Dấu ấn phong trào phụ nữ Quảng Bình sau ngày tái lập tỉnh - Bài 2: Sâu sắc những bài học thực tiễn

Font size : A- A A+

Phát triển phong trào phụ nữ trong giai đoạn khó khăn sau ngày tái lập tỉnh, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã đúc rút những kinh nghiệm hay, bài học sâu sắc. Từ đó, áp dụng vào thực tiễn và mang lại những kết quả tích cực, lâu dài. Điều đáng quý, mỗi bài học này vẫn có giá trị bền vững đến tận ngày hôm nay và là những “viên gạch” nền móng vững chắc để phong trào phụ nữ Quảng Bình không ngừng lớn mạnh.

Đi sâu, đi sát cơ sở
 
Nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Trương Thị Hồng Hoa (giai đoạn 1989-1997) khẳng định, đi sâu, đi sát cơ sở chính là một trong những bài học kinh nghiệm đầu tiên của quá trình phát triển phong trào PN. Bà tâm sự, bám sát cơ sở vừa góp phần giải quyết những mâu thuẫn tận gốc, phát hiện những mô hình hay, cá nhân điển hình, vừa tăng cường khối đoàn kết, tương trợ lẫn nhau; đồng thời, nhân rộng, lan tỏa các phong trào, cuộc vận động.
 
Còn theo nguyên Chủ tịch Hội LHPN TP. Đồng Hới Nguyễn Thị Minh Huệ (giai đoạn 1996-2011), ngay sau tái lập tỉnh, địa bàn thị xã rất rộng, cơ sở vật chất thiếu thốn, phương tiện đi lại chỉ là chiếc xe đạp thô sơ. Thế nhưng, cán bộ hội vẫn không quản ngại vất vả, miệt mài bám cơ sở, không chỉ tuyên truyền vận động, phát hiện các mô hình hay, mà còn nắm địa bàn, kịp thời có giải pháp khắc phục khó khăn. Còn nhớ giai đoạn này ở phường Phú Hải, nhiều học sinh không học cấp 3, bỏ học đi làm, chị em kiên trì động viên, thuyết phục, mở các lớp nâng cao kiến thức, kỹ năng dạy con cho các mẹ...
 
Nhờ đó, tỷ lệ nghỉ học của phường giảm hẳn qua từng năm. Hội cũng tích cực tổ chức nhiều hội thi thu hút sự quan tâm của chị em và người dân, nổi bật như năm 1989 diễn ra hội thi “Tiếng hát PN” với 28 đội tham gia, các tiết mục xuất sắc được công diễn tại Khu Giao tế Quảng Bình. Đặc biệt, tiền bán vé được dành làm sổ tiết kiệm tặng mẹ và vợ liệt sỹ khó khăn.

Phụ nữ xã Nhân Trạch (Bố Trạch) chú trọng các mô hình chế biến thủy hải sản, phát triển kinh tế gia đình.

“2/3 dành cho cơ sở là phương châm của Hội LHPN TX. Đồng Hới giai đoạn này, hầu hết thời gian, công sức chị em đều hướng về địa bàn. Nhờ vậy, nhiều lớp đào tạo nghề được tổ chức mang lại hiệu quả thiết thực, bền vững, các mô hình phát triển kinh tế được nhân rộng, tạo tiếng vang và nhất là tăng cường tình đoàn kết, gắn bó, chia ngọt sẻ bùi của chị em PN trong toàn thị xã vào những tháng ngày gian khó”, bà Nguyễn Thị Minh Huệ nhớ lại.
 
Nguyên Chủ tịch Hội LHPN huyện Lệ Thủy Trần Thị Kim Nga (giai đoạn 1991-1996) hồi tưởng, thời điểm đó, địa bàn rộng, phương tiện đi lại chỉ có xe đạp, Thường trực hội chỉ có 4 người, nhưng chị em vẫn miệt mài lăn lộn ở cơ sở. Hàng tháng, hội duy trì thường xuyên trực báo tại các cụm (6 xã) ngay tại nhà các chị em cơ sở. Từ đó, công tác nắm tình hình thực tiễn được sâu sát, không để lọt thông tin, sự kiện nào.
 
Còn nhớ, khi xảy ra một vụ việc khiếu kiện tụ tập đông người ở một xã trên địa bàn, chị em lên nắm tình hình, bám sát địa bàn, ở lại địa phương trong nhiều ngày, kiên trì động viên, thuyết phục những chị em còn chưa thấu rõ sự việc. Nhờ đó, khúc mắc được giải quyết ổn thỏa, không còn tình trạng tụ tập đông người, gây mất an ninh trật tự địa phương. Cũng chính sâu sát cơ sở, công tác chọn điểm để nhân rộng các phong trào, cuộc vận động được thực hiện hiệu quả, phù hợp và mang lại thành tích nổi bật, góp phần cổ vũ, động viên chị em.
 
Đẩy mạnh công tác phối hợp, tranh thủ mọi nguồn lực
 
Bà Trương Thị Hồng Hoa chia sẻ, công tác phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và huy động mọi nguồn lực phát triển phong trào được các cấp hội PN trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh trong những ngày đầu sau tái lập tỉnh. Đặc biệt, chương trình phối hợp trong việc xây dựng và bảo vệ an ninh biên giới giữa Hội LHPN tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh được ký kết.
 
Trong bối cảnh tình hình có nhiều khó khăn, phức tạp, hai cơ quan đã kịp thời chỉ đạo các cấp hội PN và đồn BP chuẩn bị nội dung, chương trình để thực hiện thông tư liên tịch. Hội và BĐBP tỉnh đã thành lập nhiều đoàn phối hợp với các cấp, ngành, các cấp hội cùng khảo sát, nắm tình hình. Tháng 9/1991, hội xây dựng mô hình điểm ở xã Trường Sơn (Quảng Ninh) và xã Quảng Xuân, Quảng Phúc (Quảng Trạch)-những địa bàn trước đây yếu về công tác hội, chưa thu hút đông người dân tham gia các phong trào.

Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Diệp Thị Minh Quyết khẳng định: Những bài học kinh nghiệm từ phong trào PN giai đoạn 1989-1992 chính là hành trang quý báu để lực lượng PN Quảng Bình tiếp tục vận dụng thành công trong giai đoạn hiện nay, góp phần xây dựng phong trào PN lớn mạnh, phục vụ sự nghiệp phát triển của quê hương. Cán bộ, hội viên PN toàn tỉnh phát huy truyền thống tốt đẹp của PN Việt Nam, truyền thống của quê hương “Hai giỏi”, tăng cường đoàn kết, vượt qua khó khăn, thách thức, sáng tạo, hội nhập, xây dựng người PN Quảng Bình thời đại mới, xây dựng gia đình hạnh phúc; xây dựng và phát triển tổ chức hội vững mạnh, cùng Đảng bộ và nhân dân phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Với nhiều hình thức, Hội LHPN các cấp cùng BĐBP ngày đêm bám địa bàn, đến từng thôn, bản, hộ gia đình tổ chức hội họp nhân các sự kiện, ngày lễ lớn, tọa đàm kết nghĩa giữa BĐBP với các đoàn thể quần chúng địa phương. Việc củng cố các tổ chức hội PN ở cơ sở, xây dựng đẩy mạnh các phong trào cấp hội được quan tâm, dần đi vào nền nếp, có chiều sâu. Nhờ vậy, đã  củng cố, kiện toàn 23 chi hội PN ở 2 tuyến, đưa 5 chi hội từ yếu kém lên hoạt động khá, xây dựng 4 chi hội trước đây không hoạt động đi vào hoạt động có nền nếp.

Nguyên Chủ tịch Hội LHPN huyện Quảng Ninh (giai đoạn 1990-2000) Nguyễn Thị Hồng nhớ lại, để phát triển phong trào, trong bất kỳ hoạt động nào của hội, công tác phối hợp và huy động mọi nguồn lực tham gia đều rất được chú trọng. Từ đó, tạo sức mạnh tổng hợp, giúp PN Quảng Ninh vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, nhất là giai đoạn sau khi chia tách từ huyện Lệ Ninh vào năm 1990.
 
Và còn nhiều nữa những bài học quý giá từ thực tiễn sau ngày tái lập tỉnh đã được các cấp hội PN vận dụng sáng tạo, linh hoạt giữa nhiệm vụ chính trị-xã hội địa phương và nội dung công tác hội, trong từng thời gian, từng công việc cụ thể, đưa phong trào đi vào chiều sâu và đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, nhiệm vụ an ninh-quốc phòng của tỉnh, cùng nhân dân toàn tỉnh và cả nước đưa công cuộc đổi mới của Đảng đi đến thắng lợi.

https://baoquangbinh.vn/

More

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

116 người đã tham gia bình chọn