Phát huy hiệu quả nguồn vồn vay của NHCSXH huyện Bố Trạch vươn lên làm giàu.

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Là một người nông dân cần cù, chịu khó, chị Nguyễn Thị Xuân ở thôn 3, xã Mỹ Trạch, huyện Bố Trạch được nhiều người dân trong vùng biết đến nhờ kinh doanh giỏi và giúp đỡ nhiều nông dân khác có việc làm ổn định. Những sản phẩm do chị làm ra hiện nay đã có chỗ đứng vững vàng trên thị trường.

Đầu năm 2014, gia đình chị Xuân mạnh dạn vay 50 triệu đồng chương trình Hộ nghèo từ Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) đầu tư chăn nuôi lợn và gà thịt. Trong quá trình tổ chức chăn nuôi, gia trại chị Xuân ít sử dụng thức ăn công nghiệp mà tận dụng các phế phẩm nông nghiệp. Chị trồng các loại cây như chuối, khoai lang, rau muống, thu gom bèo tây làm thức ăn cho lợn, gà. Nhờ vậy mà lợn, gà của gia đình chị xuất chuồng luôn được khách hàng ưa chuộng. Với phương châm, vừa làm vừa học hỏi, đúc rút kinh nghiệm vừa tìm đầu ra nên hiệu quả sản xuất từ mô hình gia trại của gia đình chị dần được nâng lên. Năm 2015, gia đình chị Xuân quyết định làm thêm dịch vụ kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thu nhập tăng lên đáng kể. 

Chị Nguyễn Thị Xuân, chia sẻ: Bước ngoặc lớn nhất của chúng tôi là thời điểm tháng 6 - 2018, gia đình tôi được tham gia thực hiện tiểu dự án “Phát triển sản xuất nấm linh chi thương phẩm”. Từ đó, Tổ hợp tác trồng nấm của chúng tôi ở thôn 3 Mỹ Trạch bắt đầu hình thành và hoạt động. Đến 2019, Tổ hợp tác do tôi quản lý được chuyển đổi thành Hợp tác xã sản xuất - kinh doanh nấm sạch và rượu sim Xuân Hưng. Hoạt động của hợp tác xã tập trung nhiều nhất vào sản xuất mặt hàng rượu sim và các loại nấm sạch, hai mặt hàng này chiếm trên 85% doanh số bán ra của hợp tác xã.

Nhờ sản xuất kinh doanh tốt nên Hợp tác xã sản xuất - kinh doanh nấm sạch và rượu sim Xuân Hưng đã tạo được việc làm ổn định, tăng thêm thu nhập cho các thành viên, nhiều gia đình thành viên đã vươn lên thoát nghèo và có điều kiện để trở thành hộ khá. Cũng trong năm 2019, sản phẩm rượu sim của Hợp tác xã sản xuất - kinh doanh nấm sạch và rượu sim Xuân Hưng bắt đầu tham gia chương trình OCOP của tỉnh Quảng Bình và được xếp hạng 3 sao, được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Quảng Bình năm 2020. Hợp tác xã được Ban điều hành cộng đồng khởi nghiệp tỉnh Quảng Bình cấp giấy chứng nhận là “Mô hình khởi nghiệp tiêu biểu đóng góp vào công tác xây dựng và phát triển phong trào khởi nghiệp tỉnh Quảng Bình năm 2020”.

Nhớ lại thời gian trước đây, chị Nguyễn Thị Xuân cho biết thêm: Năm 2014 khi mới bắt tay vào chăn nuôi, diện tích chuồng trại của gia đình chỉ khoảng 60m². Trong quá trình sản xuất, gia đình tôi vừa tích lũy vốn tái sản xuất vừa vay thêm vốn từ NHCSXH và một số nguồn khác để xây dựng thêm chuồng trại. Sau khi hình thành hợp tác xã, đến năm 2020,tôi vay thêm 90 triệu đồng nguồn vốn GQVL của NHCSXH và huy động thêm vốn để mua sắm thêm các trang thiết bị để mở rộng sản xuất. Đến nay, diện tích mặt bằng hợp tác xã là 850m². Vừa tổ chức sản xuất, vừa học tập kỹ thuật qua các lớp tập huấn do Hội Nông dân, Hội Phụ nữ xã liên kết với các chương trình, dự án tổ chức,  đồng thời đúc rút kinh nghiệm thực tiễn nên chúng tôi giảm dần được các tổn thất, rủi ro theo thời gian. Không chỉ bản thân tôi mà các thành viên trong hợp tác xã cũng được tham gia các lớp tập huấn, được hướng dẫn kỹ thuật, nắm vững quy trình sản xuất. Sản phẩm của Hợp tác xã sản xuất - kinh doanh nấm sạch và rượu sim Xuân Hưng làm ra được tiêu thụ mạnh tại địa phương và số còn lại được tiêu thụ ở các địa phương khác.

Chị Xuân tâm sự: Tạo được việc làm cho người lao động, giúp họ nâng cao thu nhập để cải thiện cuộc sống gia đình là điều mà tôi luôn ấp ủ. Khi mới thành lập, tổ hợp tác có 15 lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Năm 2019, hợp tác xã thành lập đã kết nạp 15 lao động trong tổ hợp tác cũ làm thành viên, đồng thời hợp đồng thêm lao động thời vụ, có những thời điểm lên đến 50 lao động. Mức thu nhập của xã viên hiện nay bình quân 6 triệu đồng/người/tháng, cao gấp đôi so với mức thu nhập bình quân tại địa phương.

Là một điển hình trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, ngoài việc tổ chức tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã, bản thân chị Xuân còn giúp một số hộ về con giống và thức ăn chăn nuôi với số tiền gần 30 triệu đồng. Chị sẵn sàng chia sẻ với họ những kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi, tạo cho họ có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, hợp tác xã đã trích quỹ phúc lợi xã hội 50 triệu đồng giúp các gia đình xã viên có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn. Từ năm 2015 đến năm 2020 chị đã giúp đỡ cho 12 hộ thoát nghèo.

Ông Mai Ngọc Sơn - Giám đốc NHCSXH huyện Bố Trạch, cho biết: Mô hình Hợp tác xã sản xuất - kinh doanh nấm sạch và rượu sim Xuân Hưng do chị Xuân quản lý hoạt động rất tốt, phát huy hiệu quả đồng vốn, là một trong những tấm gương tiêu biểu sản xuất kinh doanh giỏi tại địa phương. 

Hội LHPN huyện Bố Trạch
                                    
 

Các tin khác

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

116 người đã tham gia bình chọn