Đại tướng Võ Nguyên Giáp với những nữ anh hùng trên "đất lửa" Quảng Bình - Bài cuối: Tình người bên chân sóng biển đông

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn dành những tình cảm ưu ái cho Đảng bộ và nhân dân xã Quang Phú (TP. Đồng Hới). Tháng 3-1962, khi HTX cấp cao Quang Phú trở thành lá cờ đầu phong trào HTX toàn miền Bắc, Đại tướng đã về thăm...

Ngày 20-8-1999, nơi mảnh đất “đầu sóng ngọn gió”, dưới tán rừng phi lao xanh ngát xưa kia là vườn ươm của đội quân trồng rừng chắn cát, Anh hùng Lao động Phạm Thị Nghèng hội ngộ cùng Đại tướng.

Mẹ Phạm Thị Nghèng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Mẹ Phạm Thị Nghèng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Gặp mẹ Nghèng, Đại tướng chân tình: “Tôi một thời trận mạc, cầm quân đánh giặc, bà một đời vận động chị em phụ nữ trồng rừng, giờ gặp nhau, tóc ai cũng bạc trắng cả rồi!”

Mẹ Phạm Thị Nghèng vốn sinh ra tại xã Nhân Trạch, sát xã Quang Phú. Thời con gái, mẹ bén duyên với trai làng Phú Hội là ông Phạm Văn Rỏng, sinh năm 1917. Ông bà sinh hạ được 5 người con.

Theo Lịch sử Đảng bộ xã Quang Phú giai đoạn 1930-2015, tháng 11-1960, HTX cấp cao Quang Phú ra đời do ông Lê Trạm làm Chủ nhiệm (ông Lê Trạm được tuyên dương Anh hùng Lao động tại Đại hội liên hoan Anh hùng chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ III, năm 1962; đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình khóa IV, nhiệm kỳ 1971-1975). 

Mẹ Nghèng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp dưới rừng cây phi lao tại xã Quang Phú.

Mẹ Nghèng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp dưới rừng cây phi lao tại xã Quang Phú.

Trong phong trào HTX, Quang Phú lấy khẩu hiệu “Rừng là nhà, biển là quê hương, bãi cát rừng dương là bức tường dựa vững chắc” để vươn lên trở thành lá cờ đầu trên toàn miền Bắc, đi vào lịch sử với “gió Đại Phong, sóng Duyên Hải, buồm Quang Phú, trống Bắc Lý, cờ Ba nhất”.

Đội trồng rừng do mẹ Phạm Thị Nghèng phụ trách huy động chị em phụ nữ làng biển ngày đêm “trồng cây, gây rừng, lấn cát”. Cứ vào đầu mùa mưa, tất cả lực lượng lao động tập trung ươm hạt, vào bầu, trồng cây.

Nhờ đó, những triền cát khô cằn được phủ xanh dần, vừa chống cát bay, cát nhảy lấn đất, vừa làm bức tường thành ngụy trang trận địa, thành chỗ trú ẩn an toàn cho tàu thuyền sau mỗi lần ra khơi bám biển. Vừa trồng cây, vừa chăm sóc, bảo vệ, hễ thấy nhà nào đốt củi dương thì tuyên truyền, ngăn chặn. Nhà nhà học thuộc nội quy bảo vệ rừng, thuộc nằm lòng câu khẩu hiệu “Hỡi ai đi đến nơi này, chớ nên chặt phá những cây đã trồng”.

Giai đoạn 1968-1973, đội quân của mẹ Nghèng trồng được trên 60 vạn cây phi lao trên cát.

Cho đến khi Đội trồng rừng chắn cát xã Quang Phú chính thức giải thể, thời gian trôi qua gần 45 năm (1964-2009). Rừng phi lao trên cát kéo dài dọc bờ biển từ giáp phường Hải Thành ra đến giáp xã Nhân Trạch (huyện Bố Trạch) diện tích lên đến 200ha, người dân Quảng Bình và cả nước thân yêu gọi là rừng mẹ Nghèng.

Ngôi nhà nhỏ của mẹ Phạm Thị Nghèng nay đã hư hỏng, xuống cấp.

Ngôi nhà nhỏ của mẹ Phạm Thị Nghèng

Với thành tích 40 năm trồng cây gây rừng, ngày 17-9-1999, Chủ tịch nước Nguyễn Đức Lương ký quyết định tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho mẹ Nghèng. Đến tháng 11-2000, mẹ Nghèng vinh dự trở thành Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Trở lại với câu chuyện ân tình giữa Đại tướng với xã Quang Phú anh hùng và mẹ Phạm Thị Nghèng, tháng 6-1963, Đại tướng về thăm Quang Phú lần thứ hai. Mùng một Tết Bính Ngọ (1966), Đại tướng thăm Quang Phú lần thứ ba, quà chúc Tết tặng cho HTX Quang Phú gồm 5 gói thuốc lào, 1 gói kẹo, 1 cây thuốc Điện Biên và 2 gói chè Thanh Hương (trích Lịch sử Đảng bộ xã Quang Phú giai đoạn 1930-2015).

Đại tướng căn dặn cán bộ, đảng viên, xã viên HTX: “Phải sản xuất tốt hơn nữa, chiến đấu tốt hơn nữa, phòng không tốt hơn nữa để bảo vệ tính mạng của nhân dân và đẩy mạnh hơn nữa phong trào trồng rừng chắn cát”.

Lần thứ tư Đại tướng thăm Quang Phú, là ngày 20-8-1999. Dưới tán rừng phi lao xanh ngát xưa kia là vườn ươm của đội quân trồng rừng chắn cát, mẹ Nghèng hội ngộ cùng Đại tướng.

Gặp gỡ và tặng quà cho mẹ Nghèng, Đại tướng ân tình: “Tôi một thời trận mạc, cầm quân đánh giặc, bà một đời vận động chị em phụ nữ trồng rừng, giờ gặp nhau, tóc ai cũng bạc trắng cả rồi!”. Biết vợ chồng mẹ Nghèng chỉ còn lại 4 người con gái, Đại tướng ân cần động viên: “Thôi bà đừng phân biệt gái trai chi hết. Có phúc là có phần!”.

Một góc rừng phi lao mẹ Nghèng giờ đã thành cổ thụ tại bờ biển xã Quang Phú.

Một góc rừng phi lao mẹ Nghèng giờ đã thành cổ thụ tại bờ biển xã Quang Phú.

Ông Nguyễn Văn Hờ, nguyên Chủ tịch UBND xã Quang Phú giai đoạn 1991-2004 nhớ lại: “Lúc Đại tướng cùng mẹ Nghèng tản bộ dưới rặng phi lao mấy chục năm tuổi, mái tóc hai người bạc trắng màu thời gian. Hình ảnh rất đẹp, rất thơ, mọi người có mặt lúc đó ngắm hoài không chán. Sau đó, Đại tướng thảnh thơi ngồi trên chiếc võng mắc qua hai gốc phi lao ung dung, tự tại. Đại tướng căn dặn: “Quang Phú hai lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng (Anh hùng Lao động năm 1966 và Anh hùng LLVT Nhân dân năm 1972-PV). Cùng với HTX Đại Phong, Quang Phú trở thành lá cờ đầu của phong trào HTX trên toàn miền Bắc. Trong giai đoạn đổi mới đất nước, Quang Phú cần phát huy truyền thống anh hùng, tranh thủ tiềm năng, thế mạnh sẵn có tiếp tục vươn khơi, bám biển làm giàu, tiếp tục vận động nhân dân tham gia trồng cây gây rừng theo gương mẹ Nghèng… Làm sao xây dựng xã Quang Phú thành một làng quê kiểu mẫu, làng quê đáng sống như trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ chúng ta đã làm được”.

Trở lại Quang Phú lần này, tôi cùng vợ chồng bà Phạm Thị Ngạnh, Hoàng Bá Ngôn, con gái đầu mẹ Phạm Thị Nghèng ghé nhà mẹ thắp nén hương tri ân.

Mẹ Phạm Thị Nghèng mất năm 2002, hưởng thọ 74 tuổi. Bà Ngạnh bồi hồi nhớ lại: “Mỗi dịp con cháu đông đủ, mẹ tôi lại đem kỷ niệm về bác Giáp ra khoe rất say sưa. Mẹ kể, khi ngồi nói chuyện cùng nhau dưới rừng dương, Đại tướng hỏi mẹ về cách thức trồng rừng chắn cát, những vất vả mà chị em trong Đội trồng rừng gặp phải, chế độ đãi ngộ cho mọi người… Đại tướng căn dặn, Quang Phú cần phải trồng thật nhiều rừng, phải trồng cây gây rừng, phủ xanh đồi cát. Trồng rừng cho con cháu sau này hưởng lợi. Hiệu quả của rừng phi lao chắn cát không phải ngày một, ngày hai mà trường tồn mãi mãi… Những năm cuối đời, sức khỏe mẹ tôi yếu dần, vẫn cứ mãi ước mơ được gặp lại Đại tướng thêm một lần nữa”.

Theo Báo Quảng Bình

Các tin khác

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

115 người đã tham gia bình chọn