Làm giàu trên vùng đất khó

Font size : A- A A+

Vườn cao su và hồ tiêu rộng gần 5 ha là gia tài lớn nhất của vợ chồng anh Phan Văn Lý và chị Phan Thị Bình ở tổ dân phố Truyền Thống, thị trấn Nông trường Việt Trung (Bố Trạch). Hơn thập kỷ qua, bao trái ngọt quả thơm “sinh ra” trên vùng đất khó đã đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho gia đình chị mỗi năm. 

Chúng tôi tìm đến tổ dân phố Truyền Thống vào những ngày đầu tháng 8, vùng quê này đã đổi thay rất nhiều so với trước đây. Hai bên đường nhiều dãy nhà cao tầng mọc lên san sát, cuối con đường làng là một vùng đất bạt ngàn hồ tiêu, cao su thẳng tắp và xanh mướt. Đây cũng là nơi chị Phan Thị Bình đã biến mảnh đất cằn cỗi sỏi đá thành “tiền tỷ”.
Trước đây, mảnh đất này là một bãi đồi hoang, bao phủ bởi những khóm me dại. Dưới bàn tay cần cù, chịu thương chịu khó của vợ chồng chị Bình, nơi đây đã trở thành một trang trại tổng hợp có diện tích gần 5 hecta, trồng đủ các loại cao su, hồ tiêu, mít kết hợp chăn nuôi bò cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh trang trại, chị Bình kể chuyện làm ăn của mình với bao thăng trầm. Trước đây, gia đình chị rất khó khăn, cả hai vợ chồng đều làm công nhân nên chỉ đủ ăn chứ không dư giả gì. Nhận thấy đất đồi núi trọc bị bỏ hoang hóa nhiều mà không ai khai phá, năm 1998, vợ chồng chị đã gửi con nhờ ông bà nội nuôi để khai hoang, vỡ đất trồng cao su. 

Vườn tiêu của gia đình chị Phan Thị Bình cho thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi năm

Vốn không có, vay mượn ngân hàng cũng không được là bao vì không có tài sản thế chấp, anh chị chỉ có khả năng thuê máy móc, nhân công làm đất và trồng được 1 hecta cao su. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, chị trồng nhiều loại cây ngắn ngày, chăn nuôi gia súc gia cầm để bán lấy tiền đầu tư cho vườn cao su.

Cứ túc ta túc tắc như thế, từ 1 hecta cao su, vợ chồng chị lại tiếp tục đầu tư thuê máy móc khai hoang đất mở rộng lên 4 hecta. Chị Bình cho biết, những năm đầu bắt tay vào trồng cao su, gia đình chị đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Được bao nhiêu tiền của, anh chị đã đầu tư vào việc khai hoang đất và thuê người trồng.
Để khai thác được cao su phải mất vài năm chăm sóc, vì không có tiền nên anh chị luôn tranh thủ thời gian, không quản nắng mưa tự mình làm cỏ, bón phân cho cây. Chỉ khi nào không thể gắng gượng nổi, anh chị mới thuê người làm.
Và rồi công sức của anh chị đã được đền đáp, với hơn 4 hecta cao su, mỗi năm gia đình chị thu về gần 400 triệu đồng. Chỉ sau vài năm khai thác cao su, anh chị đã xây dựng được ngôi nhà khang trang, mua sắm đầy đủ các phương tiện đi lại, đồ dùng trong sinh hoạt gia đình, cho con cái học hành đến nơi đến chốn.

Nhưng rồi thiên tai lại cướp đi bao nhiều mồ hôi công sức của gia đình chị, cơn bão năm 2010 đã làm gãy đổ hoàn toàn 4 hecta cao su . Thiệt hại nặng nề là vậy nhưng anh chị vẫn không bỏ cuộc. Sau khi khắc phục hậu quả của cơn bão, gia đình chị lại bắt tay vào trồng lại cao su trên diện tích cũ.
“Hiện tại, vườn cao su của gia đình tôi đang phát triển tốt, chỉ một thời gian nữa là có thể khai thác. Chỉ cần giá cao su ổn định thì người trồng cao su như chúng tôi sẽ không còn lo đói nghèo”, chị Bình tâm sự.

Là một người phụ nữ cần cù, chịu khó, hay lam, hay làm nên khi vườn cao su ổn định chị lại bắt tay vào khai hoang thêm đất để trồng tiêu. Năm đầu tiên, chị thuê người làm cỏ, đào hố để trồng thử nghiệm 500 gốc tiêu.
 
Sau 3 năm dày công chăm sóc, vườn tiêu của gia đình chị phát triển tốt và cho năng suất cao, thu về 120 triệu đồng/năm. Nhận thấy hồ tiêu cũng là một loại cây đem lại thu nhập cao, chị đã bàn với chồng mạnh dạn đầu tư thuê nhân công trồng thêm 500 gốc nữa.
 
Cùng với đó, chị tích cực ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, bằng việc đầu tư lắp hệ thống phun nước trên cao để bảo đảm các gốc tiêu luôn đủ nước và sinh trưởng tốt.Và rồi quyết tâm “biến sỏi đá thành cơm” trên đất quê hương đã được vợ chồng anh chị thực hiện thành công với mô hình trồng tiêu. Những năm tiêu được giá, với gần 1.000 gốc tiêu, chị thu về 200-300 triệu đồng mỗi năm.
 
Giới thiệu về vườn tiêu, chị Bình cho biết, bên trên các gốc tiêu luôn có tán lá cây che nắng, bên dưới là thảm cỏ xanh mướt để giữ ẩm, chống xói mòn đất. Cỏ trong vườn lên cao, chị tận dụng cắt cho bò ăn chứ không dùng thuốc trừ cỏ.
 
Đặc biệt, vườn tiêu của chị không hề sử dụng chất hóa học nhưng vẫn xanh tốt, tỷ lệ hao hụt ít. “Tiêu của gia đình tôi luôn cho năng suất cao nhưng không phải năm nào thu nhập cũng ổn định. Năm vừa rồi giá tiêu bán ra thấp nên gia đình tôi chỉ thu về gần 120 triệu đồng, còn một ít tiêu khô vẫn đang cất lại để năm sau bán”, chị Bình chia sẻ.
 
Mặc dù giá tiêu không ổn định, nhưng theo chị Bình, trồng tiêu vẫn là hướng phát triển kinh tế lâu dài của gia đình chị. Thời gian tới, nếu giá tiêu trở về mức bình thường, với 1.000 gốc tiêu, chị sẽ thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Không chỉ làm giàu từ cao su và hồ tiêu, chị còn kết hợp nuôi thêm bò và trồng lúa. Hiện tại, chị đang làm 5 sào ruộng và nuôi 10 con bò, mỗi năm cho thu nhập gần 80 triệu đồng trừ chi phí.

“Chị Phan Thị Bình là một điển hình sản xuất kinh doanh giỏi tại địa phương. Trước đây, gia đình chị Bình cũng khó khăn nhưng dần dần đã vươn lên làm giàu chính đáng, mô hình kinh tế của chị được nhiều người tham quan học tập.
 
Nhiều chị em trong chi hội mạnh dạn phát triển kinh tế theo mô hình vườn đồi như gia đình chị đều cho hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ đã thoát nghèo vươn lên làm giàu và có nhiều đóng góp cho địa phương trong phong trào xây dựng nông thôn mới”, chị Trần Thị Minh Nhung, Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Nông trường Việt Trung chia sẻ.
 
Theo Báo Quảng Bình

 

More

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

116 người đã tham gia bình chọn