Chuyện những "người mẹ thứ hai"

Font size : A- A A+

Hơn 3 năm qua, chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phát động đã được các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn tỉnh triển khai sâu rộng với hơn 1.140 trẻ mồ côi được đỡ đầu. Nhiều hoàn cảnh khó khăn với sự đồng hành của các mẹ đỡ đầu đã vượt qua nghịch cảnh để trưởng thành và tự tin, hướng đến tương lai tốt đẹp hơn.

Đến với diễn đàn “Mẹ đỡ đầu-Đồng hành cùng con” năm 2024 do Hội LHPN tỉnh tổ chức vừa qua, các em: Nguyễn Văn Thương (Quảng Ninh), học sinh lớp 11 chuyên Vật lý, Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp; Nguyễn Phạm Quỳnh Nguyên (TP. Đồng Hới), học sinh lớp 12 chuyên Lịch sử, Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp và Cao Thị Thúy Nga (Tuyên Hóa), lớp 10, Trường THPT Tuyên Hóa đã chia sẻ về những hoài bão, ước mơ đang ươm mầm, sắp trở thành hiện thực của chính mình.
 
Với sự hỗ trợ của các “mẹ đỡ đầu” lần lượt đến từ Công ty Điện lực (PC) Quảng Bình, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh và Ngân hàng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn-Chi nhánh Tuyên Hóa, Bắc Quảng Bình thông qua sự kết nối của Hội LHPN các cấp, các em không chỉ được hỗ trợ về mặt vật chất, mà còn được động viên, khích lệ, nâng đỡ về tinh thần, bước tiếp chặng đường đời.
 
Nguyễn Văn Thương chia sẻ, em vừa đoạt giải khuyến khích môn Vật lý tại kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2023-2024 và sẽ tiếp tục rèn luyện để trở thành sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội. Em rất cảm ơn sự đồng hành, hỗ trợ của các nhà hảo tâm, mẹ đỡ đầu, PC Quảng Bình. Sự quan tâm này chính là động lực để em không ngừng cố gắng.

Các con trao quà tặng mẹ đỡ đầu tại diễn đàn “Mẹ đỡ đầu-Đồng hành cùng con” năm 2024.

Còn đối với Quỳnh Nguyên, cô bé đoạt giải nhì môn Lịch sử tại kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2023-2024, trước những áp lực trong học tập, chính sự hỗ trợ đồng hành của gia đình, bạn bè, thầy cô và mẹ đỡ đầu đã giúp em thêm tự tin vào bản thân và nỗ lực hết sức mình. Sắp tới, em sẽ theo học tại Trường đại học Luật Hà Nội.
 
Thúy Nga tâm sự, cuộc sống của em gặp nhiều khó khăn do mẹ làm ăn xa, thu nhập không ổn định, em ở với bà đã già yếu. Nhờ sự yêu thương, đồng hành của mẹ đỡ đầu nên em thêm quyết tâm vượt qua khó khăn. Mẹ đỡ đầu như “người mẹ thứ hai”, là chỗ dựa vững chắc để em tự tin trong cuộc sống.
 
Nhìn thấy các em được đến trường, có quyết tâm, niềm tin để vượt lên khó khăn, nuôi dưỡng ước mơ chính là thành tựu lớn nhất từ chương trình “Mẹ đỡ đầu” và cũng là niềm hạnh phúc lớn lao của những người mẹ dù không sinh ra, nuôi dưỡng nhưng đã đồng hành cùng các em trong chặng đường khó khăn của cuộc đời.
 
Bên cạnh tâm huyết của những người mẹ đỡ đầu thì một nhân tố vô cùng quan trọng quyết định sự thành công của chương trình chính là sự đồng hành của các nhà hảo tâm-những vòng tay nhân ái đã và đang tiếp sức cho chặng đường kết nối yêu thương của mẹ đỡ đầu.
 
Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết, hội luôn là “cầu nối” tích cực giữa nhà hảo tâm và trẻ mồ côi. Khi nhận được hỗ trợ, hội nỗ lực trao đúng đối tượng, đủ, đều góp phần lan tỏa sự yêu thương, ấm áp và nhân lên ý nghĩa nhân văn. Theo đó, hội lựa chọn các cháu có hoàn cảnh khó khăn nhất trong số các cháu hội đã có phối hợp Hội LHPN tỉnh, huyện, xã trao tặng tập trung; đặc biệt, thông tin cụ thể số tiền, thời gian, đơn vị hỗ trợ và trao 1 cuốn sổ để gia đình theo dõi quá trình hỗ trợ và thông tin với nhà tài trợ về sự tiến bộ, quá trình học tập của các em... Do đó, hội nhận được sự tin tưởng và ủng hộ của các nhà tài trợ với những cam kết hỗ trợ lâu dài.
 
Tính đến tháng 5/2024, toàn tỉnh có 832 mẹ đỡ đầu trực tiếp và gián tiếp nhận đỡ đầu 1.104 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Các cấp hội đã có nhiều cách làm sáng tạo nhằm huy động sự chung tay, góp sức của toàn xã hội, cộng đồng trong hỗ trợ, nuôi dưỡng, đỡ đầu cho các trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; 8/8 huyện, thị xã, thành phố và Hội Phụ nữ các đơn vị lực lượng vũ trang, 151/151 cơ sở hội triển khai hưởng ứng chương trình “Mẹ đỡ đầu”. 
 
Ngoài công tác vận động, kết nối, các tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, Hội LHPN các huyện, thị xã, thành phố còn chỉ đạo các cơ sở hội thực hiện những mô hình, như: “Thu gom phế liệu xây dựng quỹ tình thương”, “Ngôi nhà xanh”, “Thùng gạo tình thương”, “Nuôi heo vàng ngàn yêu thương”... để tạo nguồn quỹ nhận đỡ đầu trẻ mồ côi.
 
Nhằm tạo điều kiện cho trẻ mồ côi sau khi tốt nghiệp THPT có việc làm, ổn định cuộc sống, ngày 18/10/2023, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh xây dựng, ra mắt chương trình “Chắp cánh ước mơ”, theo đó, chỉ đạo Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh ban hành sản phẩm “Chắp cánh ước mơ” giúp trẻ mồ côi được đỡ đầu trong chương trình “Mẹ đỡ đầu” đã tốt nghiệp THPT có nhu cầu du học nghề được vay vốn.

Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Châu Thị Định cho biết: Qua khảo sát, tính đến tháng 5/2024, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 2.246 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, trong đó, 1.104 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn đã được nhận đỡ đầu, với mức hỗ trợ từ 300.000 đồng-1 triệu đồng/trẻ/tháng, thời gian hỗ trợ từ 1-5 năm, đến khi các em tròn 18 tuổi hoặc điều kiện gia đình được cải thiện. Tổng kinh phí hỗ trợ các em là hơn 15,6 tỷ đồng. Trong đó, riêng các cấp hội và cán bộ, hội viên, phụ nữ, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển trên địa bàn tỉnh trực tiếp đỡ đầu 302 em với tổng số tiền gần 2,6 tỷ đồng. Ngay tại diễn đàn, tổng số tiền được trao là gần 3,2 tỷ đồng, đỡ đầu cho 325 em có hoàn cảnh khó khăn.

https://baoquangbinh.vn/

More

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

116 người đã tham gia bình chọn