Sáng tạo truyền thông phòng, chống mua bán người

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã tích cực phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và tổ chức phi chính phủ đẩy mạnh hoạt động truyền thông về phòng, chống mua bán người (MBN), thúc đẩy di cư an toàn (DCAT). Từ thực tiễn, nhiều cách làm hay, sáng tạo đã được triển khai, nhờ vậy, những nội dung tuyên truyền được chuyển tải đến các đối tượng hiệu quả, chất lượng, kịp thời.

Tháng 3/2024, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Bố Trạch tổ chức sự kiện truyền thông thúc đẩy DCAT và phòng, chống MBN năm 2024. Sự kiện nằm trong khuôn khổ dự án “Truyền thông phòng, chống MBN và thúc đẩy DCAT” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM)-Cơ quan Di cư của Liên hợp quốc tại Việt Nam thực hiện với tài trợ kinh phí từ chính phủ Vương quốc Anh và Canada. Sự kiện quy tụ các học viên Trung tâm GDNN-GDTX huyện Bố Trạch và người dân trong độ tuổi lao động thuộc xã Đức Trạch (Bố Trạch).

Không đơn thuần là buổi tuyên truyền khô khan, khó nắm bắt thông tin, sự kiện đã tạo được sự hấp dẫn, hứng thú từ người tham gia thông qua các hoạt động, như: Biểu diễn tiểu phẩm “Giấc mơ đổi đời”; tham gia trò chơi “Rung chuông vàng - Sẵn sàng bước chân” và 2 mini game “Đúng hay sai - Ai là người di cư thông thái”, “Đoán ý đồng đội”...

Nếu câu chuyện từ tiểu phẩm góp phần thức tỉnh người xem với thông điệp: Không nên nhẹ dạ, cả tin, phải có sự tìm hiểu, trao đổi với gia đình, người thân trước khi quyết định di cư, thì các phần trò chơi lại mang đến không khí sôi động cùng những câu hỏi cập nhật kiến thức về phòng, chống MBN, thông tin về DCAT theo cách dễ nhớ, dễ thực hành.

Em Trần Đình Quân (15 tuổi), học viên Trung tâm GDNN-GDTX huyện Bố Trạch chia sẻ, vốn có ý định sau khi hoàn thành học nghề sẽ đi xuất khẩu lao động nên em rất háo hức, mong chờ sự kiện truyền thông lần này. Thông qua xem tiểu phẩm và các trò chơi, em có thêm nhiều kiến thức về DCAT và sẽ tìm cho mình hướng đi phù hợp để không mắc bẫy của nạn MBN.

Tìm hiểu thông tin về phòng, chống mua bán người và di cư an toàn tại một sự kiện truyền thông.

Cùng quan điểm, em Hoàng Trần Khánh Ly (16 tuổi), học viên Trung tâm GDNN-GDTX huyện Bố Trạch cho biết, em có ý định sau khi kết thúc việc học tại trung tâm sẽ đi xuất khẩu lao động tại CHLB Đức. Tham gia sự kiện truyền thông, em tự nhận thấy, xuất khẩu lao động là một quyết định quan trọng, cần nhiều thời gian để tìm hiểu kỹ lưỡng và có sự hỗ trợ của những bên đáng tin cậy. Do đó, em sẽ tích cực tìm hiểu thông tin và sự hỗ trợ từ những nguồn chính thống, an toàn để lập kế hoạch cho chuyến đi xuất khẩu lao động của mình trong tương lai.

Các sự kiện truyền thông theo hình thức trên đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng, chống MBN cho người dân với mục đích góp phần làm giảm các nguy cơ tội phạm liên quan đến MBN, thúc đẩy DCAT và hỗ trợ hiệu quả nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng. Đó cũng là nỗ lực mà Hội LHPN tỉnh đã triển khai thực hiện trong thời gian qua.

Theo đó, Hội LHPN tỉnh đã hợp tác với IOM triển khai một số dự án và hoạt động liên quan đến đấu tranh phòng, chống MBN và thúc đẩy DCAT. Cụ thể, như: Nâng cao năng lực truyền thông trong phòng, chống MBN (các lớp tập huấn chuyên đề); truyền thông tại các địa phương thuộc địa bàn dự án (thi tiểu phẩm, sinh hoạt câu lạc bộ DCAT, hội thi kiến thức, đối thoại cộng đồng...); truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng...

Mới đây, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Tổ chức Hagar quốc tế tại Việt Nam tổ chức hội thảo giới thiệu dự án kết hợp tập huấn về quản lý trường hợp trong hỗ trợ nạn nhân MBN và người di cư bị tổn thương. Đây là hoạt động nhằm triển khai thực hiện Quyết định số 271/QĐ-UBND, ngày 2/2/2024 của UBND tỉnh về việc phê duyệt tiếp nhận khoản viện trợ dự án “Hỗ trợ nạn nhân MBN và người di cư dễ bị tổn thương” do Tổ chức Hagar tài trợ trên địa bàn tỉnh. 

Phát biểu tại hội thảo này, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Châu Thị Định đã khẳng định: Tất cả nỗ lực của công tác truyền thông cũng chính là để mong muốn tất cả chúng ta hiểu rõ về nạn MBN, những nguy cơ trở thành nạn nhân bị MBN và người di cư dễ bị tổn thương, từ đó, có trách nhiệm hơn và cùng chung tay, góp sức đẩy lùi những rủi ro liên quan tới lao động cưỡng bức... Mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ và mỗi người dân hãy cùng nhau đoàn kết, hành động vì sự an toàn của mỗi người, mỗi gia đình, vì tương lai tốt đẹp của toàn xã hội.

https://www.baoquangbinh.vn/

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

116 người đã tham gia bình chọn