Những kỷ vật thiêng liêng của Thân mẫu Bác Hồ

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Trong số hàng ngàn kỷ vật gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh, những kỷ vật rất đỗi giản dị của bà Hoàng Thị Loan, Thân mẫu của Người, luôn để lại trong chúng ta nhiều cảm xúc trân quý, thiêng liêng.
 

Ngôi nhà tranh ở làng Hoàng Trù (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), quê hương của Thân mẫu Bác Hồ. Cậu bé Nguyễn Sinh Cung chào đời tại đây vào một sáng mùa hè năm 1890. Ảnh: TL

Tháng Năm mùa sen nở, trong tâm thức, người Việt ở muôn nơi lại hướng về Ngày sinh nhật Bác, như một sự tưởng nhớ, tri ân người Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, Người cha kính yêu của dân tộc Việt Nam. 

Chiếc giường của bà Hoàng Thị Loan

Chiếc giường của bà Hoàng Thị Loan là một kỷ vật thiêng liêng của gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chất liệu chiếc giường được làm bằng gỗ xoan, dài 1,58m, rộng 1,5m, cao 0,35m, liếp nứa to bản, trên trải một chiếc chiếu mộc. Điều đặc biệt, chính trên chiếc giường này, bà Hoàng Thị Loan đã sinh ra 3 người con yêu nước cho dân tộc Việt Nam là: Nguyễn Thị Thanh (SN 1884), Nguyễn Sinh Khiêm (SN 1888) và đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890, tên gọi thuở nhỏ là Nguyễn Sinh Cung).

Chiếc giường nhỏ sau tấm màn là nơi nghỉ của bà Hoàng Thị Loan. 3 chị em Bác Hồ được sinh ra trên chiếc giường này. Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Chiếc rương gỗ

Chiếc rương gỗ được xem là "của hồi môn" của bà Hoàng Thị Loan (được bố mẹ tặng lúc lấy chồng ra ở riêng). Chiếc rương có chiều dài 99cm, rộng 77cm, cao 80cm. Năm 1895, khi gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh vào Huế, chiếc rương được bà Hoàng Thị Loan cho lại người em gái là Hoàng Thị An. Chiếc rương gỗ còn là kỷ vật đặc biệt gắn với những bước chập chững đầu đời của Bác Hồ (cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã men theo chiếc rương gỗ này để tập những bước đi đầu tiên).

Ngày 9/12/1961, sau hơn nửa thế kỷ ra đi tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới có dịp trở về thăm quê. Người vô cùng xúc động khi thăm lại ngôi nhà. Khi nhận ra chiếc rương gỗ, kỷ vật thiêng liêng của gia đình, đôi bàn tay của Bác run run lần theo mép rương. Bác nén xúc động, quay ra bảo với mọi người: "Các cô, các chú thật khéo giữ, chiếc rương gỗ ngày xưa vẫn còn"…

Chiếc rương gỗ - quà hồi môn của bà ngoại tặng mẹ Bác ngày lấy chồng, nơi Bác men theo mỗi lần chập chững những bước chân đầu đời. Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Chiếc khung cửi

Chiếc khung cửi sinh thời bà Hoàng Thị Loan dùng để quay tơ, dệt vải kiếm sống nuôi cả gia đình. Chính tiếng thoi đưa dệt vải cùng những lời ru à ơi bên cánh võng đã nuôi dưỡng, gieo vào tâm hồn thơ bé của Bác nhiều giá trị lớn lao trong nhân cách của Người.

Hiện nay, ngoài chiếc khung cửi gốc này (được trưng bày trong ngôi nhà quê ngoại Bác Hồ ở làng Hoàng Trù, Nam Đàn, Nghệ An), tại đền thờ bà Hoàng Thị Loan (thôn Vân Nội, xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) cũng trưng bày chiếc khung cửi được chế tác theo nguyên mẫu khung cửi gốc để tưởng nhớ bà.

Chiếc khung cửi bà Hoàng Thị Loan quay tơ dệt vải nuôi cả nhà. Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Chiếc võng của gia đình Bác Hồ ở làng Hoàng Trù

Nhìn chiếc võng nhuốm màu thời gian, chúng ta lại nhớ đến lời bài hát "Người mẹ Làng Sen": "Người mẹ ấy sinh con trong trời đêm/Giữa bùn đen mà hoa sen thắm nở/Chiếc võng gai che nghiêng khung cửi lụa/Mẹ ru con trong tiếng thoi đưa…". 

Chiếc võng nằm ngang giữa 2 gian nhà trong ngôi nhà 3 gian bé nhỏ của gia đình Bác. Võng dài 3,2m, rộng 1,5m, bằng chất liệu cói. Đêm đêm, dưới mái nhà tranh ở làng Hoàng Trù, hòa cùng tiếng thoi đưa, bà Hoàng Thị Loan đưa võng ru những đứa con thân yêu của mình, trong đó có Nguyễn Sinh Cung đi vào giấc ngủ. Những lời ru ngọt ngào đó còn nhắn gửi những bài học đầu đời bình dị, giản đơn mà sâu nặng vô cùng: "À ơi, con ơi mẹ dặn câu này/Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm/Làm người đói sạch rách thơm/Công danh phủi nhẹ, nước non phải đền"...

Đêm đêm, dưới mái nhà tranh ở làng Hoàng Trù, hòa cùng tiếng thoi đưa, bà Hoàng Thị Loan đưa võng ru những đứa con thân yêu của mình.

Chiếc bình vôi

Nhà văn Sơn Tùng, người có nhiều tác phẩm rất hay và chi tiết về Bác và gia đình Bác, là người có nhiều lần tiếp xúc, trò chuyện thân tình với bà Nguyễn Thị Thanh. Có lần gặp bà Thanh, nhà văn Sơn Tùng thắc mắc vì thấy bà Thanh không ăn trầu nhưng lúc nào cũng giữ ống bình vôi bên cạnh thì được bà trả lời: "Ông bình vôi này là vật thiêng của mẹ o để lại. Năm 1922, sau lúc o được ra tù, o đã đi vào Huế, bí mật đưa hài cốt mẹ o về Nam Đàn. Khi mẹ o qua đời, o không có mặt để chịu tang, chỉ có mình cậu Thành và em út. Nay bốc mộ mẹ, o mới biết ngày chôn cất mẹ o, bà con ở thành nội đã chôn theo chiếc bình vôi mà thường ngày mẹ o lấy vôi để ăn trầu. Nay cải táng, bác Cả Khiêm lo việc phần mộ, o xin giữ lại chiếc bình vôi này để o đỡ nhớ mẹ, bõ những ngày không được ở bên mẹ o. Cháu biết không, khi mẹ o ở Huế, cha mẹ o để o phải về Nam Đàn chăm sóc ông bà ngoại. O xa mẹ, o nhớ lắm cháu ơi! Ai không được gần mẹ, thiệt thòi lắm cháu ơi!".

Khu di tích Kim Liên (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), gồm những địa danh gắn liền với nơi sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại quê ngoại (làng Hoàng Trù) và quê nội (làng Sen) - nơi Người đã sống những năm 1901 - 1906.

https://hoilhpn.org.vn/

Các tin khác

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

115 người đã tham gia bình chọn