VÌ MỘT HÀNH TRÌNH “DI CƯ AN TOÀN” VÀ HỢP PHÁP

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Trong những năm qua, số lượng người dân Quảng Bình di cư ra nước ngoài ngày một gia tăng, việc di cư được diễn ra dưới các hình thức khác nhau như: đi lao động nước ngoài, thăm thân nhân, du lịch, định cư theo gia đình và kết hôn. Trong số các hình thức kể trên, đi lao động nước ngoài là con đường chủ yếu để giúp người dân tỉnh nhà có công ăn việc làm, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống và được tiếp cận môi trường làm việc quốc tế cũng như mở ra nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn sau khi về nước.

Để nâng cao hiểu biết của người dân về di cư, lựa chọn di cư an toàn cũng như ngăn ngừa trở thành nạn nhân bị mua bán, đầu năm 2020, Hội LHPN tỉnh đã ký kết biên bản thỏa thuận với Phái đoàn Tổ chức Di cư Quốc tế tại Việt Nam thực hiện Dự án “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại; tiếp cận liên ngành nhằm thay đổi hành vi, tăng cường hỗ trợ tiếp cận pháp lý và tài hòa nhập cho nạn nhân” (gọi tắt là IOM) triển khai các hoạt động truyền thông tại cộng đồng về phòng, chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại. Địa bàn triển khai dự án là các xã có số người đi lao động ở nước ngoài tương đối cao, gồm: Bảo Ninh, Quang Phú, Hải Thành (Đồng Hới) và Nhân Trạch, Hải Phú, Thanh Trạch (Bố Trạch). Tuy nhiên, việc người dân thiếu hiểu biết về các quy định xuất, nhập cảnh đã trở thành miếng mồi béo bở cho các đối tượng buôn bán, việc di cư trái phép cũng đã gây ra nhiều hệ lụy cho các gia đình, một số người dân mơ hồ đi theo những lời lẽ dụ dỗ của các đối tượng trong và ngoài nước để thực hiện việc di cư trái phép mà không lường trước hậu quả, đã trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo, mất hàng tỷ đồng, bị đánh đập, cướp hết tài sản, thậm chí là bỏ mạng nơi đất khách quê người sau khi xuất cảnh trái phép. 

Sinh hoạt CLB "Di cư an toàn"

Thời gian qua, Hội LHPN các cấp cùng các ban ngành liên quan tích cực triển khai các hoạt động dự án, nhằm kịp thời ngăn chặn việc di cư trái phép và định hướng cho người dân khi có nhu cầu di cư chính đáng, đúng pháp luật trong nước và quốc tế, việc tổ chức các hoạt động tập huấn, truyền thông cộng đồng để giúp người dân địa phương có thêm những thông tin về chính sách di cư an toàn, phòng ngừa mua bán người và di cư trái phép... Qua đó tạo điều kiện để người dân có thể tham gia, tiếp cận các chương trình hợp tác trong việc tham gia các thị trường lao động ở nước ngoài một cách an toàn, hiệu quả.

Nhằm nằm bắt về hiểu biết, kinh nghiệm, cũng như suy nghĩ và thái độ của người dân về việc di cư, lao động ở nước ngoài, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức hoạt động khảo sát đánh giá về “Nhận thức, thái độ và hành vi” của 500 người dân các xã dự án. Từ đó, Hội phối hợp với BQL dự án IOM xây dựng các hoạt động truyền thông về di cư an toàn với nội dung thiết thực, cụ thể nhằm phù hợp với từng địa bàn dự án. Tổ chức 02 lớp đào tạo giảng viên nguồn cho đội ngũ cán bộ của các cơ quan có liên quan như: Hội LHPN, Đoàn thanh niên, Sở Lao động TBXH, Công an… Đồng thời, tổ chức 03 lớp tập huấn về di cư an toàn cho đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở, gồm các các bộ đoàn thể, thôn trưởng, bí thư.. là những người có kinh nghiệm, nhiệt huyết và có tiếng nói tại cộng động. Thông qua các lớp tập huấn, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng một đội ngũ giảng viên, tuyên truyền viên có kiến thức, kỹ năng về phòng chống mua bán người, di cư an toàn. Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Hội LHPN xã/phường và chính quyền địa phương thành lập 06 câu lạc bộ “Di cư an toàn” với 258 thành viên, nhằm cung cấp, trao đổi và chia sẻ các kiến thức cơ bản, bài học, kinh nghiệm về di cư. Nội dung và kiến thức được truyền tải dưới các hình thức phong phú và đa dạng như: tổ chức trò chơi, đóng kịch, vẽ tranh, làm việc nhóm. Từ những buổi sinh hoạt CLB “Di cư an toàn”, các thành viên CLB sẽ là những thúc đẩy viên lan tỏa các kiến thức về di cư an toàn đến người thân, cộng đồng và góp phần hỗ trợ người lao động có những cuộc di cư an toàn, thành công.

Trong buổi đầu sinh hoạt CLB “Di cư an toàn” tại xã Bảo Ninh, bác Nguyễn Ngọc Ngo - Bí thư thôn Mỹ Cảnh chia sẻ: “Tôi rất vui vì xã được chọn là địa bàn triển khai dự án, lại có một CLB về di cư được thành lập ở địa phương, như vậy thì con em trong xã được tham gia để hiểu đúng về việc di cư, xuất khẩu lao động. Bây giờ việc đi lao động ở nước ngoài tại thôn, xã cứ như phong trào, vì nhà nào có người xuất khẩu lao động thì đời sống vật chất được nâng lên rõ rệt, nhiều nhà có của ăn của để, còn có vốn kinh doanh, buôn bán. Nhưng cũng có vài gia đình, con em không đi đường chính ngạch rồi gặp những bất trắc, hiểm nguy nên tôi mong qua các buổi sinh hoạt, bà con mình được tiếp cận được thông tin chính thống về thị trường cũng như thủ tục xuất nhập cảnh, hạn chế được những rủi ro không đáng có để di cư một cách an toàn”.

Với bối cảnh người dân tỉnh nhà di cư ra nước ngoài ngày càng tăng, để hạn chế nguy cơ mua bán người trong di cư quốc tế, thời gian tới, Hội LHPN sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động của dự án cũng như đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về di cư hợp pháp, an toàn, phòng, chống tội phạm mua bán người. Việc tuyên truyền sẽ được thực hiện có trọng điểm, chiều sâu và rộng rãi, thu hút sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, nhất là phụ nữ, qua đó, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của cả người dân và chính quyền các cấp.

PH
 

Các tin khác

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

115 người đã tham gia bình chọn