Xuất khẩu lao động bất hợp pháp: "Tiền mất tật mang"

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Hàng năm cứ sau Tết Nguyên đán, hết tháng Giêng là thời gian các đối tượng môi giới lao động bất hợp pháp lại tìm về các vùng quê để tìm cách lừa đảo người đi xuất khẩu lao động. Từ những chiêu thức, mánh khóe lừa lọc của các đối tượng môi giới lao động hay còn gọi là "cò", nhiều người dân đã "tiền mất tật mang".

Sau vụ 39 người lao động chết trong container ở Anh, một số đường dây đưa người đi lao động bất hợp pháp bị phá, nhiều đối tượng đã phải nhận án tù…, song hiện nay, ở nhiều địa bàn, các "cò" lại tiếp tục len lỏi khắp nơi để tuyển dụng người.

Bên ly cà phê đặc quánh, anh Đinh Thin ở TP Đồng Hới, Quảng Bình kể lại với chúng tôi những tháng ngày "trôi nổi" hết vào xe container rồi xe tải, đi bộ hàng ngày trời giữa giá rét ở khu vực biên giới Pháp-Anh khi bị các đối tượng môi giới xuất khẩu lao động lừa đảo. Sau khi cầm cố sổ đỏ, vay mượn khắp nơi được 800 triệu đồng, anh Thin chuyển cho "cò" lao động chui để tìm cách vượt biên sang Anh nuôi hy vọng đổi đời. 

Bữa cơm chia tay người thân, bạn bè đầy rượu bia ở quê Thin và mọi người đều nghĩ "giàu gần đến nơi rồi bởi anh sẽ sang Anh". Lên máy bay ra khỏi Việt Nam đặt chân đến Cộng hòa Séc, rồi được "cò" đưa "trốn chui, trốn lủi" vào Đức, rồi Pháp gần 1 năm trời, Thin biết lựa chọn của bản thân đã hoàn toàn sai lầm. 

Phóng viên Báo CAND về địa phương tìm hiểu về việc người lao động bị các đối tượng môi giới lừa đảo đi nước ngoài lao động.

Với hàng chục lần "nhảy dù" đu theo xe tải, xe container trong những đêm buốt giá để vào Anh nhưng bị phát hiện, Thin và nhiều người đi cùng lại bị đuổi trở lại bên biên giới Pháp. "Khi đến đây thì không còn con đường trở về nữa, vì về thì mất trắng tiền đã đưa cho cò, còn phía trước chưa biết thế nào nhưng người lao động đều thường phải đu bám theo", anh Thin nói vậy.

Hiện nay, theo đánh giá từ các cơ quan quản lý nhà nước, cũng như thông tin chúng tôi tìm hiểu được từ thực tế, các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình luôn thuộc tốp là một những địa phương có số lượng người đi xuất khẩu lao động bất hợp pháp, hoặc bỏ trốn nhiều. Chính vì vậy, thị trường lao động lớn như Hàn Quốc đã cấm người lao động ở một số địa phương của 3 tỉnh này. 

Trong vụ 39 người lao động chết thương tâm trong contairner ở Anh, hầu hết là người ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Một trong những thị trường lao động mà các đối tượng môi giới lao động bất hợp pháp ưa thích hướng đến là Đức, Anh và Úc. Bởi khi đưa lao động đến các nước này, các "cò" lao động sẽ thu được số tiền lớn. Ở nhiều làng quê các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình…, "cò" lao động chui về tận các làng, xóm để tuyển người đưa đi lao động trái phép. 

Các đối tượng "cò" lao động thiết lập các đường dây tự phân chia "ngôi thứ" để tìm kiếm lao động. Đường dây đi các nước Tây Âu chủ yếu Đức, Anh, "cò" lao động buộc người muốn đi nộp 800 đến hơn 1 tỷ đồng; đi các nước Đông Âu như Ba Lan, Séc, 200 đến 400 triệu đồng; đi lao động Nhật Bản, Hàn Quốc, 120 đến 250 triệu đồng; Đài Loan, Trung Quốc, 30 đến 80 triệu đồng. 

Điều đáng nói, các đường dây môi giới lao động bất hợp pháp đang luôn là "mảnh đất sinh lời" đem lại lợi nhuận rất lớn cho các "cò" lao động chui, bởi nhiều người tìm đến…

Một trong những đường dây đưa lao động vượt biên trái phép ở Quảng Bình làm rúng động dư luận gần đây là các "cò" lao động dùng cả tàu đánh cá đưa lao động vượt biển đến Úc. Đó là 2 đối tượng Trần Ngọc Châu (SN 1969), quê quán huyện Triệu Phong, Quảng Trị; trú tại phường Hải Thành, thành phố Đồng Hới và Nguyễn Trung Kiên (SN 1979), trú tại thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, Quảng Bình. 

Sau khi bàn bạc với nhau lôi kéo đưa nhiều người vượt biên qua Úc để lấy tiền, Châu và Kiên tìm gặp Phạm Thế Nhân chủ tàu cá QB91269TS để mua tàu cá với giá 1,7 tỷ đồng và đưa Nhân cùng sang Úc. Sau đó, các đối tượng tiếp tục lôi kéo thêm 14 người để cùng qua Úc, mỗi người đóng cho 2 đối tượng Kiên và Châu từ 100 đến 150 triệu đồng. 

Đối tượng Châu và Kiên đưa 15 người vào xuất phát từ Cảng Đà Nẵng lênh đênh vượt biển nhiều ngày trời để đến Úc. Khi tàu gần đến đất liền nước Úc, để tránh bị cơ quan chức năng Úc phát hiện, Châu và Kiên đánh đắm tàu bằng cách xả nước ngập tàu phi tang, đồng thời dùng thuyền thúng để chở mọi người vào. Tuy nhiên, khi cả đoàn đi bộ tiến sâu vào nội địa thì bị cảnh sát Úc phát hiện, bắt giữ và sau đó trục xuất về Việt Nam…

Chiêu thức mà các đường dây, các đối tượng đưa người đi xuất khẩu lao động bất hợp pháp là chúng vẽ ra những viễn cảnh cuộc sống xa hoa, lao động việc nhẹ thu nhập rất cao. Luôn tỏ ra trong vai những kẻ thành đạt, giàu có…, các "cò" lao động chui tác động tâm lý với những người muốn đi lao động nước ngoài với chiêu bài: Đi nhanh, giá rẻ, đảm bảo việc làm, thu nhập cao. 

Để lấy lòng tin người lao động, nhiều đường dây lao động trái phép chỉ nhận tiền từ thân nhân người lao động khi lao động đã đặt chân đến nước sở tại. Mặc dù vậy, sau khi nhận được tiền thì các "cò" lao động chui biệt tăm kiểu "bóng chim tăm cá", mặc cho người lao động có việc làm hay không, sống hay chết họ không còn quan tâm. 

Đánh vào tâm lý của người dân đang nóng lòng đi xuất khẩu lao động để kiếm việc làm và có thu nhập cao trang trải cuộc sống gia đình, các đối tượng môi giới lao động bất hợp pháp quảng cáo là chúng có thể đưa lao động đi thị trường nhiều nước, vẽ ra viễn cảnh thu nhập từ 30 triệu đồng trở lên như lao động ở Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Úc…, thủ tục nhanh chóng, đi lại dễ dàng. Chính vì viễn cảnh do "cò" lao động vẽ ra như vậy nên nhiều người đã "sập bẫy" đến khi tiền mất tật mang mới vỡ mộng đổi đời.

Theo Công an nhân dân

Các tin khác

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

116 người đã tham gia bình chọn