Hiệu quả từ mô hình “Thu gom phế liệu xây dựng quỹ tình thương, bảo vệ môi trường”

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Nhằm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW "về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (Chỉ thị số 05) và hưởng ứng đợt thi đua đặc biệt lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, Hội LHPN TP. Đồng Hới đã phát động thực hiện mô hình “Thu gom phế liệu xây dựng quỹ tình thương, bảo vệ môi trường” đạt nhiều kết quả đáng phấn khởi.

Với hình thức phát động toàn thể cán bộ, hội viên phụ nữ toàn thành phố phân loại, thu gom rác thải phế liệu trong các hoạt động hằng ngày của gia đình, trong công việc kinh doanh, sản xuất nhằm giảm thiểu rác thải ra môi trường vừa bán lấy tiền đóng góp quỹ tình thương để hỗ trợ thăm tặng quà cho trẻ em, hội viên, phụ nữ và các hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài địa bàn, thực hiện chương trình “Mẹ đỡ đầu”, “Mỗi hội viên phụ nữ có một hoạt động/hành động san sẽ yêu thương”, … Mô hình được 15/15 cơ sở Hội, các đơn vị trực thuộc, nữ công liên đoàn lao động thành phố hưởng ứng tích cực, triển khai với trên 90% cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia. 

Mô hình “Thu gom phế liệu xây dựng quỹ tình thương, bảo vệ môi trường” ở xã Bảo Ninh

Triển khai mô hình ở phường Đồng Phú

Mô hình có tiền đề khi đã triển khai làm điểm ở chi hội phụ nữ Tổ dân phố 10, phường Bắc Lý vào năm 2016. Bước đầu khi mới triển khai, dù gặp không ít khó khăn nhưng với sự quyết tâm cao của đội ngũ chi hội trưởng đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và kết quả dự kiến mà những hoạt động của mô hình có thể mang lại nên hầu hết hội viên phụ nữ đã vượt qua những trở ngại ban đầu để nhiệt tình thực hiện. Sau 2 tháng triển khai mô hình điểm, với những thùng, gói vỏ lon bia, nước ngọt, chai nhựa, nhôm, sắt vụn,… mà chị em phân loại và trữ lại tại gia đình, sau đó định kỳ gom đến địa điểm bán. Số tiền thu được từ việc đóng góp phế liệu của hội viên tại Chi hội phụ nữ tổ dân phố 10 là 1,5 triệu đồng. Điều phấn khởi nhất là 100% hội viên tại Chi hội đều tham gia hoạt động này do Chi hội phát động. 


Từ hiệu quả của mô hình điểm tại Chi hội 10, vào tháng 01/2017, Hội LHPN phường Bắc Lý đã tổ chức ký cam kết và nhân rộng thực hiện mô hình trên 17/17 chi hội của Phường. Số tiền thu được từ bán phế liệu được hội viên phụ nữ phường nuôi trong hàng nghìn con heo nhựa tiết kiệm. Từ năm 2017 - 2020, đã thu được số tiền trên 160 triệu đồng. Từ hiệu quả của mô hình điểm, các xã, phường Bảo Ninh, Hải Thành, Bắc Nghĩa,… cũng đã nhân rộng mô hình này. Đến cuối năm 2021, mô hình được nâng thêm một bước mới là được Hội LHPN thành phố chỉ đạo thực hiện đồng loạt tại 100% cơ sở Hội phụ nữ toàn thành phố. 


Sau 03 tháng triển khai đồng loạt, các cấp Hội toàn thành phố đã vận động cán bộ, hội viên phụ nữ hưởng ứng chương trình và thu được số tiền trên 230 triệu đồng. Từ nguồn quỹ này, các cấp Hội vừa đóng góp xây dựng được nguồn quỹ tình thương gắn với thực hiện chương trình “Triệu phần quà san sẽ yêu thương”, “Mẹ đỡ đầu” nhằm giúp trẻ em mồ côi, các hoàn cảnh khó khăn, đã nhận đỡ đầu 20 cháu, trao 12 máy tính, điện thoại, trao 1.100 suất quà hỗ trợ.

Trao tặng phần quà "San sẻ yêu thương", "Mẹ đỡ đầu" cho trẻ em mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở Phường Đồng Phú

Trao tặng phần quà  "Mẹ đỡ đầu" cho trẻ em mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở Phường Bắc Lý

Song song đó, các cấp Hội cũng đã vận động hội viên thường xuyên tổ chức ra quân làm vệ sinh, thu gom rác thải trên các tuyến đường, vận động cán bộ hội viên lắp đặt thùng rác có nắp đậy tại hộ gia đình đảm bảo vệ sinh và bảo vệ môi trường. Đã có 5.000 thùng rác mới, hợp vệ sinh được đặt tại tuyến đường, nơi công cộng, trước trục đường của các hộ gia đình; trồng thêm 75 đoạn/cụm/đường hoa với tổng chiều dài 2.977 m, nâng tổng số đoạn/cụm/đường hoa toàn thành phố lên 157 đoạn/cụm hoa với tổng 17.025m. 


Hoạt động của mô hình không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn có nguồn quỹ để thăm hỏi, tặng quà cho các hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn, hỗ trợ hội viên, phụ nữ khó khăn về nguồn vốn, cây con giống để phát triển kinh tế. Có thể nói, đây là một mô hình ý nghĩa, thiết thực, hiệu quả. Mô hình này cần được nhân rộng, thực hiện thường xuyên nhằm hỗ trợ, giúp đỡ hội viên vươn lên trong cuộc sống và tăng thêm sự gắn kết giữa tổ chức Hội với hội viên, góp phần xây dựng Hội ngày càng vững mạnh. 

Thanh Liễu
 

Các tin khác

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

116 người đã tham gia bình chọn