Phụ nữ Quảng Bình tích cực, chủ động chuyển đổi số

Font size : A- A A+

Chủ đề của năm 2024 được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam xác định là “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động hội”; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh việc phát huy vai trò của phụ nữ (PN) trong chuyển đổi số (CĐS). Xác định rõ mục tiêu, phương hướng, Hội LHPN tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động đổi mới, sáng tạo để nâng cao nhận thức về CĐS cho hội viên, PN; mang lại những kết quả thiết thực, ý nghĩa trong quá trình hoạt động của Hội PN các cấp và thay đổi tích cực cuộc sống, quá trình sản xuất, kinh doanh của chính chị em.

Hội LHPN huyện Quảng Trạch là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác CĐS đối với hoạt động của Hội PN cấp cơ sở. Chị Lê Thị Lệ Hồng, Chủ tịch Hội LHPN huyện Quảng Trạch chia sẻ, không phải đến tận bây giờ mà cách đây 5 năm về trước, hội đã xác định CĐS là khâu đột phá, trọng tâm và phương tiện để đẩy mạnh hoạt động của hội nên đã chú trọng quan tâm tập huấn nguồn nhân lực, chú trọng ứng dụng các phần mềm trên điện thoại thông minh…
 
Tiếp đó, hội tăng cường tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ về CĐS cho cán bộ hội, chị em PN, nỗ lực đưa các giải pháp sáng tạo trong ứng dụng CĐS vào thực tiễn. Nhờ vậy, giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19, hội đã vận dụng linh hoạt nhiều giải pháp, như: Sử dụng mạng xã hội zalo, phần mềm họp trực tuyến… để hoạt động của hội không bị gián đoạn và vẫn được chị em quan tâm, hưởng ứng sôi nổi.
 
Một điểm nổi bật của Hội LHPN huyện Quảng Trạch như chị Lê Thị Lệ Hồng chia sẻ chính là xác định phương châm “chỉ tận tay, giao tận việc” trong tập huấn, hướng dẫn, bồi dưỡng chị em kiến thức về CĐS. Không phải là những bài học khô khan trên máy tính hay điện thoại thông minh mà đó là những kinh nghiệm, kỹ năng thực tiễn sát với đời sống được trao đổi, thảo luận và học hỏi. Nhờ đó, chị em không thấy xa lạ mà có thể vận dụng ngay trong các hội, nhóm của mình, góp phần tăng cường tình đoàn kết, gắn bó, phát huy tính sáng tạo của mỗi cá nhân vào thành công chung của tập thể.
 
Thời gian tới, Hội LHPN huyện Quảng Trạch sẽ tiếp tục đẩy mạnh toàn diện các hoạt động trong thực hiện khâu đột phá về CĐS. Hội đang ấp ủ kế hoạch phát triển một “chợ online” để chị em PN khởi nghiệp có thể quảng bá các sản phẩm, nhất là sản phẩm OCOP. Hội cũng kỳ vọng sẽ được tham gia nhiều cuộc tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng về CĐS, các cuộc thi trực tuyến và tiếp cận những phần mềm liên quan trong quá trình hoạt động của hội…

Tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho chị em là một trong những hoạt động quan trọng của các cấp Hội PN.
Cũng giống như những đơn vị, doanh nghiệp do PN làm chủ khác, HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Minh (xã Dương Thủy, Lệ Thủy) do chị Vũ Thị Hoàn sáng lập cũng gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu khởi nghiệp . Với sự hỗ trợ tích cực từ những lợi ích của CĐS, nhất là trong khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm, HTX ngày càng khẳng định chỗ đứng trên thị trường và tiếp tục với những kế hoạch, dự định dài hơi.
 
Chị Vũ Thị Hoàn cho biết, hiện tại, HTX có 8 lao động thường xuyên, hàng tháng xuất xưởng hơn 5.000 sản phẩm, gồm: Dầu gội đầu, sữa tắm, nước rửa chén, kem đánh răng, tinh dầu…, tất cả đều từ nguồn gốc thiên nhiên, bảo đảm chất lượng và được khách hàng ưa chuộng. Ngay từ đầu, chị Hoàn xác định kênh bán hàng trực tuyến chính là “chìa khóa” then chốt để tiếp cận các thị trường tiềm năng. Bên cạnh bán hàng qua fanpage, shopee và mới đây là tiktok, HTX triển khai kênh bán hàng hệ thống online (trực tuyến) và offline, mang lại hiệu quả cao với từ 20-25 đại lý chính thức trải dài khắp cả nước (Hà Nội, Hải Dương, Thái Bình, An Giang…).
 
HTX luôn nỗ lực đào tạo đội ngũ công tác viên bán hàng online với việc chú trọng vào chất lượng, nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm bán hàng, nhất là trong livestream giới thiệu sản phẩm. HTX kỳ vọng thời gian tới sẽ được tiếp cận nhiều hơn các khóa bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao kỹ năng ứng dụng CĐS trong sản xuất, kinh doanh, qua đó, tiếp cận gần hơn với các thị trường tiềm năng trong nước và cả nước ngoài.
 
Những thành công bước đầu trong ứng dụng CNTT của các cấp Hội PN hay cơ sở sản xuất, kinh doanh do PN làm chủ chính là minh chứng cho nỗ lực tích cực tạo đột phá trong CĐS của Hội PN các cấp trên địa bàn tỉnh.
 
Thực tế cho thấy, thời gian qua, thực hiện chương trình hành động thực hiện khâu đột phá Nghị quyết Đại hội đại biểu PN toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết đại hội đại biểu PN tỉnh lần thứ XVI về ứng dụng công nghệ số trong hoạt động hội của Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh, nhiều hoạt động đã được triển khai mang lại kết quả thiết thực, như: Tổ chức tập huấn, tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, hội viên PN về CĐS; chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức về ứng dụng CNTT; đẩy mạnh thực hiện số hóa, phát triển dữ liệu kết hợp với khai thác, sử dụng hiệu quả các phần mềm, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đã xây dựng, triển khai… Hiện, cuộc thi “Ứng dụng CNTT trong tổ chức sinh hoạt hội” năm 2024 đang được triển khai rộng khắp và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các cấp hội trên địa bàn tỉnh.

Theo Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Diệp Thị Minh Quyết, thời gian qua, các cấp Hội PN trên địa bàn tỉnh đã tích cực chủ động tiếp cận những tiến bộ của công nghệ, kết nối phần mềm để làm việc, xử lý văn bản trên máy tính và điện thoại thông minh, giúp hoạt động hội ngày càng hiệu quả. Hội LHPN tỉnh chỉ đạo Hội LHPN các cấp thành lập và duy trì các trang mạng facebook, zalo kết nối với cán bộ, hội viên PN; đồng thời khuyến khích các giải pháp sáng tạo, thiết thực trong CĐS… Thời gian tới, hội sẽ tiếp tục đồng hành, tích cực hỗ trợ, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ hội các cấp trong việc ứng dụng CNTT vào hoạt động của tổ chức...

https://www.baoquangbinh.vn/

More

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

116 người đã tham gia bình chọn