Gieo hạt giống thay đổi - Phương pháp mới về lồng ghép giới trong quy trình sản xuất lúa gạo SRI

Font size : A- A A+

     Là một trong hai vựa lúa lớn nhất toàn tỉnh, đời sống của bà con nông dân huyện Lệ Thủy chủ yếu nhờ vào cây lúa. Và bởi đã gắn bó với cây lúa từ bao đời nay, nên người dân nơi đây vẫn còn giữ tập quán canh tác truyền thống như mật độ gieo cấy dày, tưới nhiều nước, hay lạm dụng phân bón quá mức. Đặc biệt, khi trên thị trường xuất hiện nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng cho lúa, nhiều hộ dân đã không ngần ngại sử dụng với mục đích trước mắt phòng, ngừa sâu bệnh, tăng năng suất dù phải tăng chi phí đầu vào….. Tuy nhiên, hệ lụy của nó để lại đối với sức khỏe con người và môi trường sinh thái thì không phải ai cũng dễ dàng nhìn thấy ngày một, ngày hai. Trong đó, phụ nữ là nhóm người dễ bị tổn thương nhiều nhất khi họ là những người trực tiếp tham gia hầu hết vào tất các các khâu trong quá trình sản xuất. 

     Để từng bước nâng cao kiến thức và thay đổi thói quen lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất lúa gạo cho bà con nông dân, từ năm 2013, được sự quan tâm, hỗ trợ của sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn và Hội LHPN tỉnh, Dự án “Gieo hạt giống thay đổi, giảm thiểu Biến đồi khí hậu dựa vào cộng đồng thông qua sản xuất lúa gạo bền vững”(gọi tắt là Dự án SRI) được triển khai tại hợp tác xã (HTX) dịch vụ Nông nghiệp An Xá, xã Lộc Thủy và HTX Mỹ Lộc Thượng, xã An Thủy với mục tiêu hướng đến là tạo ra giá trị kinh tế cao hơn trên một đơn vị diện tích, giảm chi phí sản xuất và giảm gánh nặng cho chị em phụ nữ, đây là một trong những cách thức lồng ghép giới vào quá trình áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa gạo của phương pháp SRI. Thế nhưng, khi bắt tay vào triển khai thực hiện, các cấp Hội cũng gặp không ít khó khăn, bởi tư tưởng “nhiều cây nhiều hạt” đã ăn sâu vào trong tiềm thức của bà con nông dân và để làm thay đổi được nếp nghĩ đó là điều không hề dễ. Tuy nhiên, bằng sự chịu thương, chịu khó và kiên trì trong thuyết phục, vận động của đội ngũ cán bộ Hội cơ sở, đặc biệt với những kiến thức được trang bị, các chị đã đứng ra “làm mẫu” ngay trên mảnh ruộng của mình, giúp người thân, bà con được “tai nghe, mắt thấy” và dần làm theo.
 
 
Lúa cải tiến SRI phát triển tốt trên cánh đồng An Thủy - Lệ Thủy
 
     Dù chỉ mới sản xuất 2 vụ lúa theo phương pháp SRI, nhưng hiệu quả mang lại  thì không chỉ đo đếm được về mặt kinh tế mà còn nâng cao vai trò của phụ nữ trong quá trình thảo luận, ra quyết định các hoạt động của cộng đồng về sản xuất lúa SRI. Bởi lẽ, trong các hoạt động của chương trình, tỷ lệ phụ nữ tham gia các khóa tập huấn về kỹ thuật canh tác SRI chiếm trên 80%; được cử làm trưởng nhóm để hướng dẫn bà con sản xuất (có 13/25 nhóm, chiếm tỷ lệ 52%) tại Hội thi “Tìm hiểu SRI và Bình đẳng giới”, có 85 % thí sinh dự thi là phụ nữ…. qua đó giúp chị em nâng cao kiến thức, kỹ năng trong công tác tuyên truyền, vận động bà con từ bỏ những thói quen cũ trong canh tác để áp dụng phương pháp mới của SRI. Chính vì trực tiếp thực hành nên người nông dân, nhất là chị em phụ nữ đã tận mắt thấy được sự khác biệt, từ đó họ tự khuyến khích nhau và tìm giải pháp áp dụng các kỹ thuật sản xuất phù hợp với đồng ruộng của mình. Sự sáng tạo đó cũng chính là cơ sở để 2 HTX dịch vụ nông nghiệp An Xá  và Mỹ Lộc Thượng xây dựng và áp dụng thành công mô hình cải tiến SRI. Mặt khác, phương pháp SRI được thực hiện dựa trên 4 nguyên tắc cơ bản đối với lúa gieo thẳng, đó là: Gieo thưa; rút nước xen kẽ 3-4 lần trong vụ, giữ đất ẩm; làm cỏ kết hợp xới xáo mặt ruộng, sục bùn để thông khí cho đất; tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, phân chuồng oải mục để cải tạo độ phì của đất. Như vậy, sẽ tiết kiệm tối đa vật tư đầu vào, tiết kiệm công chăm sóc. Điều quan trọng là nhờ gieo thưa, điều tiết nước hợp lý nên tỷ lệ sâu bệnh không đáng kể, giảm số lần bơm thuốc hóa học trừ sâu bệnh cho lúa, vì vậy sức khỏe của chị em được đảm bảo tốt hơn… Có thể nói, thành công mà mô hình mang lại sau 2 năm triển khai thực hiện đó là đã làm chuyển biến được nhận thức của người dân, họ tin tưởng và thấy được vai trò của chị em phụ nữ khi tham gia vào các công đoạn sản xuất. Với việc tiết kiệm được chi phí, thời gian, năng suất lúa lại được mùa, được giá, nên đã tạo động lực rất lớn đối với phụ nữ, chị em có nhiều thời gian hơn cho việc chăm sóc con cái, tham gia các hoạt động xã hội, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và làm thay đổi bộ mặt nông thôn mới.
 
     Để tiếp tục phát huy vai trò của chị em phụ nữ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, trong thời gian tới Hội phụ nữ sẽ phối hợp với Đài truyền thanh huyện xây dựng các chuyên mục, chương trình tuyên truyền, phổ biến và quảng bá các mô hình áp dụng SRI có hiệu quả nhằm giúp bà con nông dân huyện Lệ Thủy thay đổi tư duy, nhận thức trong sản xuất lúa gạo bền vững, từng bước nâng cao thu nhập cho gia đình, góp phần tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu từ những việc làm bình dị.

                                                                                                                  Võ Thị Thanh Thủy

Chủ tịch Hội LHPN huyện Lệ Thủy 

More

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

116 người đã tham gia bình chọn