Quảng Bình-Hào khí 420 năm (1604-2024)

Font size : A- A A+

Theo thư tịch cũ và truyền thuyết, đất nước thời Văn Lang-Âu Lạc có 15 bộ tộc Lạc Việt sinh sống, chủ yếu ở miền trung du và châu thổ sông Hồng. Nhà nước Văn Lang được thành lập trên cơ sở thống nhất các bộ lạc Lạc Việt do nhu cầu trị thủy, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và cùng chống ngoại xâm...

II. BƯỚC CHÂN THỜI GIAN
 
1. Danh xưng Quảng Bình (năm 1604)
 
1.1. Quảng Bình trong thời kỳ Văn Lang-Âu Lạc

 
Theo thư tịch cũ và truyền thuyết, đất nước thời Văn Lang-Âu Lạc có 15 bộ tộc Lạc Việt sinh sống, chủ yếu ở miền trung du và châu thổ sông Hồng. Nhà nước Văn Lang được thành lập trên cơ sở thống nhất các bộ lạc Lạc Việt do nhu cầu trị thủy, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và cùng chống ngoại xâm. Trong các bộ lạc Lạc Việt có bộ lạc Văn Lang hùng mạnh hơn cả và thủ lĩnh Văn Lang đóng vai trò lịch sử đứng ra thành lập nhà nước Văn Lang. Theo sự phân chia bộ lạc dưới thời Văn Lang, Quảng Bình thuộc bộ Việt Thường (có sách chép là Việt Thường Thị) một tổ chức hành chính Nhà nước sơ khai có địa vực tương đồng với toạ độ địa lý của Bắc Trung bộ hiện nay.
 
Bấy giờ, cư dân Văn Lang ở Quảng Bình đã biết kế thừa, phát huy những thành tựu văn hóa của các thời kỳ trước để bước vào thời kỳ đồng thau nhằm mục đích phục vụ phát triển trồng trọt. Những di tích khảo cổ học ở Khương Hà, Cổ Giang, Quảng Lưu, Long Đại, Thanh Trạch... đã minh chứng sự kế tiếp của các thời kỳ văn hóa khá rõ nét. Đồ đồng Đông Sơn ở Quảng Bình gồm nhiều loại, như: Mũi tên đồng, rìu đồng, lưỡi giáo, cán dao găm, thố đồng, đồ trang sức bằng đồng và trống đồng ở nhiều di chỉ khảo cổ học khác nhau đã được phát hiện.

Hạ tầng du lịch được đầu tư đồng bộ là động lực để phát triển ngành kinh tế mũi nhọn. (trong ảnh: Khu nghỉ dưỡng và phục hồi chức năng suối nước nóng Bang))

Dấu tích đồ đồng được phát hiện tại di chỉ Cồn Nền (Quảng Trạch) chứng tỏ kỹ thuật đúc đồng của cư dân Văn Lang ở Quảng Bình lúc này đã phát triển ở trình độ cao. Trống đồng Phù Lưu (Quảng Trạch) và một số trống đồng mới trên địa bàn Quảng Bình là loại trống đồng được đúc bằng những chiếc khuôn kín hai hay nhiều mang, một kỹ thuật đặc trưng của trống đồng Đông Sơn. Đặc biệt, khuôn đúc rìu đồng lưỡi lệch (lưới xéo) tìm thấy ở Hóa Hợp (Minh Hóa) có hai mang làm bằng đá sa thạch với kỹ thuật tinh xảo, chứng tỏ những dụng cụ, vũ khí đồ đồng Đông Sơn của Quảng Bình đã được đúc tại chỗ.
 
Công việc luyện kim và đúc đồng đòi hỏi phải có trình độ tổ chức và kỹ thuật cao, nhất là đối với những hiện vật phức tạp như trống đồng Phù Lưu, thố đồng Thanh Trạch. Việc tổ chức luyện kim là một quá trình phức tạp đòi hỏi phải chuyên môn hóa và phân công lao động. Chính vì vậy, cùng với sự ra đời của việc luyện kim và đúc đồng đã trở thành một nghề sản xuất độc lập, tách khỏi nông nghiệp. Do nhu cầu cuộc sống và dưới tác động trực tiếp của nghề luyện kim, đúc đồng, các nghề thủ công khác, như: Đồ gốm, đồ gỗ, đan lát, dệt vải, đồ trang sức đều có sự phát triển so với giai đoạn trước. Ở Quảng Bình vào thời kỳ này nghề làm đồ trang sức tương đối phát triển. Nhiều loại hạt chuỗi vòng tay bằng đá quý bên cạnh vòng tay, vòng nhẫn làm bằng đồng được phát hiện ở nhiều địa điểm Văn hóa Đông Sơn ở Quảng Bình. Nhiều đồ trang sức làm bằng thủy tinh như các loại vòng tay, hạt chuỗi và khuyên tai có mấu được tìm thấy ở Quảng Bình.
 
Nhờ nông nghiệp và thủ công nghiệp phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của cư dân Văn Lang trên đất Quảng Bình được cải thiện và phong phú. Với các loại trang sức phong phú về thể loại, chất liệu, chứng tỏ cư dân ở đây đã chú ý đến cuộc sống tinh thần, thị hiếu thẩm mỹ. Những hoa văn, hình ảnh trên bình gốm, rìu đồng, thố đồng Bàu Khê, trống đồng Phù Lưu đã phản ánh tư duy, khả năng thẩm mỹ, trình độ hội họa và điêu khắc của người dân nơi đây. Đời sống tinh thần còn thể hiện trên những hình ảnh sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt chung của tập thể cộng đồng. Các phong tục tập quán như tục ăn trầu, nhuộm răng, xăm mình được lưu giữ trong một thời gian dài, chứng tỏ cư dân ở đây cũng như nhiều nơi khác của nước Văn Lang có chung một bản sắc văn hóa truyền thống của thời đại.
 
1.2. Quảng Bình trong thời kỳ bị phong kiến phương Bắc đô hộ
 
Năm 207 trước Công nguyên, Triệu Đà, một viên quan nhà Tần chiếm ba quận Nam Hải, Quế Lâm và Tượng Lâm (Trung Quốc) lập nên nước Nam Việt và xưng vương. Sau khi lập nước, Triệu Đà nhiều lần phát động chiến tranh xâm lược nước Âu Lạc. Khoảng năm 179 trước Công nguyên, sau khi chiếm được Âu Lạc, Triệu Đà sáp nhập vào nước Nam Việt và chia Âu Lạc làm hai quận là Giao Chỉ (Bắc Bộ) và Cửu Chân (Bắc Trung bộ). Như vậy, trong thời kỳ Triệu Đà thống trị, vùng đất Quảng Bình thuộc phía Nam quận Cửu Chân.
 
Năm 111 trước Công nguyên, sau khi lật đổ nhà Triệu, nhà Tây Hán tiến hành cuộc chiến tranh xâm chiếm các nước phía Nam, thống trị nước Âu Lạc. Đồng thời, với sự tan rã của quốc gia cổ Việt Thường, vùng đất phía Nam cũng rơi vào tay của nhà Tây Hán. Ngoài hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân có từ thời nhà Triệu, nhà Hán lấy đất Nam Hoành Sơn đặt làm quận Nhật Nam, chia làm 5 huyện là Tây Quyển, Tỷ Cảnh, Chu Ngô, Lô Dung và Tượng Lâm; vùng đất Quảng Bình nằm trong hai quận Tây Quyển và Tỷ Cảnh.
 
Năm 25 sau Công nguyên, nhà Đông Hán lên nắm quyền và thực hiện chính sách hà khắc hơn trước. Cuối thế kỷ II, đầu thế kỷ III, nhà nước Đông Hán ở Trung Quốc tan rã, phong kiến phương Bắc diễn ra cục diện “Tam quốc’’, quyền thống trị nước ta nằm trong tay Sỹ Nhiếp, sau đó lại lệ thuộc vào phong kiến nhà Ngô. Năm 280, nhà Tấn diệt Ngô tạm thời thống nhất Trung Quốc. Dưới thời nhà Tấn chúng đặt lại quận huyện, tách đất Tây Quyển, đặt thêm huyện Thọ Linh (năm Thái Khang thứ 10 (289), tách đất Tỷ Cảnh, đặt thêm huyện Vô Lao tương đương với miền Nam Quảng Bình ngày nay.
 
1.3. Quảng Bình thời kỳ thuộc lãnh thổ vương quốc Champa
 
Cũng như ở hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân phía Bắc, nhân dân các bộ tộc ở quận Nhật Nam phía Nam bị các triều đại phong kiến Trung Quốc thống trị và bóc lột nặng nề. Sau cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng năm 40 ở Giao Chỉ, nhân dân ở quận Nhật Nam không ngừng nổi dậy chống quân xâm lược, giành lại quyền sống cho dân tộc mình, trung tâm của các cuộc khởi nghĩa là huyện Tượng Lâm (năm 138 đời Hán Vĩnh Hòa thứ 3). Nhân dân ở đây chủ yếu là người Chăm, có truyền thống thượng võ và tinh thần quật cường đã nhiều lần nổi dậy chống lại ách thống trị của quân Nam Hán. Cuối đời nhà Hán, nhân dân Tượng Lâm dưới sự lãnh đạo của Khu Liên nổi dậy giết huyện lệnh rồi tự xưng làm vua, lập nên nước Lâm Ấp. Sự ra đời của nhà nước Lâm Ấp sau cuộc khởi nghĩa do Khu Liên lãnh đạo đã khởi đầu cho tiến trình lịch sử Champa trên đất Quảng Bình.
 
Từ sau năm 749, sau sự kiện sứ bộ của vua Rudravarman sang triều cống Trung Quốc, các sách sử của Trung Quốc không còn nhắc nhở gì đến danh xưng Lâm Ấp nữa. Gần 10 năm sau đó xuất hiện một tên nước thay thế từ Lâm Ấp ở những tài liệu Trung Quốc đó là Hoàn Vương. Quốc hiệu này được dùng trong một thế kỷ (758-859), và đến năm 859, tên gọi Chiêm Thành mới bắt đầu được nhắc đến trong thư tịch phương Bắc.
 
Mặc dù sau đó diễn ra nhiều cuộc chiến tranh giành giật vùng đất quận Nhật Nam đoạn từ Hoành Sơn đến Hải Vân giữa các triều đại phong kiến Trung Quốc và vương quốc Hoàn Vương, nhưng về cơ bản vùng đất Quảng Bình sau thời kỳ thuộc Hán thuộc lãnh thổ của Hoàn Vương, sau là Chiêm Thành. Sau khi mở rộng biên giới ra phía Bắc là Nam Hoành Sơn, nhận thấy đây là địa bàn xung yếu, là địa đầu của quốc thổ, các triều đại Chiêm Thành đã chăm lo xây dựng hệ thống đồn lũy trên đất Quảng Bình khá kiên cố. Điển hình là lũy Hoàn Vương được xây từ Đông sang Tây dưới chân Hoành Sơn làm chiến lũy trấn giữ đường tiến quân của các triều đại phong kiến Trung Quốc xuống phía Nam. Ngoài ra, nhiều thành lũy được xây dựng khá kiên cố như thành Khu Túc, thành Nhà Ngô. Trong thời gian thuộc Chiêm Thành, vùng đất Quảng Bình là châu Bố Chính và châu Địa Lý.

(Theo Tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)
(Còn nữa)

More

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

116 người đã tham gia bình chọn