Trường Sơn ghi dấu chân Người

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Đường Trường Sơn, tuyến chi viện chiến lược cho miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ khởi đầu tại Tân Kỳ (Nghệ An) qua 11 tỉnh từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông đến Bình Phước. Ra đời đúng ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19-5-1959, đường Trường Sơn trở thành một “kỳ quan, kỳ tích” của dân tộc Việt Nam, trong đó mang đậm dấu ấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Bài 1: Quyết định lịch sử - Mở đường Hồ Chí Minh

Đầu tháng 5-1959, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào làm việc với Tỉnh ủy và cán bộ chủ chốt tỉnh Quảng Bình. Tại cuộc họp này, tấm bản đồ Quảng Bình tỷ lệ 1/100.000 được trải rộng trên bàn trước mặt mọi người. Chăm chú hồi lâu vào bản đồ, Đại tướng hỏi kỹ về các tuyến đường trên đất Quảng Bình, đặc biệt là dọc núi rừng Trường Sơn. Kết thúc cuộc họp, Đại tướng tươi cười bắt tay từng người bảo: “Tốt! Tốt lắm!”.

Đó là hồi ức của ông Trần Sự, nguyên Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Quảng Bình, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh (1989-1994) với phóng viên Báo Quảng Bình khi chúng tôi đi tìm những sự kiện, nhân chứng lịch sử nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Trường Sơn (19-5-1959 - 19-5-2009).

Báo cáo trước Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đoàn công tác tại cuộc họp này, ông Trần Sự trình bày rõ các tuyến thượng đạo chạy ven đồi núi phía Tây tỉnh đến Thanh-Nghệ-Tĩnh. Quan trọng nhất là tuyến đường 15A có sẵn.

Ông Trần Sự khẳng định: “Chuyến công tác quan trọng này làm cơ sở ra đời một quyết định mang tầm chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mở đường Hồ Chí Minh!”.

Thực hiện nghị quyết của Tổng Quân ủy Trung ương (sau này là Quân ủy Trung ương), Bộ Quốc phòng và chỉ thị từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, từ tháng 5-1959, Quân khu 4 và tỉnh Quảng Bình tập trung lực lượng bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến tiến hành nâng cấp, tu sửa các tuyến đường có sẵn, đồng thời mở thêm nhiều tuyến khác nối Quốc lộ 1 lên phía Tây Nam hướng vào Quảng Trị, đường 9 như: mở đường từ Thạch Bàn vào Khe Hó, Tây Vĩnh Linh; đường 16 từ Thạch Bàn vào Bang, từ Bang đến Vít Thù Lù, tới Làng Ho, vượt đèo 1.001, qua sông Bến Hải…

Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Tư lệnh Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn trên đường Hồ Chí Minh.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Tư lệnh Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn trên đường Hồ Chí Minh.

Đầu năm 1960, quốc lộ 15A cơ bản khôi phục, nâng cấp, sửa chữa xong. Phương tiện cơ giới chạy suốt từ Hòa Bình qua Thanh-Nghệ-Tĩnh đến tận Quảng Bình. Đường 15A trở thành huyết mạch chi viện cho miền Nam.

Tháng 5-1961, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở lại Quảng Bình. Lần này, Đại tướng trực tiếp làm việc với Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tư Thoan và Trưởng ty Giao thông vận tải Võ Văn Ấp tại trụ sở Huyện ủy Lệ Thủy.

Sau khi kiểm tra thực địa đường Hồ Chí Minh trên đất Quảng Bình, Đại tướng quyết định: "Đường 15A thông xe rồi, địch sẽ khống chế mạnh, ta phải có đường vượt qua Trường Sơn vào đường 9. Như vậy, kẻ địch nham hiểm đến mấy đi nữa cũng không thể ngăn chặn sự chi viện ngày càng tăng từ miền Bắc vào miền Nam".

Sau chuyến đi này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có một quyết sách táo bạo “chọc thủng Trường Sơn” hình thành đường 20 sang Lào.

Bà Virginia Louise Morris (quốc tịch Anh), một tác giả nước ngoài từng trải nghiệm thực tế trên hệ thống đường Trường Sơn, sau đó xuất bản cuốn sách: “Đường mòn Hồ Chí Minh-Con đường dẫn đến tự do” vào năm 2006.

Trả lời phỏng vấn bà Morris, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lý giải về sự ra đời con đường vĩ đại: "Tại sao chúng tôi lại xây dựng đường mòn Hồ Chí Minh? Vì người Mỹ tấn công chúng tôi. Chủ tịch Hồ Chí Minh dự đoán được chiến tranh sẽ kéo dài, nhưng chúng tôi nhất định sẽ thắng”.

“Quân đội non trẻ của chúng tôi học hỏi được nhiều kinh nghiệm, đặc biệt từ trận Điện Biên Phủ. Một trong những bài học đó chính là vai trò cực kỳ quan trọng của hậu cần… Tháng 5-1959, tôi ra lệnh mở đường mòn Hồ Chí Minh”.

“Khi đường Đông Trường Sơn bị chặn đứng, tôi ra lệnh mở đường Tây Trường Sơn… Con đường chạy sang Lào qua Ta Lê. Tôi đứng đó khi mở cửa khẩu Ta Lê…”

“Tôi ra lệnh mở đường cho xe tải. Ngay cả sau khi có đường, vẫn còn ý kiến lưỡng lự nên đưa xe tải vào hoạt động không vì không quân Mỹ có rất nhiều loại vũ khí mới tiêu diệt xe tải. Và quan trọng hơn nữa là xe tải cần xăng. Tôi bổ nhiệm một đồng chí làm tư lệnh bảo đảm việc vận chuyển xăng dọc đường Hồ Chí Minh. Đó là một dự án ghê gớm!”.

Các CCB từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên đường Trường Sơn thăm lại chiến trường xưa, tháng 5-2012.

Các CCB từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên đường Trường Sơn thăm lại chiến trường xưa, tháng 5-2012.

Tháng 5-2012, nhân kỷ niệm 53 năm Ngày mở đường Trường Sơn (19-5-1959 - 19-5-2012), tôi may mắn tháp tùng đoàn cựu chiến binh (CCB) từng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên đường Trường Sơn ở Quảng Bình về thăm chiến trường xưa.

Trở lại Trường Sơn lần này có nhiều vị tướng từng giữ các chức vụ quan trọng của Bộ đội Trường Sơn là thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Phó Tư lệnh Đoàn 559; thiếu tướng Võ Sở, nguyên Chính ủy Sư đoàn 471, nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh Trường Sơn; thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, nguyên cán bộ Tiểu đoàn 52 ô tô, Chính trị viên Tiểu đoàn vận chuyển đường thủy 166, Chính ủy Công binh Trường Sơn…

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn nhớ lại: “Đường Trường Sơn trên đất Quảng Bình là một hệ thống bao gồm các tuyến dọc Bắc Nam và những tuyến "rọc ngang" sang đất bạn Lào. Đường 12A là một trong những tuyến "rọc ngang" đó, từ ngã ba Khe Ve vượt Cổng Trời lên Cha Lo và đến thị trấn Lằng Khằng (huyện Bulapha, tỉnh Khăm Muộn).

Đây là tuyến vận tải cơ giới đầu tiên thuộc hệ thống đường Hồ Chí Minh. Qua Nà Phầu phía Lào, tuyến cơ giới chia làm hai nhánh, đường 050 xuyên dưới thung lũng từ Nà Phầu đến bản Na Nô-Na Nhom tới Pắc Pha Năng; nhánh thứ hai từ Nà Phầu đến ngã ba Lằng Khằng sau đó theo đường 129 qua Pha Nốp, Siêng Phan tới Pắc Pha Năng”.

Khi bộ đội Trường Sơn chuyển phương thức vận tải sang cơ giới, tháng 5-1965, máy bay địch tăng cường tần suất đánh phá hòng cắt đứt hệ thống vận chuyển cơ giới và gây những thiệt hại nặng về người, phương tiện, hàng hóa. Trong rất nhiều cuộc họp quan trọng, có ý kiến nên dừng vận tải cơ giới.

Trước tình hình này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cương quyết: “Chúng ta không có lựa chọn nào khác trong khi yêu cầu của chiến trường miền Nam ngày càng lớn. Phải sử dụng mọi biện pháp tổng hợp, từng bước phát triển vận tải cơ giới đường bộ, đường sông là chủ yếu; đồng thời, tùy tình hình cụ thể từng nơi, từng lúc mà kết hợp vận chuyển thô sơ”. Đại tướng đề ra phương châm: “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”.

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn khẳng định: “Phương châm đó của Đại tướng Võ Nguyên Giáp như tiếp thêm sức mạnh giúp bộ đội Trường Sơn tạo ra bước đột phá mới trong công tác tổ chức, vận chuyển trên toàn tuyến đường Trường Sơn”.

Là người mang trọng trách lớn, đóng góp quan trọng trong việc hoạch định, tổ chức hình thành, phát triển và chiến thắng của tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đúc kết về đường Hồ Chí Minh một cách ngắn gọn: "Năm tháng sẽ qua đi, nhưng đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một "con đường huyền thoại", một kỳ tích của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại trong thế kỷ 20".

“Quân đội non trẻ của chúng tôi học hỏi được nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là từ trận Điện Biên Phủ. Một trong những bài học đó chính là vai trò cực kỳ quan trọng của hậu cần… Tháng 5-1959, tôi ra lệnh mở đường mòn Hồ Chí Minh” (trích nội dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời phỏng vấn bà Virginia Louise Morris).

 

Theo Báo Quảng Bình

Các tin khác

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

116 người đã tham gia bình chọn