Quảng Bình Hào khí 420 năm (1604-2024)

Font size : A- A A+

(Tiếp theo)
2.5.2. Về văn hóa-xã hội
 
Sau 35 năm tái lập tỉnh, từ điều kiện của một tỉnh còn nhiều khó khăn nhưng Đảng bộ Quảng Bình đã tập trung lãnh đạo nhân dân không ngừng nỗ lực, phấn đấu vươn lên, phát huy thế mạnh của địa phương nên đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trên lĩnh vực văn hóa-xã hội.

Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ (KH-CN) tiếp tục đạt nhiều thành tựu quan trọng. Quy mô giáo dục và đào tạo được mở rộng, chất lượng giáo dục toàn diện ở các bậc học tiếp tục được nâng lên; tỷ lệ học sinh trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng khá cao. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý được củng cố, kiện toàn, đạt chuẩn. Cơ sở vật chất trường, lớp được tăng cường đầu tư xây dựng, nâng cấp theo chuẩn quốc gia. Đã tích cực sắp xếp lại các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non, bảo đảm ổn định. Đến nay, toàn tỉnh có 235/563 trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục, đạt tỷ lệ 41,7%; 263/563 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 47,2%.
 
Hệ thống giáo dục chuyên nghiệp, dạy nghề được tổ chức lại, chất lượng đào tạo được nâng lên. Số lượng học sinh đoạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia ngày càng tăng ở các cấp học, đã có học sinh đoạt giải khu vực và vươn tầm quốc tế. Tiêu biểu như các em: Nguyễn Thế Quỳnh (Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp) đoạt 2 Huy chương Bạc Olympic Vật lý châu Á và 2 huy chương Vàng Olympic Vật lý quốc tế; Trần Đức Long (Trường THPT Đào Duy Từ) đạt giải ba quốc tế môn Sinh học; Đặng Ngọc Thanh (Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp) đoạt huy chương Bạc Olympic Toán quốc tế; Lê Vũ Hoàng (Trường THPT số 1 Bố Trạch-nay là Trường THPT Lê Quý Đôn) vô địch chung kết Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 6.
 
Hoạt động KH-CN có những chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) của tỉnh. Công tác chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH-CN, sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ hạt nhân được triển khai toàn diện. Công tác quản lý nhà nước về KH-CN được tăng cường; nhiều đề tài, dự án tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm của tỉnh được triển khai áp dụng hiệu quả. Trong 35 năm qua, đã triển khai 637 đề tài, dự án, mô hình, trong đó giai đoạn 2021-2023, đã thực hiện 2 đề tài cấp Nhà nước và 7 dự án thuộc chương trình nông thôn và miền núi; 82 đề tài, dự án cấp tỉnh; triển khai thực hiện 59 mô hình ứng dụng KH-CN.
 
Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng nâng cao. Hệ thống y tế được sắp xếp, kiện toàn, năng lực chuyên môn ngày càng được nâng cao. Cơ sở vật chất và trang thiết bị ngành Y tế được đầu tư nâng cấp, đầu tư mới đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân. Đã hoàn thành, đưa vào sử dụng tòa nhà kỹ thuật nghiệp vụ cao Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới. Quảng Bình là địa phương đầu tiên trong cả nước đạt tiêu chí loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện vào năm 2015. Đến nay, mạng lưới y tế phủ kín 100% địa bàn, bao gồm 4 tuyến: Trung ương, tỉnh, huyện, xã, với số giường bệnh gấp 2,5 lần so với năm 1990. Nhân lực ngành Y tế tăng gấp 2,7 lần, riêng bác sĩ tăng gấp 3,7 lần. 100% trạm y tế có bác sĩ làm việc; 100% thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động; 149/151 trạm y tế xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia giai đoạn 2011-2020 (98,7%). Khu vực y tế ngoài nhà nước phát triển mạnh mẽ. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 92,5% (năm 2023).
 
Sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa có những chuyển biến mới cả về quy mô lẫn chiều sâu; thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư; nhận thức về vai trò của văn hóa và đời sống văn hóa của nhân dân được nâng cao. Truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng của quê hương Quảng Bình “Hai giỏi” được chú trọng phát huy. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ngày càng phát triển sâu rộng, góp phần xây dựng môi trường văn hóa, nếp sống văn hóa ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và khu dân cư, phát huy được nhiều giá trị nhân văn trong cộng đồng. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng.
 
Toàn tỉnh có 2 di sản văn hóa phi vật thể nhân loại, 10 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 141 di tích, trong đó có 56 di tích cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt, 85 di tích cấp tỉnh. Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng và 18 điểm thuộc hệ thống di tích đường Hồ Chí Minh trên đất Quảng Bình được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng 2 lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới (năm 2003 và năm 2015).
 
Hoạt động văn hóa, nghệ thuật có nhiều tiến bộ; nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân đạt nhiều giải thưởng của các bộ, ngành Trung ương. Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” không ngừng phát triển. Thể thao thành tích cao tiếp tục đưa Quảng Bình vươn tầm khu vực và thế giới. Các vận động viên của tỉnh đã đạt 9 huy chương tại SEA Games 31, 8 huy chương tại SEA Games 32.
 
Các hoạt động thông tin tuyên truyền được đẩy mạnh, góp phần tích cực trong việc nâng cao dân trí, thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Hệ thống phát thanh, truyền hình không ngừng đổi mới về nội dung và nâng cao chất lượng. Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Bình đã phát sóng kênh QBTV trên vệ tinh Vinasat 1, phủ sóng 100% địa bàn dân cư, góp phần tăng cường quảng bá, giới thiệu về quê hương, con người Quảng Bình đến với người dân trong nước và thế giới. Các loại hình dịch vụ phát thanh, truyền hình công nghệ hiện đại ngày càng phong phú, đa dạng.
 
Diện phủ sóng phát thanh, truyền hình được mở rộng đến tận miền núi, vùng sâu, vùng xa, góp phần rút ngắn khoảng cách thụ hưởng thông tin giữa đồng bằng và miền núi, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của người dân. Hệ thống Đài Truyền thanh-Truyền hình cấp huyện, Đài Truyền thanh cấp xã ngày càng phát huy hiệu quả, là kênh thông tin quan trọng, phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, cơ sở.
 
Công tác chuyển đổi số và phát triển đô thị thông minh được triển khai tích cực. Nghị quyết của Tỉnh ủy về “Chuyển đổi số tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã góp phần làm chuyển biến nhận thức và hành động về xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh... Dịch vụ viễn thông và bưu chính ngày càng hiện đại, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), xã hội hóa các dịch vụ hành chính công, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.
 
Công tác bảo đảm an sinh xã hội được chú trọng. Các chính sách xã hội, chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công được thực hiện đầy đủ, kịp thời, chu đáo. Chương trình hỗ trợ người có công, hộ nghèo cải thiện nhà ở; giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững được triển khai thực hiện hiệu quả; tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Từ 44,4% năm 1993 giảm xuống còn 3,3% năm 2021, giai đoạn 2021-2023 bình quân giảm 2.924 hộ/năm. Phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, các hoạt động nhân đạo, từ thiện đã mang đến hiệu quả lớn cho xã hội.
 
2.5.3. Quốc phòng, an ninh và đối ngoại

 
Thực hiện ngày càng tốt hơn chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng được củng cố vững chắc; kết hợp chặt chẽ phát triển KT-XH với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Công tác bảo đảm trật tự an toàn xã hội, trật tự an toàn giao thông có nhiều tiến bộ. Công tác bảo vệ an ninh quốc gia, đấu tranh, phòng, chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội có chuyển biến tích cực. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được quan tâm.
 
Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường; an ninh chính trị được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; tăng cường ngoại giao kinh tế với một số địa phương, tổ chức của các nước: Cuba, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Ô-xtơ-rây-li-a, ASEAN, châu Âu... Xúc tiến quan hệ với tỉnh Nakhon Phanom và các tỉnh khác vùng Đông-Bắc Thái Lan... Đẩy mạnh quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết truyền thống đặc biệt và hợp tác toàn diện với các tỉnh của nước bạn Lào; kịp thời hỗ trợ nước bạn, nhất là thời điểm thiên tai, dịch bệnh.
 
Hàng năm, tỉnh trích ngân sách để hỗ trợ các tỉnh Khăm Muồn, Sạ-vẳn-na-khệt xây trường học, trạm y tế, nhà truyền thống. Xây dựng Trường hữu nghị Quảng Bình-Khăm Muồn với tổng kinh phí trên 20 tỷ đồng, xây tặng Trạm Y tế với trị giá trên 3 tỷ đồng; tặng tỉnh Sạ-vẳn-na-khệt xây dựng Nhà Trưng bày truyền thống đường 9, Trường mẫu giáo trên 10 tỷ đồng, Trường bồi dưỡng chính trị… Quan tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho cán bộ, nhân dân về quan hệ truyền thống hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào nói chung và của tỉnh Quảng Bình với các tỉnh của nước bạn Lào nói riêng. Tích cực kêu gọi, vận động nguồn viện trợ và triển khai hiệu quả các chương trình, dự án của các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài.
 
Công tác quản lý đoàn ra, đoàn vào, giải quyết lãnh sự thực hiện nghiêm túc, đúng quy định...
 
2.5.4. Công tác xây dựng chính quyền, cải cách hành chính, cải cách tư pháp
 
Công tác xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả được coi trọng. HĐND các cấp đã có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động; chất lượng các kỳ họp, hoạt động giám sát, tiếp xúc cử tri, hoạt động của đại biểu HĐND các cấp được nâng lên. UBND các cấp đã có nhiều giải pháp nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành trên các lĩnh vực; chỉ đạo cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của cấp ủy, nghị quyết của HĐND thành các chương trình, đề án cụ thể để tổ chức thực hiện.
 
Quảng Bình tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền các cấp tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả theo lộ trình. Công tác CCHC được quan tâm; thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. Các chỉ số về CCHC, năng lực cạnh tranh, hiệu quả quản trị và hành chính công của tỉnh được cải thiện. Chỉ số SIPAS năm 2022 xếp hạng 28/63 tỉnh, thành phố, tăng 32 bậc so với năm 2021; chỉ số PCI tăng 9 bậc so với năm 2021, xếp hạng 48/63; lĩnh vực Cải cách thủ tục hành chính của PAR Index xếp hạng 14/63, tăng 20 bậc. Công tác tư pháp được triển khai đồng bộ, toàn diện.
 
Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật ngày càng đi vào chiều sâu, hướng về cơ sở, lựa chọn nội dung gắn với từng nhóm đối tượng, từng lĩnh vực, địa bàn. Đến nay, có 143/151 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Bộ máy tổ chức các cơ quan tư pháp ngày càng được hoàn thiện. Chất lượng điều tra, truy tố, xét xử, thi hành giải quyết các loại án ngày càng nâng cao. Công tác thanh tra không ngừng cải tiến, đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động, phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội trên địa bàn tỉnh. Công tác phòng, chống tham nhũng ngày càng được chú trọng, đi vào kỷ cương, nền nếp, tạo được lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý, điều hành của chính quyền các cấp.
 
2.5.5. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội
 
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chính sách, nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương; phát huy tốt vai trò tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân. Các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước được triển khai trọng tâm, trọng điểm, ngày càng đi vào thực chất và đạt hiệu quả cao. Công tác tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư được chú trọng, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.
 
Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đạt kết quả tốt; việc tập hợp, phản ánh ý kiến, nguyện vọng của nhân dân; tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và giám sát, phản biện xã hội từng bước đi vào nền nếp, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ KT-XH, quốc phòng, an ninh ở địa phương.

(Theo Tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)
(Còn nữa)

More

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

116 người đã tham gia bình chọn