Quan tâm hơn nữa công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 70.000 người làm việc trong các tổ chức, doanh nghiệp, trong đó lao động nữ trên 21.770 người (chiếm tỷ lệ 31,1%). 

Năm 2020, mặc dù đại dịch Covid-19 và bão, lũ ở miền trung đã ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội của tỉnh nói riêng và toàn quốc nói chung, nhưng công tác bình đẳng giới vẫn được các cấp, ngành tập trung thực hiện dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng góp phần nâng cao vị thế của nữ giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Bên cạnh đó các chính sách an sinh xã hội gắn với các mục tiêu, chỉ tiêu Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 đã tạo điều kiện để người dân, trong đó có phụ nữ và trẻ em tiếp cận được với các chương trình, dịch vụ xã hội thiết yếu về y tế, giáo dục, việc làm, nhà ở, nước sạch... đã góp phần thay đổi nhận thức về giới của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và người dân về vai trò bình đẳng giữa nam giới và nữ giới đối với sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Để từng bước thay đổi nhận thức của Nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn tỉnh về công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, trong năm, các ban, ngành, đoàn thể, địa phương đã in ấn và cấp phát 15.500 tờ rơi về bình đẳng giới, 1.151 sách truyền thông thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị và phòng, chống bạo lực gia đình ở Việt Nam hiện nay; tổ chức 08 lớp tập huấn và hội thảo nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ với hơn 575 đại biểu tham dự; phối hợp các cấp Hội của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và cấp huyện cùng cơ sở tổ chức 407 cuộc tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề, tập huấn và hội thảo nhằm vận động hội viên Hội phụ nữ thực hiện Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, qua đó giáo dục đạo đức, lối sống, phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực giới, xây dựng gia đình hạnh phúc. Đặc biệt, Hội Phụ nữ Công an tỉnh đã duy trì hiệu quả mô hình “Phụ nữ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên lĩnh vực bảo vệ an ninh trật tự”; hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2020 gắn với chủ đề “Hành động thiết thực vì phụ nữ và trẻ em” và chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”; tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực trẻ em tại trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy; chỉ đạo duy trì 02 mô hình “Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh cộng đồng” tại xã Sen Thủy (huyện Lệ Thủy) và xã Quảng Tùng (huyện Quảng Trạch); triển khai mới 02 mô hình tại xã Xuân Hóa (huyện Minh Hóa) và xã Phong Thủy (huyện Lệ Thủy) nhằm góp phần nâng cao công tác truyền thông và hỗ trợ địa phương có nguy cơ cao trong phòng, chống bạo lực giới.

Cùng với đó, xác định vai trò quan trọng của công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Tỉnh Ủy, UBND tỉnh cũng luôn quan tâm chỉ đạo về công tác cán bộ nữ, tạo điều kiện cho phụ nữ có nhiều cơ hội phát triển, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Việc đề bạt, bổ nhiệm, bố trí, sử dụng cán bộ nữ được tập thể lãnh đạo, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện. Năm 2020, toàn tỉnh có 910 công chức nữ trong tổng số 2.622 công chức (bao gồm công chức hành chính và công chức sự nghiệp), chiếm tỷ lệ 34,7%; 13.851 viên chức nữ trên 20.439 viên chức, chiếm tỷ lệ 67,8%. Tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2016 - 2020: Cấp tỉnh có 04/52 đồng chí, chiếm 7,7%; cấp huyện, thị xã, thành phố có 56/336 đồng chí, chiếm 16,7%; cấp xã, phường, thị trấn có 425/2278 đồng chí, chiếm 18,7%. Tỷ lệ nữ là đại biểu Quốc hội tỉnh khóa XIV đạt 16,7%. Tỷ lệ nữ lãnh đạo chủ chốt trong các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp: Cấp tỉnh 10/108, (tỷ lệ 9,3%); cấp huyện 40/100, (tỷ lệ 40%); cấp xã: 45/1749, (tỷ lệ 2,6%). Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ cũng được chú trọng. Hầu hết cán bộ nữ đều được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa theo tiêu chuẩn chức danh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước khi giới thiệu tham gia cấp ủy, bố trí vào các vị trí lãnh đạo, quản lý của các đơn vị, địa phương. Số cán bộ nữ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài tỉnh đạt tỷ lệ trên 25% trong tổng số các lớp đào tạo, bồi dưỡng chung của tỉnh. Cùng với việc thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy cũng đã phối hợp triển khai thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ nữ đảm bảo theo quy định, qua đó thể hiện sự quan tâm của các cấp ủy đối với cán bộ nữ, khuyến khích, động viên cán bộ nữ yên tâm công tác.

Tuy nhiên, việc bố trí cán bộ nữ trong ban lãnh đạo một số đơn vị vẫn còn ít; một bộ phận cán bộ nữ vẫn còn tư tưởng an phận, thiếu ý chí phấn đấu, còn tâm lý e ngại khi được luân chuyển, bố trí công tác xa gia đình.

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ trẻ có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực thực tiễn đưa vào quy hoạch cán bộ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp, các ngành; đảm bảo tỷ lệ cán bộ nữ tham gia bộ máy lãnh đạo cao hơn trong giai đoạn mới; ban hành chính sách ưu tiên cho cán bộ nữ; tạo điều kiện hơn nữa cho phụ nữ trong việc vay vốn giải quyết việc làm; đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ; tiếp tục thực hiện các hoạt động triển khai, duy trì và nhân rộng các mô hình phòng, ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới và hỗ trợ phụ nữ; tăng cường kiểm tra, giám sát công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ và thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới tại các địa phương.

Theo https://www.quangbinh.gov.vn

Các tin khác

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

116 người đã tham gia bình chọn