thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm (1961 - 1965), phong trào đã thực sự lan rộng trong các tầng lớp phu nữ từ thành thị đến nông thôn, từ miền biển đến các vùng núi rẻo cao.

Trước sự lớn mạnh không ngừng của phong trào phụ nữ tỉnh nhà và trước yêu cầu của nhiệm vụ mới, tháng 6/1961 tại thị xã Đồng Hới, Đại hội lần thứ IV Hội LHPN Việt Nam tỉnh Quảng Bình được tổ chức. Đại hội đã bầu BCH tỉnh Hội do chị Hà Thị Thu Tịnh(3) làm Hội trưởng, chị Ngô Thị Tương làm Hội phó và 5 Ủy viên Thường vụ.

Đại hội tổng kết hoạt động phụ nữ trong 3 năm (1958 - 1960) và tuyên dương khen thưởng 700 cá nhân, 160 đơn vị có thành tích xuất sắc trong 3 năm khôi phục và phát triển kinh tế văn hóa. Đại hội cũng đã đề ra phương hướng hành động của phụ nữ trong việc thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất, đồng thời đã phát động phong trào cờ đỏ Minh Khai và hưởng ứng phong trào thi đua đẩy mạnh Đông Xuân, tiến quân 6 tốt của Tỉnh ủy.

Với quyết tâm cao, phụ nữ trong toàn tỉnh đã tham gia trên mọi lĩnh vực sản xuất nông, lâm, công nghiệp, phát triển văn hóa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà. Các phong trào thi đua sôi nổi với Đại Phong, Thành Công, Ba Nhất xuất hiện bên cạnh phong trào 5 tốt do TW Hội LHPN Việt Nam phát động. Từ những việc làm thiết thực, cụ thể phụ nữ Quảng Bình đã từng bước đi lên trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên quê hương mình.

...................................................................................................

(1) Chị Hoàng Thị Thức, quê ở xã Bảo Ninh, Đồng Hới (đã mất), trước Đại hội Hội phụ nữ cứu quốc lần thứ nhất chị phụ trách phong trào phụ nữ thị xã (nay là TP. Đồng Hới), ở trong BCH lâm thời (10-1945).

(2) Chị Ngô Thị Tương, quê ở xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh (đã mất).

(3) Chị Hà Thị Thu Tịnh (chị Bình) quê ở Hà Tĩnh vào hoạt động ở Quảng Bình từ 1949, sau này nghỉ hưu tại TP. Hồ Chí Minh.

 

Đại Hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Quảng Bình lần thứ V

Trong không khí thi đua thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất của phụ nữ trong toàn tỉnh đang diễn ra sôi nổi hào hứng, tháng 3/1963 tại Thị xã Đồng Hới, Đại hội lần thứ V Hội LHPN Việt Nam tỉnh Quảng Bình khai mạc. Chị Hà Thị Thu Tịnh một lần nữa được tín nhiệm bầu làm Hội trưởng Hội LHPN tỉnh.

Đại hội đã đánh giá những kết quả mà phụ nữ toàn tỉnh đạt được trong 2 năm thực hiện kế hoạch Nhà nước, biểu dương những đơn vị và cá nhân điển hình trong lao động, sản xuất, trong phong trào xây dựng hợp tác hóa, đồng thời đề ra phương hướng nhiệm vụ cụ thể để phấn đấu thực hiện tốt kế hoạch của Nhà nước trong 3 năm còn lại. Sau Đại hội, phong trào thi đua trong toàn tỉnh càng dấy lên mạnh mẽ, thu hút mọi tầng lớp phụ nữ tham gia.

Trước khí thế cách mạng đang diễn ra sôi nổi trong mọi tầng lớp của phụ nữ toàn quốc, nhằm động viên, khuyến khích phụ nữ phát huy hơn nữa ý chí, khả năng và nhiệt tình của mình trong lao động, sản xuất để xây dựng CNXH, đồng thời nêu cao truyền thống của phụ nữ Việt Nam “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, năm 1964 TW Hội LHPN Việt Nam đã phát động phong trào thi đua 5 tốt (Đoàn kết tốt, tiết kiệm tốt; Chấp hành chính sách tốt; Tham gia quản lý tốt; Học tập văn hóa kỷ thuật tốt; Xây dựng gia đình, nuôi dạy con tốt). Ở Quảng Bình, phong trào 5 tốt được phụ nữ trong tất cả các cấp, ngành địa phương hưởng ứng nhiệt tình, sôi nổi. Qua phong trào thi đua, phụ nữ Quảng Bình không chỉ bộc lộ được ý thức giác ngộ cách mạng XHCN mà còn thể hiện được sự dũng cảm, tự tin khi đối mặt với những khó khăn trong thực tiễn đấu tranh bảo vệ những lợi ích chính đáng và thiết thực của bản thân và gia đình mình. Đồng thời đóng góp xứng đáng cùng nhân dân toàn tỉnh sớm hoàn thành kế hoạch của Nhà nước trong bước khởi đầu xây dựng cơ sở vật chất của CNXH ở miền Bắc.

Không chỉ góp phần vào xây dựng CNXH ở miền Bắc, phụ nữ Quảng Bình còn tham gia tích cực vào công cuộc đấu tranh “Vì miền Nam ruột thịt, cùng với cả nước đấu tranh thống nhất nước nhà thông qua thực hiện phong trào kết nghĩa Bình Trị Thiên, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, tạo điều kiện cho đồng bào miền Nam tập kết có việc làm, ổn định cuộc sống... qua đó củng cố thêm ý chí sức mạnh để phụ nữ Quảng Bình sẵn sàng đương đầu với những thử thách còn nặng nề hơn trong thời kỳ cách mạng tiếp theo - thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (1964 - 1975).

Đại Hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Quảng Bình lần thứ VI (vòng 1)

Trong những năm chiến tranh ác liệt, phụ nữ Quảng Bình cùng với toàn Đảng, toàn dân dốc sức cho sự nghiệp xây dựng CNXH miền Bắc, giải phòng miền Nam, thống nhất Tổ quốc do đó chưa có điều kiện tổ chức Đại hội. Hòa bình lập lại tuy chưa vẹn toàn, nhưng đây là cơ hội để đánh giá lại quá trình chiến đấu, chiến thắng giặc Mỹ xâm lược, xây dựng lại quê hương. Ngày 31/12/1973 tại Thị xã Đồng Hới, Đại hội đại biểu phụ nữ toàn tỉnh lần thứ VI (vòng một) khai mạc.

Trên cơ sở quán triệt điều lệ sửa đổi của TW Hội và dự thảo báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ IV, Đại hội đã đánh giá đúng đắn phong trào phụ nữ Quảng Bình trong mười năm qua, đặc biệt trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước, “Phong trào phụ nữ Quảng Bình đã phát triển mạnh mẽ, toàn diện và sâu sắc, một thời kỳ vẻ vang nhất trong lịch sử đấu tranh của nhân dân tỉnh ta” và đã có 6 nữ anh hùng, 1 đơn vị nữ anh hùng, 168.000 chiến sĩ “Hai giỏi”, “3 đảm đang”. Đại hội cũng đã đề ra nhiệm vụ trước mắt nhằm động viên toàn thể cán bộ, hội viên phụ nữ toàn tỉnh phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng của thời kỳ chống Mỹ cứu nước, chuyển sang giai đoạn mới, quyết tâm làm tròn nhiệm vụ đẩy mạnh công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế, nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, thực hiện thắng lợi cách mạng dân tộc, dân chủ ở miền Nam. Trên cơ sở đó, đưa sự nghiệp giải phóng phụ nữ của tỉnh ta không ngừng tiến lên.

Đại Hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Quảng Bình lần thứ VI (vòng 2)

Ngày 23/8/1974 tại Thị xã Đồng Hới, Đại hội đại biểu phụ nữ Quảng Bình lần thứ VI (vòng 2) khai mạc. Về dự Đại hội có 255 đại biểu đại diện cho các tầng lớp dân tộc, tôn giáo phụ nữ trong tỉnh. Đồng chí Vũ Thị Hồng, Ủy viên Thường vụ BCH TW Hội LHPN Việt Nam trực tiếp chỉ đạo Đại hội. Đại hội bầu BCH tỉnh Hội mới gồm 27 đồng chí đại biểu cho các tầng lớp phụ nữ lao động sản xuất, các ngành khoa học, kỹ thuật, chị em dân tộc tôn giáo… Trong 27 đồng chí ủy viên chấp hành có 11 đồng chí chấp hành cũ và 16 nữ đồng chí mới được bầu. Chị Hà Thị Thu Tịnh được bầu lại làm chủ tịch Hội. Đại hội đã biểu dương thành tích xuất sắc của các đơn vị và cá nhân trong 10 năm chống Mỹ cứu nước, xây dựng CNXH, đồng thời kêu gọi các tầng lớp phụ nữ trong toàn tỉnh phát huy truyền thống dũng cảm, đảm đang và chủ nghĩa anh hùng cách mạng ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội.

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Dưới sự lãnh đạo của TW Hội LHPN Việt Nam và Tỉnh ủy Quảng Bình, Hội LHPN Quảng Bình đã động viên động viên lực lượng phụ nữ trong toàn tỉnh phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đoàn kết bắt tay vào hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, từng bước ổn định đời sống nhân dân xây dựng đất nước trong thời kỳ mới.

Năm 1976 thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và khu vực Vĩnh Linh tiến hành hợp nhất thành tỉnh Bình Trị Thiên. Theo đó, cơ cấu tổ chức Hội LHPN Bình Trị được thành lập. Ban chấp hành Hội lâm thời có 37 đồng chí do bà Phan Thị Thanh Nhàn làm Hội trưởng, bà Hà Thị Thu Tịnh và bà Nguyễn Thị Lan làm Phó Hội trưởng. Ban chấp hành lâm thời đã tích cực chuẩn bị cho Đại hội LHPN tỉnh Bình Trị Thiên lần thứ nhất vào cuối năm 1977. Để khẩn trương tiến hành chuẩn bị Đại hội, Ban Thường vụ tỉnh Hội phụ nữ Bình Trị Thiên quyết định thành lập Ban trù bị Đại hội gồm 5 người. Ban chấp hành lâm thời đã xúc tiến Đại hội Hội LHPN tỉnh Bình Trị Thiên

Đại hội đại biểu phụ nữ Bình Trị Thiên lần thứ nhất (1977- 1981)

Đại hội diễn ra từ ngày 19 - 22/12/1977 tại thành phố Huế. Đại hội đã đánh giá phong trào phụ nữ và hoạt động Hội 2 năm 1976 - 1977; trên cơ sở những kết quả đạt được, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và những mặt còn hạn chế, Đại hội đại biểu phụ nữ Bình Trị Thiên lần thứ nhất đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho nhiệm kỳ là đoàn kết, giáo dục, động viên và tổ chức các tầng lớp phụ nữ phát huy quyền làm chủ tập thể thực hiện 3 cuộc cách mạng, tích cực tham gia xây dựng xã hội chủ nghĩa, thi đua lao động sản xuất; tích cực chăm lo quyền lợi đời sống cho phụ nữ và trẻ em; vận động phụ nữ thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hóa mới, sinh đẻ có kế hoạch; bồi dưỡng và nâng cao năng lực làm chủ tập thể; phát huy lực lượng, khả năng to lớn của phụ nữ tham gia quản lý kinh tế, quản lý nhà nước, quản lý xã hội dưới khẩu hiệu: “Giỏi việc nước, đảm việc nhà, thực hiện nam nữ bình đẳng”. Kiện toàn lãnh đạo các cấp hội. Cải tiến sự chỉ đạo sát cơ sở, sát đối tượng, phối hợp với các ngành làm tốt công tác vận động phụ nữ để Hội thực sự là trường học xã hội chủ nghĩa và đại diện cho quyền bình đẳng, làm chủ tập thể của phụ nữ.

Đại hội bầu đã bầu bà Phan Thị Thanh Nhàn làm Hội trưởng, bà Trương Thị Khuê và bà Nguyễn Thị Hoa - Phó Hội trưởng.

Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh Bình Trị Thiên lần thứ II (1981 - 1985)

Đại hội được tổ chức tại thành phố Huế từ ngày 28 - 30/9/1981, Đại hội đã tập trung đánh giá phong trào và hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ nhiệm kỳ 1977-1981, nhất là phong trào “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” đã phát huy mạnh mẽ khả năng của phụ nữ trên mọi lĩnh vực hoạt động góp phần vào cuộc đấu tranh khắc phục hậu quả chiến tranh, thiên tai khắc nghiệt, tích cực thực hiện công cuộc cải tạo và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa...Đại hội đã đề ra nhiệm vụ của nhiệm kỳ tới, đó là: Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, phát huy quyền làm chủ tập thể của phụ nữ; tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; động viên phụ nữ vượt mọi khó khăn, dấy lên khí thế thi đua lao động sản xuất, tiết kiệm, đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu, tham gia củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; tích cực vận động phụ nữ tham gia xây dựng củng cố quốc phòng, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, động viên thanh niên làm tốt nghĩa vụ quân sự, thực hiện tốt công tác hậu phương quân đội; vận động, hướng dẫn phụ nữ thực hiện nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hóa mới, chăm lo quyền lợi phụ nữ và trẻ em; củng cố tổ chức cơ sở, kiện toàn bộ máy các cấp, xây dựng Hội vững mạnh.

Đại hội đã bầu bà Phan Thị Thanh Nhàn tiếp tục giữ chức Hội trưởng, bà Trương Thị Khuê và bà Nguyễn Thị Hoa được bầu giữ chức Phó Hội trưởng phụ nữ tỉnh.

Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh Bình Trị Thiên lần thứ III (1986 - 1990)

Tháng 3 năm 1987, Đại hội đại biểu phụ nữ Bình Trị Thiên lần thứ III được tiến hành. Đại hội nghiêm túc đánh giá những ưu, khuyết điểm của phong trào phụ nữ và hoạt động của Hội Liên hiệp phụ nữ nhiệm kỳ 1981 -1985 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho nhiệm kỳ 1986 - 1990 là: Tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, đoàn kết, tập hợp, giáo dục, động viên các tầng lớp phụ nữ phát huy quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, tham gia quản lý kinh tế, xã hội, đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm. Thực hiện tốt 3 chương trình: lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu mà Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đề ra, thực hiện tốt chức năng của Hội, làm tròn nghĩa vụ người công dân, người mẹ; làm tốt công tác hậu phương quân đội, kiến nghị đề xuất tham gia kiểm tra, giám sát thực hiện các chế độ chính sách có liên quan quyền lợi phụ nữ, trẻ em; xây dựng gia đình văn hóa mới, con người mới xã hội chủ nghĩa. Đổi mới phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ Hội, kiện toàn và nâng cao chất lượng bộ máy các cấp, xây dựng huyện và cơ sở vững mạnh, xóa yếu kém. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Hội, cán bộ nữ tham gia vào các cấp lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; cải tiến nội dung, phương thức hoạt động của Hội phù hợp với yêu cầu đổi mới.

Đại hội đã bầu bà Trương Thị Khuê làm Hội trưởng, bà Ngô Thị Bích Lộc, bà Trương Thị Hồng Hoa được bầu giữ chức Phó Hội trưởng.

Sau 13 năm, kể từ ngày tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và khu vực Vĩnh Linh được hợp nhất thành tỉnh Bình Trị Thiên, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, từng bước vượt qua khó khăn thử thách, đạt được những thành tựu có ý nghĩa to lớn. Tuy nhiên, để phát huy tính chủ động, tích cực sáng tạo và sức mạnh nội lực của từng địa phương theo đường lối đổi mới của Đảng, Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ mười họp phiên bất thường ngày 7/4/1989 đã nhất trí kiến nghị Trung ương cho tách tỉnh Bình Trị Thiên thành 3 tỉnh theo địa giới hành chính cũ, nhằm bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát theo yêu cầu quản lý kinh tế-xã hội trong điều kiện mới; khai thác mọi năng lực sản xuất, tiềm năng, thế mạnh của mỗi tỉnh. Thực hiện Nghị quyết của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá VIII và Quyết định số 87/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, ngày 1/7/1989 Quảng Bình trở thành một tỉnh riêng với địa giới và tên gọi vốn có trong lịch sử.

Theo đó, cơ cấu tổ chức Hội phụ nữ Quảng Bình cũng được chia tách và bộ máy của Tỉnh Hội khi mới chia tách chỉ có 7 đồng chí do đồng chí Trương Thị Hồng Hoa làm Chủ tịch. Nhận thức sâu sắc Nghị quyết Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ VI: Củng cố tổ chức Hội là khâu công tác trọng yếu để thực hiện chức năng, nhiệm vụ tạo nên sức mạnh của Hội”, Hội phụ nữ Quảng Bình đã chủ động đăng lý làm việc với BTV Tỉnh ủy và đề xuất củng cố bộ máy tổ chức Hội. Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, đến cuối năm 1989 biên chế của Hội đã có 12 đồng chí được bố trí thành 3 ban: Văn phòng; Ban Tổ chức và Cán bộ; Ban Tuyên truyền - Giáo dục, chăm lo quyền lợi đời sống. Toàn tỉnh có 114.767 hội viên phụ nữ ở 7 huyện/thị với 148 cơ sở Hội xã/phường, 753 phân chi hội và 2.227 tổ phụ nữ.

Sau ngày tái lập tỉnh từ năm 1989 đến 1991, trong điều kiện hết sức khó khăn nhưng với sự cố gắng của các cấp Hội, phong trào phụ nữ và hoạt động của các tổ chức Hội vẫn được duy trì. Các cấp Hội đã chủ động tìm tòi, sáng tạo, khắc phục khó khăn để giữ vững phong trào và từng bước đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Nhờ đó hoạt động các cấp hội ngày càng đúng hướng. Vai trò của tổ chức Hội trong việc đại diện tham gia quản lý Nhà nước ngày cảng được phát huy.

Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh Quảng Bình lần thứ X (1992 - 1997)

Đại hội đại biểu phụ nữ toàn tỉnh lần thứ X (được tính theo số lần Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh Quảng Bình và Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh Bình Trị Thiên) được tổ chức từ ngày 24 đến ngày 26 tháng 2 năm 1992, tại thị xã Đồng Hới. Dự và chỉ đạo Đại hội có đồng chí Nguyễn Thị Định, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, đồng chí Trần Đình Luyến Bí thư Tỉnh uỷ và các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ. Có 160 đại biểu đại diện cho hơn 11 vạn hội viên phụ nữ trong toàn tỉnh về dự Đại hội. Đại hội đã đánh giá những kết quả đạt được của phong trào phụ nữ trong những năm đầu chia tách tỉnh, đồng thời nghiêm khắc chỉ rõ những tồn tại của phong trào và hoạt động của Hội thời gian qua và đề ra phương hướng nhiệm vụ chung của công tác vận động phụ nữ trong thời kỳ 1992-1997: “Bồi dưỡng nâng cao kiến thức về giới, các kiến thức về quản lý kinh tế, xã hội, các chính sách, luật pháp liên quan đến phụ nữ, trẻ em để có cơ sở thực hiện quyền bình đẳng dân chủ của phụ nữ. Tham gia với Đảng, Nhà nước kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật, chính sách liên quan đến quyền lợi phụ nữ, trẻ em. Giáo dục động viên các tầng lớp phụ nữ tham gia thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội của Đảng và Nhà nước; phối hợp với các ngành liên quan làm tốt công tác chăm lo quyền lợi, đời sống phụ nữ, trẻ em. Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoạt động có chất lượng, đào tạo bồi dưỡng, xây dựng quy hoạch đội ngũ cán bộ Hội, cán bộ nữ”

Đại hội đã bầu đồng chí Trương Thị Hồng Hoa làm Chủ tịch và đồng chí Từ Thị Biêm Phó Chủ tịch; BCH gồm 21 ủy viên. Đại hội cũng đã bầu 10 đại biểu đi dự Đại hội phụ nữ toàn quốc làn thứ VII.

Đại hội phụ nữ tỉnh Quảng Bình lần thứ XI (1997 - 2001)

Đại hội Đại biểu phụ nữ tỉnh lần thứ XI được tổ chức tại thị xã Đồng Hới từ ngày 31/3 đến ngày 01/4/1997. Dự Đại hội có 180 đại biểu chính thức. Đại hội đã tổng kết, đánh giá những kết quả của phong trào phụ nữ và hoạt động của Hội trong 5 năm 1992 – 1997, đồng thời đề ra mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và 5 chương trình công tác trọng tâm trong nhiệm kỳ đó là: Chương trình nâng cao kiến thức, trình độ và năng lực cho phụ nữ; Chương trình hỗ trợ phụ nữ tạo việc làm, tăng thu nhập, tham gia có hiệu quả vào các chương trình phát triển kinh tế ở địa phương; Chương trình chăm sóc sức khỏe phụ nữ, trẻ em, thực hiện sinh đẻ kế hoạch, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”; Chương trình xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; Chương trình nghiên cứu và kiểm tra giám sát.

Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 25 ủy viên, Ban Thường vụ gồm 7 ủy viên. Đồng chí Hoàng Thị Ái Nhiên được bầu giữ chức Chủ tịch; các đồng chí: Từ Thị Biêm, Phí Thị Minh Châu và Hoàng Thị Vơi được bầu làm Phó chủ tịch.

Đại hội phụ nữ tỉnh Quảng Bình lần thứ XII (2001 - 2006)

Đại hội Đại biểu phụ nữ tỉnh lần thứ XII được tổ chức từ ngày 6 đến ngày 7/12/2001 tại thị xã Đồng Hới. Đại hội đề ra những mục tiêu cụ thể cho nhiệm kỳ là: Đoàn kết rộng rãi các tầng lớp phụ nữ, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; nâng cao năng lực và trình độ mọi mặt, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của phụ nữ; thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng nam - nữ, xây dựng người Phụ nữ Quảng Bình yêu nước, có tri thức, năng động, sáng tạo, có sức khỏe, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu, quan tâm đến lợi ích của xã hội và của cộng đồng.

Đại hội đã bầu Ban chấp hành gồm 29 ủy viên, đồng chí Hoàng Thị Ái Nhiên được bầu giữ chức Chủ tịch, đồng chí Phí Thị Minh Châu, Nguyễn Thị Hồng được bầu giữ chức Phó Chủ tịch.

Đại hội phụ nữ tỉnh Quảng Bình lần thứ XIII (2006 - 2011)

Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh Quảng Bình lần thứ XIII được tổ chức từ ngày 06 đến ngày 08/11/2006 tại thành phố Đồng Hới. Với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, bình đẳng, phát triển”, Đại hội đã đề ra mục tiêu, phương hướng cho nhiệm kỳ là: Tăng cường đoàn kết các tầng lớp phụ nữ hăng hái tham gia phong trào thi đua yêu nước “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; phát triển tổ chức Hội vững mạnh, thực hiện tốt vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ; xây dựng người phụ nữ Quảng Bình yêu nước, có tri thức, năng động, sáng tạo, trung hậu, đảm đang; góp phần cùng với Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh của địa phương, sớm đưa Quảng Bình thoát khỏi tình trạng một tỉnh nghèo. Trên cơ sở đó, Đại hội đã đưa ra 6 nhiệm vụ và các giải pháp cơ bản nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.

Đại hội đã bầu đồng chí Phí Thị Minh Châu giữ chức Chủ tịch Hội LHPN tỉnh khóa XIII; các đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Trần Thị Ngọc Yến, Hoàng Thị Ngân Hương được bầu giữ chức Phó Chủ tịch và BCH gồm 29 đồng chí. Ngày 31/7/2009 đồng chí Phạm Thị Hân, ủy viên Ban Thường vụ được bầu bổ sung Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh thay đồng chí Hoàng Thị Ngân Hương chuyển công tác.

Đại hội phụ nữ tỉnh Quảng Bình lần thứ XIV (2011 - 2016)

Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh Quảng Bình lần thứ XIV được tổ chức trong 02 ngày (27 - 28/12/2011) tại thành phố Đồng Hới, tham dự Đại hội có 204 đại biểu chính thức. Với chủ đề “Phụ nữ Quảng Bình đoàn kết, sáng tạo, bình đẳng, phát triển”, Đại hội đã tiến hành tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Phụ nữ tỉnh nhiệm kỳ 2006-2011; xác định mục tiêu phương hướng của nhiệm kỳ 2011-2016 là: Tăng cường đoàn kết, phát huy tiềm năng của các tầng lớp phụ nữ, thực hiện tốt hơn chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, thiết thực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, không ngừng nâng cao vị thế của phụ nữ; tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, xây dựng và phát triển tổ chức Hội vững mạnh; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, xây dựng quê hương Quảng Bình phát triển nhanh và bền vững; vì sự phát triển của phụ nữ; vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đại hội xác định tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2011-2016.

Đại hội đã tổ chức đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì và bầu Ban chấp hành Hội LHPN tỉnh khóa XIV gồm 33 đồng chí, đồng chí Phạm Thị Hân, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Hội nhiệm kỳ 2006-2011 được bầu giữ chức Chủ tịch Hội LHPN tỉnh; các đồng chí: Trần Thị Ngọc Yến, Đỗ Thị Bích Thủy, Nguyễn Thị Tuyết Minh được bầu giữ chức Phó Chủ tịch.

Đại hội phụ nữ tỉnh Quảng Bình lần thứ XV (2016 - 2021)

Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh Quảng Bình lần thứ XV được tổ chức trong 02 ngày (25 - 26/10/2016) tại thành phố Đồng Hới, tham dự Đại hội có 250 đại biểu chính thức. Với chủ đề " Đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, phát triển", Đại hội có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Phụ nữ tỉnh lần thứ XIV; quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2016 - 2021 là: Quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII; tăng cường đoàn kết, phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của các tầng lớp phụ nữ; phát huy đầy đủ vai trò nòng cốt của tổ chức Hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và vị thế của phụ nữ; tích cực thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, góp phần xây dựng Quảng Bình phát triển nhanh và bền vững. Đại hội xác định 02 khâu đột phá của nhiệm kỳ: (1) Tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động Hội cơ sở vùng dân tộc thiểu số, vùng có đạo. (2) Đầu tư các nguồn lực thúc đẩy phụ nữ phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng. Về phong trào thi đua, các cuộc vận động, Đại hội quyết định: Tiếp tục phát động phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc". Cuộc vận động "Rèn luyện phẩm chất đạo đức: Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang" và Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch". Trên cơ sở đó, Đại hội đã đề ra 3 nhiệm vụ trọng tâm và các nhóm  giải pháp cơ bản nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.

 Đại hội đã bầu Ban chấp hành Hội LHPN tỉnh khóa XV gồm 37 đồng chí; đồng chí Phạm Thị Hân tiếp tục được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Hội LHPN tỉnh; các đồng chí: Đỗ Thị Bích Thủy, Nguyễn Thị Tuyết Minh, Nguyễn Thị Kim Lan được bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch.

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

116 người đã tham gia bình chọn