Thi đua yêu nước vừa là động lực, vừa là mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, những năm qua, mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trên quê hương Quảng Bình đã tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xuất hiện ngày càng nhiều những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, góp phần cổ vũ phong trào thi đua ngày càng phát triển, tạo động lực thúc đẩy tỉnh nhà vươn lên trên hành trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

 Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11-6-1948 – 11-6-2018), đồng chí Nguyễn Hữu Hoài, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh đã trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Quảng Bình về vai trò, ý nghĩa của việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước trên quê hương "Hai giỏi".

Thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, ngày càng có nhiều tập thể, cá nhân được tôn vinh tại hội nghị trao thưởng thành tích cao do Hội đồng Thi đua-Khen thưởng tỉnh tổ chức hàng năm.
Thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, ngày càng có nhiều tập thể, cá nhân được tôn vinh tại hội nghị trao thưởng thành tích cao do Hội đồng Thi đua-Khen thưởng tỉnh tổ chức hàng năm

P.V: Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, đồng chí có thể khái quát với bạn đọc Báo Quảng Bình về hoàn cảnh ra đời và ý nghĩa của sự kiện lịch sử này?

- Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài: Sau chiến thắng Việt Bắc (Thu Đông 1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra sáng kiến tổ chức, lãnh đạo phong trào thi đua trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, như: phát động chiến dịch tăng gia sản xuất để diệt “giặc đói”; mở chiến dịch chống nạn mù chữ để diệt “giặc dốt” và các phong trào “Tuần lễ vàng”, “Nam tiến”, phong trào thực hiện “Đời sống mới”… Ngày 27-3- 1948, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra chỉ thị “Phát động phong trào thi đua ái quốc”. Chỉ thị xác định: "… mục đích thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến thiết chóng thành công".

Tiếp theo chỉ thị này, nhân Ngày Quốc tế Lao động 1-5-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết lời kêu gọi toàn quốc thi đua yêu nước, trong đó kêu gọi “...sỹ, nông, công, thương, binh, gái, trai, già trẻ, toàn thể quốc dân ta, vô luận ở địa vị nào, làm công việc gì, phải ra sức tham gia cuộc thi đua yêu nước, tức là tăng gia sản xuất”, để giành thắng lợi trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc.

Và ngày 1-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Sắc lệnh số 195 thành lập Ban vận động thi đua ái quốc, do đồng chí Tôn Đức Thắng làm trưởng ban. Ngày 11-6-1948 nhân kỷ niệm 1.000 ngày Nam Bộ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (ngày 23-9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”.

Thực hiện “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Người, nhiều phong trào thi đua được phát động và lan rộng khắp các vùng, miền, cuốn hút, cổ vũ, động viên đồng bào, chiến sỹ cả nước thi đua hăng say lao động, sản xuất, thực hành tiết kiệm, thi đua học tập, xóa nạn mù chữ và dũng cảm, ngoan cường trong chiến đấu diệt giặc ngoại xâm...

Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh có tác dụng hiệu triệu, lôi cuốn, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Đặc biệt, trong những thời khắc cam go, ác liệt của dân tộc, lời dạy của Bác Hồ luôn thấm sâu vào các tầng lớp nhân dân, biến thành sức mạnh đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi vẻ vang.

Lời kêu gọi thi đua ái quốc cùng với nhiều bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những quan điểm, chỉ đạo, định hướng phong trào thi đua yêu nước trong nhiều thập kỷ qua; là cơ sở để Đảng, Nhà nước bổ sung, hoàn thiện đường lối, chủ trương về thi đua yêu nước và công tác thi đua - khen thưởng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng. Ngày nay, trong công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn vẹn nguyên ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc.

Để tiếp tục phát huy ý nghĩa, giá trị của Lời kêu gọi thi đua ái quốc và sức mạnh của các phong trào thi đua, tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, ngày 4-3-2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg về việc lấy ngày 11-6 hàng năm là Ngày truyền thống thi đua yêu nước.   

- P.V:  Thực hiện lời dạy của Bác Hồ về thi đua yêu nước, tỉnh ta đã tổ chức, chỉ đạo phong trào thi đua như thế nào? Đã vận dụng những biện pháp nào để phong trào thi đua thực sự đi vào cuộc sống, tạo thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thưa đồng chí?

- Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài: Hưởng ứng Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 70 năm qua, Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình phát huy truyền thống cách mạng kiên cư­ờng, quật khởi, nỗ lực thi đua “chiến đấu giỏi, sản xuất giỏi”.

Ngày 16-6-1957, Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình vinh dự được đón Bác vào thăm và Ngư­ời đã căn dặn: “… Nếu kẻ địch có hành động liều lĩnh gì thì Quảng Bình, Vĩnh Linh phải đương đầu với chúng trước hết và phải đảm bảo đánh thắng chúng trước hết…”.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, cán bộ, quân và dân Quảng Bình không chỉ lập nên nhiều kỳ tích trong những năm kháng chiến, góp phần cùng với cả nước hoàn thành thắng lợi sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp mà còn ra sức thi đua xây dựng cuộc sống mới.

Từ các phong trào thi đua, nhiều gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến xuất sắc xuất hiện. Hợp tác xã nông nghiệp Đại Phong, Hợp tác xã nghề cá Quang Phú, là những lá cờ đầu trong phong trào thi đua "3 nhất" của quân và dân miền Bắc XHCN.

Kế thừa truyền thống đó, tỉnh ta đã triển khai và thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, xem thi đua vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà. Nhờ vậy, trong những năm qua, kinh tế tỉnh ta tiếp tục phát triển với tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Thu ngân sách trên địa bàn ngày càng tăng.

Cơ sở hạ tầng kỹ thuật kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư­ và từng bước đồng bộ. Nhiều công trình, khu công nghiệp, khu du lịch, dự án mang tính động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã được xây dựng và đi vào hoạt động, như:­ Nhà máy xi măng Sông Gianh, Nhà máy Xi măng Văn Hóa, Khu công nghiệp Tây - Bắc Đồng Hới, Khu công nghiệp cảng biển Hòn La, Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, cầu Nhật Lệ 1, cầu Nhật Lệ 2, cầu Quảng Hải, cầu Châu Hóa, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 12A, Cảng hàng không Đồng Hới, Cảng biển Hòn La, các khu du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng, Mỹ Cảnh - Bảo Ninh; hệ thống gần 10.000 phòng khách sạn, trong đó có nhiều khách sạn 4 sao, 5 sao, trung tâm thương mại vincom plaza… cùng nhiều công trình phục vụ cho phát triển văn hoá, xã hội, giáo dục, y tế, thể dục thể thao đang triển khai xây dựng và từng bước phát huy hiệu quả.

Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện và chuyển biến về chất. Liên tiếp 4 năm Quảng Bình dẫn đầu cả nước về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (chỉ số đánh giá sự hài lòng của người dân đối với chính quyền cấp tỉnh PAPI). Tỷ lệ che phủ rừng đạt 68%, là tỉnh có tỷ lệ che phủ rừng lớn thứ hai trong cả nước. Nhiều hoạt động văn hóa có quy mô lớn được tổ chức như: Lễ hội hang động, Lễ kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh Quảng Bình... đã góp phần quảng bá về quê hương, con người Quảng Bình và thu hút khách du lịch.

Sự nghiệp giáo dục - đào tạo được quan tâm phát triển cả về quy mô, chất lư­ợng và hiệu quả, đặc biệt ngày càng có nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi của quốc gia và quốc tế. Mạng lưới y tế cơ sở được củng cố và kiện toàn, chất lư­ợng khám, chữa bệnh chăm sóc sức khỏe cho nhân dân có nhiều tiến bộ. Các hoạt động văn hoá thông tin, thể dục thể thao, phục vụ kịp thời, có hiệu quả cho nhiệm vụ chính trị của địa phư­ơng. Chương trình xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm ngày càng được quan tâm đẩy mạnh, đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới.

Phong trào thi đua "Quảng Bình chung sức xây dựng nông thôn mới" đã được các đơn vị, địa phương và các doanh nghiệp hưởng ứng tích cực, tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Quốc phòng- an ninh, trật tự an toàn xã hội tiếp tục đư­ợc củng cố, tăng cường. Chất lư­ợng các tổ chức cơ sở đảng và Mặt trận, đoàn thể các cấp ngày càng được nâng cao. Năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền, hiệu quả hoạt động của Mặt trận, đoàn thể các cấp có nhiều đổi mới và tiến bộ.

Thực hiện Chỉ thị số 35- CT/TW ngày 3-6-1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn mới; Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7-4-2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, công tác thi đua, khen thưởng của tỉnh ta đã có bước chuyển biến tích cực. Thi đua, khen thưởng đã thực sự là động lực quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh; xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể vững mạnh.

Ghi nhận những thành tích xuất sắc của nhân dân, cán bộ, chiến sỹ tỉnh Quảng Bình, Đảng, Nhà nước và Bác Hồ đã tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý, trong đó có Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều huân, huy chương cao quý khác.

P.V: Để phát huy hiệu quả của các phong trào thi đua đối với việc xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh của tỉnh, thời gian tới, tỉnh ta sẽ tập trung vào những nhiệm vụ cụ thể nào, thưa đồng chí?

- Đồng chí Nguyễn Hữu Hoài: Để phong trào thi đua yêu nước thực sự là động lực cách mạng trong thời kỳ mới, chúng ta cần làm tốt một số nhiệm vụ sau:

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, tác dụng của phong trào thi đua yêu nước trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".

Chú trọng đổi mới nội dung và hình thức công tác thi đua, khen thưởng, kết hợp chặt chẽ giữa thi đua với khen thưởng để tạo thành động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Nội dung thi đua phải tập trung vào việc thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.

Hoạt động biểu dương, tôn vinh, khen thưởng cần phải được thực hiện kịp thời, chính xác và tập trung nhân rộng các điển hình tiên tiến để cổ vũ, động viên mọi người học tập, làm theo.

Mặt khác, toàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện 3 phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 - 2020; “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”, “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, gắn với nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị nhằm xây dựng Quảng Bình trở thành một tỉnh mạnh về kinh tế, vững về quốc phòng-an ninh, đẹp về văn hóa như lời dạy bảo của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm Quảng Bình.

P.V: Xin cảm ơn đồng chí.

Theo Báo Quảng Bình

Các tin khác

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

115 người đã tham gia bình chọn