Phụ nữ Lệ Thủy đi lên từ gian khó

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Dù là thời kì phong kiến hay thời đại ngày nay thì những phẩm chất của người phụ nữ luôn tỏa sáng trên mọi phương diện. Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang luôn là phẩm chất đạo đức, truyền thống tốt đẹp, thể hiện vai trò làm vợ, làm mẹ của người phụ nữ, đồng thời khẳng định vị thế của các chị trong gia đình, cộng đồng và xã hội. Trong giai đoạn hiện nay, việc phát huy những phẩm chất đạo đức ấy càng có ý nghĩa hơn, giúp người phụ nữ đáp ứng yêu cầu của thời kỳ Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Với những phẩm chất cao quý đó, các chị sẽ vượt qua những thách thức, khó khăn để trở thành người phụ nữ thành công trong công việc và cuộc sống của mình. 

 
Về thôn Liêm Bắc, xã Ngư Thủy Nam, ai ai cũng biết đến chị Nguyễn Thị Lớn. Trước đây, kinh tế gia đình khó khăn nhưng sự tự ti, e ngại của bản thân đã cản trở chị trên con đường vượt khó vươn lên, nhưng từ khi được tuyên truyền các phẩm chất đạo đức của người phụ nữ thời kỳ mới, chị biết mình phải bắt tay hành động. Với nỗ lực không mệt mỏi, từ việc đào ao thả cá, nuôi lợn và đầu tư mô hình lò sấy cá biển… đời sống kinh tế gia đình chị được nâng lên rõ rệt, tổng thu nhập bình quân hàng năm trên 400 triệu đồng. Có điều kiện kinh tế, chị đầu tư cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Gia đình chị nhiều năm liền được bình xét là gia đình văn hóa. Bản thân chị được bình bầu là cán bộ Hội gương mẫu luôn nhiệt tình giúp đỡ mọi người.
 
Trăn trở tìm cách vượt lên hoàn cảnh khó khăn, qua những bước thăng trầm, chị Dương Thị Ginh, hội viên phụ nữ xã Trường Thủy đã tìm được lối đi riêng cho mình. Từng là hộ thuộc diện nghèo nhất xã, con cái bệnh tật triền miên, cuộc sống với chị có lúc tưởng chừng như bế tắc, tuyệt vọng. Nhưng từ khi được chị em trong chi hội tuyên truyền về các phẩm chất đạo đức “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” của người phụ nữ trong thời kỳ mới, chị đã biết vươn lên làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương. Với tài sản là một trang trại tổng hợp gồm dàn máy xay xát, luôn dự trữ lúa từ 100 đến 150 tấn, đàn gà hơn 6.000 con, lợn mỗi năm nuôi 4 lứa, mỗi lứa hơn 110 con... mỗi năm cho thu nhập trên 700 triệu đồng, chị đã vươn lên thoát nghèo một cách bền vững. Kinh tế ổn định, chị quay sang giúp đỡ những chị em khác đang có hoàn cảnh khó khăn, chị luôn được chị em trong thôn tín nhiệm, yêu mến.
 
Cũng như nhiều chị em khác, sinh ra trong một gia đình thuần nông, chị Nguyễn Thị Nga ở thôn Đại Phong, xã Phong Thủy đã phải bôn ba đủ nghề để kiếm sống. Với hai bàn tay trắng, chị ngược xuôi khắp các chợ để buôn từng chục gạo lẻ, bằng sự năng động của người phụ nữ trong thời kỳ hội nhập, chị đã tạo dựng được cho gia đình một cơ ngơi bề thế, với một giàn máy xay xát hiện đại, hai kho lúa dự trữ hàng trăm tấn lúa, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho gần 30 lao động, thu nhập của gia đình chị mỗi năm trên 900 triệu đồng.

Còn rất nhiều tấm gương phụ nữ trên địa bàn huyện Lệ Thủy biết vươn lên, phát huy phẩm chất người phụ nữ thời kỳ mới để hòa nhập với cuộc sống hiện đại. Họ là những điển hình sản xuất kinh doanh giỏi, là những cô giáo cắm bản hết lòng vì học sinh thân yêu, là những người phụ nữ dân tộc tự tin học hỏi tiến bộ kỹ thuật, thoát khỏi sự trông chờ ỷ lại vào nhà nước và chính quyền địa phương...Họ là những điển hình năng động, sáng tạo trên mọi lĩnh vực. Chính các chị đã và đang góp phần tích cực vào việc xây dựng quê hương Lệ Thủy ngày càng giàu đẹp, văn minh. 

Thanh Thủy

Các tin khác

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

116 người đã tham gia bình chọn