GHI NHẬN NHỮNG KẾT QUẢ TÍCH CỰC TỪ CÁC DỰ ÁN

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Trong những năm qua, với mục tiêu huy động sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án trong và ngoài nước để các phong trào, hoạt động Hội ngày càng phong phú, đa dạng và thiết thực hơn, Hội LHPN tỉnh đã ký kết thỏa thuận phối hợp với các tổ chức Quốc tế nhằm triển khai các hoạt động bồi dưỡng, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về các chính sách, luật pháp của Đảng và Nhà nước; tập huấn kiến thức, kỹ năng kinh doanh và hỗ trợ phát triển kinh tế cho cán bộ, hội viên phụ nữ cùng nhân dân trên địa bàn dự án.

Quảng Bình là một tỉnh mà số lượng người dân đi lao động nước ngoài ngày một gia tăng, từ đó thu nhập của người dân được cải thiện, chất lượng sống cũng tốt hơn… Để nâng cao hiểu biết của người dân về di cư, lựa chọn di cư an toàn cũng như ngăn ngừa trở thành nạn nhân bị mua bán, đầu năm 2020, Hội LHPN tỉnh đã ký kết biên bản thỏa thuận với Phái đoàn Tổ chức Di cư Quốc tế tại Việt Nam thực hiện Dự án “Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại; tiếp cận liên ngành nhằm thay đổi hành vi, tăng cường hỗ trợ tiếp cận pháp lý và tài hòa nhập cho nạn nhân” (IOM) để triển khai các hoạt động truyền thông tại cộng đồng về phòng, chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại. Địa bàn triển khai dự án là các xã có số người đi lao động ở nước ngoài tương đối cao, gồm: Bảo Ninh, Quang Phú, Hải Thành (Đồng Hới) và Nhân Trạch, Hải Phú, Thanh Trạch (Bố Trạch). Đã thành lập 06 câu lạc bộ “Di cư an toàn” với 258 thành viên, nhằm cung cấp, trao đổi và chia sẻ các kiến thức cơ bản, bài học, kinh nghiệm về di cư; tổ chức 02 buổi truyền thông tại các trường PTTH; 02 lớp đào tạo giảng viên nguồn; 03 lớp tập huấn về di cư an toàn cho đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở… Thông qua các lớp tập huấn, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng một đội ngũ giảng viên, tuyên truyền viên có kiến thức, kỹ năng về phòng chống mua bán người và di cư an toàn. Các thành viên CLB, các tuyên truyền viên sẽ là những thúc đẩy viên lan tỏa các kiến thức về di cư an toàn đến người thân, cộng đồng và góp phần hỗ trợ người lao động có những cuộc di cư an toàn, thành công. Thời gian tới, Hội LHPN sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động của dự án cũng như đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về di cư hợp pháp, an toàn, phòng, chống tội phạm mua bán người. Việc tuyên truyền sẽ được thực hiện có trọng điểm, chiều sâu và rộng rãi, thu hút sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, nhất là phụ nữ, qua đó, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của cả người dân và chính quyền các cấp.

Một buổi sinh hoạt CLB "Di cư an toàn" tại xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới

Để phát huy vai trò của phụ nữ trong xây dựng và phát triển kinh tế, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở hội thành lập nhiều mô hình do phụ nữ làm chủ, đồng thời phối hợp với Tổ chức Phát triển Hà Lan triển khai Dự án “Nâng cao vai trò cho phụ nữ trong phát triển kinh tế và nông nghiệp” (FLOW/EOWE) nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển kinh tế nông nghiệp, tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia sản xuất, kinh doanh trong môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp nữ phát triển. Việc tuyên truyền về bình đẳng giới được cụ thể hóa trong đời sống gia đình, các cặp vợ chồng cùng tham gia nhóm đối thoại hộ với nội dung sinh hoạt là sự trao đổi, bàn bạc, thống nhất giữa vợ chồng để cùng chia sẻ việc nhà, cùng phát triển kinh tế và xây dựng gia đình hạnh phúc… Được sự hỗ trợ của Dự án, Hội LHPN tỉnh đã tuyên truyền về bình đẳng giới như: tổ chức 16 sự kiện truyền thông cộng đồng và 02 buổi triển lãm ảnh với hơn 16.000 người dân tham dự; 01 cuộc thi viết với hơn 300 câu chuyện dự thi; 150 buổi sinh hoạt với 2700 lượt thành viên tham gia, thành lập 24 nhóm thúc đẩy với 732 thành viên... Bên cạnh đó, với mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp và thúc đẩy bình đẳng giới, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ tham gia sản xuất, kinh doanh trong môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp nữ phát triển của Dự án, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ doanh nghiệp nữ nhằm tiếp cận các nguồn lực kinh doanh; tổ chức tham quan học tập các mô hình kinh tế tại tỉnh Hà Tĩnh; tập huấn về kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng định hướng, lựa chọn ý tưởng, kỹ năng viết bản kế hoạch kinh doanh cho 175 doanh nghiệp nữ; tổ chức ngày Hội Phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp triển lãm sản phẩm nhằm khuyến khích và tạo cơ hội cho phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp gặp gỡ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc quản lý sản xuất, tìm kiếm thị trường, quảng bá và xây dựng thương hiệu; tổ chức diễn đàn “Phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp” nhằm tôn vinh, khích lệ phụ nữ khởi nghiệp. Từ khi triển khai thực hiện Dự án FLOW/EOWE trên địa bàn tỉnh, đã có 4512 hộ nông dân hưởng lợi, trong đó có 121/177 nữ nhóm trưởng và 3034 hội viên phụ nữ. Dự án đã có những hoạt động hỗ trợ về máy móc, trang thiết bị, cây giống… cho 08 hợp tác xã, 20 doanh nghiệp và 15 tổ hợp tác do nữ làm lãnh đạo thuộc các ngành hàng như: lúa, khoai, nấm... Nhờ sự hỗ trợ đó, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đã đạt hiệu quả kinh tế cao, 93% phụ nữ trong địa bàn dự án có lợi nhuận năm sau tăng cao hơn so với năm trước. Với thời gian thực hiện từ 2016 đến 2020, Dự án FLOW/EOWE đã hỗ trợ, tạo cơ hội trao quyền kinh tế cho phụ nữ, giúp hội viên phụ nữ trên địa bàn có một môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế, phát huy được khả năng của bản thân, thực hiện được quyền năng của người phụ nữ trong gia đình và xã hội. Những hoạt động về bình đẳng giới mà dự án đã triển khai vẫn tiếp tục duy trì và lan tỏa, sự chia sẻ việc nhà, “thuận vợ, thuận chồng” vẫn tiếp tục nhân rộng, việc phụ nữ chỉ gắn liền với bếp núc, đồng ruộng, không được tham gia bàn bạc việc lớn trong nhà, tham gia công tác xã hội tại địa phương… đến này hầu như đã được xóa bỏ hoàn toàn. Càng ngày mỗi người dân càng nhận thức và ý thức trách nhiệm thực hiện bình đẳng giới. 

Trong điều kiện hiện nay, khi các phong trào, hoạt động Hội luôn phải đổi mới, năng động, sáng tạo thì việc thu hút sự hỗ trợ nguồn lực từ các dự án trong và ngoài nước hết sức cần thiết và được các cấp Hội phụ nữ chú trọng. Hiệu quả và ý nghĩa của các hoạt động của dự án chính là sức mạnh thu hút các cán bộ hội, chị em xây dựng tổ chức hội vững mạnh, cũng từ đó công tác chăm lo đời sống tinh thần của phụ nữ được tốt hơn, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Phương Huyền

Các tin khác

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

116 người đã tham gia bình chọn