Quảng Bình-Hào khí 420 năm (1604-2024)

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Suốt 10 thế kỷ dưới ách thống trị của các triều đại phong kiến Trung Quốc, nhân dân các bộ tộc của nước Âu Lạc vẫn không ngừng đấu tranh giành độc lập dân tộc...

1.4. Quảng Bình thuộc quốc gia Đại Việt dưới các triều đại Lý, Trần, Lê
 
Suốt 10 thế kỷ dưới ách thống trị của các triều đại phong kiến Trung Quốc, nhân dân các bộ tộc của nước Âu Lạc vẫn không ngừng đấu tranh giành độc lập dân tộc. Sau cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng vào những năm 40 của thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên là cuộc khởi nghĩa của Lương Long (178-181), Bà Triệu (248), tiếp đến là cuộc khởi nghĩa của Lý Bí giành lại độc lập dân tộc và lập nên nước Vạn Xuân (544-589). Nhưng sau đó các triều đại phong kiến Trung Quốc là nhà Tùy và nhà Đường lại đưa quân xâm lược áp đặt nền thống trị lại nước ta.
 
Trong suốt ba thế kỷ bị nhà Đường đô hộ, nhân dân ta không ngừng nổi dậy chống lại ách thống trị của phong kiến phương Bắc. Các cuộc khởi nghĩa lớn trong thời kỳ này là: Khởi nghĩa Lý Tự Tiên và Đinh Kiến (687), khởi nghĩa Mai Thúc Loan (722), Phùng Hưng (766-791), Dương Thanh (819-820). Cuối thế kỷ IX, triều Đường bước vào thời kỳ suy thoái, nạn cát cứ của các tập đoàn phong kiến phương Bắc nổi lên. Nắm lấy thời cơ đó, Khúc Thừa Dụ nổi lên đánh đuổi quân xâm lược, xây dựng chính quyền độc lập, xóa ách thống trị của phong kiến phương Bắc. Năm 938, quân Nam Hán lại sang xâm lược nước ta, dưới sự lãnh đạo của Ngô Quyền, quân dân ta đã đánh bại đội quân xâm lược trên sông Bạch Đằng, bảo vệ nền độc lập, chấm dứt hoàn toàn 1.000 năm Bắc thuộc. 

Hệ thống giao thông nông thôn ở xã Tân Hóa (Minh Hóa) được bê tông hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Ảnh: M.V

Đất nước được độc lập, sau nhà Đinh, nhà Lý lên ngôi, Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long, đặt tên nước là Đại Việt, xây dựng nhà nước trung ương tập quyền, củng cố quân đội, chăm lo phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Ở phía Bắc, sau khi thất bại nặng nề trong cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ nhất dưới thời Tiền Lê, nhà Tống vẫn không chịu từ bỏ âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa. Ở phía Nam, mặc dầu bị thất bại nặng nề trong những lần đánh phá nước ta, các vương triều Chiêm Thành vẫn nuôi ý định mở rộng ảnh hưởng ra phía Bắc và âm mưu cấu kết với nhà Tống xâm lược lãnh thổ quốc gia. Trước tình hình đó, vua Lý Thánh Tông quyết định đem quân đánh Chiêm Thành nhằm bảo vệ cương vực phía Nam và ngăn chặn cuộc xâm lược của nhà Tống ở phía Bắc.
 
Năm 1069, Lý Thánh Tông cùng tướng tiên phong Lý Thường Kiệt đánh vào kinh đô Chiêm Thành, bắt sống vua Chiêm Thành là Chế Cũ đưa về Thăng Long. Để chuộc mạng, Chế Cũ xin dâng ba châu Bố Chinh, Địa Lý, Ma Linh (tức vùng đất Quảng Bình, Quảng Trị ngày nay) cho nhà Lý. Năm 1075, Lý Thường Kiệt cho vẽ bản đồ ba châu Bố Chinh, Địa Lý, Ma Linh. Triều đình nhà Lý quyết định đổi tên châu Bố Chinh thành châu Bố Chính, châu Địa Lý thành châu Lâm Bình, châu Ma Linh thành châu Minh Linh và chiêu dân đến khai hoang, lập ấp.
Như vậy, dưới triều Lý, từ năm 1075 vùng Quảng Bình xưa đã trở thành đơn vị hành chính của Đại Việt với tên gọi là châu Bố Chính và châu Lâm Bình. Có thể nói đây là mốc lịch sử quan trọng định hình địa vực cư trú của cộng đồng người Việt trên vùng đất Quảng Bình ngày nay.
 
Những cư dân đầu tiên theo lời chiêu mộ của Lý Nhân Tông đã đến đây khai phá vùng đất mới, lập nên làng xã. Đây là vùng đất màu mỡ thuận lợi cho việc khai hoang, canh tác nghề nông và là vùng đất phên dậu ở biên cương phía Nam Đại Việt. Những cư dân đầu tiên đến khai thiết vùng đất này là những người dân ở các địa phương lân cận, chủ yếu là ở Châu Hoan, Châu Ái (Nghệ An, Thanh Hóa). Trong những đợt di dân, người ta thường tập hợp những người trong cùng một họ tộc để dễ bề giúp đỡ, cưu mang nhau. Họ đi cùng một đoàn, khai phá một nơi, rồi lập lên làng xã. Chính vì vậy, ở Quảng Bình, những danh xưng của làng thường mang tên một họ tộc, như: Phan Xá, Ngô Xá, Hoàng Xá, Võ Xá... Chính đặc điểm này đã tạo nên sự gắn kết vững chắc của cộng đồng, đây không chỉ là một đơn vị hành chính mà còn có yếu tố huyết thống, dòng tộc.
 
Sau khi nhà Lý suy vong, triều Trần được thiết lập, tiếp tục công việc kiến thiết đất nước, củng cố quốc gia thống nhất, mở rộng biên cương, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, cương vực nước ta được mở rộng xuống phía Nam, công cuộc khai thác vùng đất Bố Chính và Lâm Bình được đẩy mạnh. Triều Trần đã có một số cải cách hành chính nhằm củng cố chế độ tập quyền. Các đơn vị hành chính được cải tổ lại cho phù hợp với việc quản lý của chính quyền Trung ương. Đầu đời Trần, châu Lâm Bình dưới đời Lý được đổi thành phủ Lâm Bình.
 
Đến đời Trần Duệ Tông (năm 1375) đổi phủ Lâm Bình thành phủ Tân Bình, sau đổi thành lộ Tân Bình. Năm Quang Thái thứ 10 (1397), Lê Quý Ly làm phụ chính thái sư, sửa đổi chế độ hành chính, đã đổi các lộ, phủ thành làng, trấn, phủ Tân Bình được đổi thành trấn Tân Bình. Như vậy, cuối đời Trần cộng đồng cư dân người Việt sống trên địa bàn thuộc các đơn vị hành chính: Trấn Tân Bình có huyện Thượng Phúc, huyện Nha Nghi và huyện Tri Kiến. Châu Bố Chính có huyện Bố Chính, huyện Đặng Gia và huyện Tòng Chất.
 
Khi nhà Trần suy vong, nhà Hồ được thiết lập và đổi trấn Tân Bình thành trấn Tây Bình (năm 1402 đời nhà Hồ, Hồ Hán Thương). Sau khi đánh bại nhà Hồ, triều đại phong kiến Trung Quốc là nhà Minh thôn tính Đại Việt, đổi nước ta thành quận Giao Chỉ và có những thay đổi về đơn vị hành chính. Nhà Minh đặt các châu huyện lệ vào 15 phủ và 5 châu lớn trong đó có phủ Tân Bình, đổi châu Bố Chính làm châu Trấn Bình; huyện Thượng Phúc đổi thành huyện Phúc Khang, huyện Bố Chính thành huyện Chính Hòa, huyện Đặng Gia thành huyện Cổ Đặng.
 
Sau khi đánh đuổi quân Minh, khôi phục nền độc lập dân tộc, công cuộc khai phá được đẩy mạnh. Dưới triều Lê Thánh Tông có chính sách chiêu dụ khai khẩn vùng đất Bố Chính, các làng xã ở Tân Bình và Bố Chính phát triển nhiều hơn. Năm Quang Thuận thứ 10, tức năm Kỷ Sửu (1469) lập bản đồ trong cả nước, phủ Tân Bình có hai huyện là Lệ Thủy và Khang Lộc và hai châu là Minh Linh và Bố Chính. Vua Lê Lợi chia cả nước làm 5 đạo: Nam đạo, Bắc đạo, Đông đạo, Tây đạo và Hải Tây đạo. Trấn Tân Bình được đổi thành lộ Tân Bình thuộc đạo Hải Tây.
 
Đến năm Quang Thuận thứ 7 (1466) để tăng cường sự quản lý thống nhất về mặt hành chính, Lê Thánh Tông chia cả nước làm 12 đạo thừa tuyên, đổi phủ thành lộ, đổi trấn thành châu. Vốn là lộ Tân Bình, đời Hoằng Định (1600) vì húy kỵ nên Lê Kính Tông đổi làm Tiên Bình.
 
Trong giai đoạn lịch sử này đất nước có những biến động lớn. Đầu thế kỷ XVI, triều Lê suy yếu, năm 1527, tập đoàn phong kiến do Mạc Đăng Dung cầm đầu thắng thế, phế truất triều Lê, lập triều Mạc. Họ Mạc vừa lên nắm chính quyền thì các phe phái phong kiến đối lập, nấp dưới chiêu bài khôi phục triều đại chính thống, nổi lên ở nhiều nơi. Cuối cùng một viên tướng cũ của triều Lê là Nguyễn Kim ra sức tập hợp các thế lực chống Mạc, rồi chiếm giữ vùng Thanh Hóa, Nghệ An, thành lập một chính quyền riêng với danh nghĩa là triều Lê Trung Hưng.
 
Năm 1545, Nguyễn Kim chết, quyền hành rơi vào tay con rể là Trịnh Kiểm. Cuộc xung đột giữa các phe phái phong kiến làm cho đất nước bị chia làm hai miền. Chính quyền nhà Mạc thống trị vùng Bắc Bộ ngày nay, gọi là Bắc triều, họ Trịnh nắm quyền hành từ vùng Thanh Hóa trở vào gọi là Nam triều. Cuộc chiến tranh giữa hai tập đoàn phong kiến kéo dài trên nửa thế kỷ. Năm 1592, Nam triều thắng Bắc triều và chiếm được Thăng Long, nhưng các thế lực nhà Mạc còn chiếm cứ nhiều nơi, rút lên cố thủ ở Cao Bằng cho đến những năm 70 của thế kỷ XVII.
 
Trong thời gian này, vùng đất Tân Bình vẫn thuộc đất của chúa Trịnh và không có thay đổi về tên gọi, chỉ đến năm 1600 được đổi thành Tiên Bình. Cuộc chiến tranh Nam-Bắc triều kết thúc thì một cuộc chiến tranh mới giữa hai tập đoàn phong kiến Trịnh-Nguyễn lại diễn ra kéo dài và ác liệt hơn.

(Theo Tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)
(Còn nữa
)

Các tin khác

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

116 người đã tham gia bình chọn