Trường Sơn ghi dấu chân Người - Bài 2: "Bản lĩnh thép" trên đường 20 Quyết Thắng

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá đường 20 Quyết Thắng “rọc ngang” Trường Sơn “là một kỳ công, kỳ tích, kỳ quan do ý chí vì độc lập tự do của chiến sỹ và thanh niên xung phong làm nên”.

Bắt đầu từ thôn Phong Nha, xã Sơn Trạch (nay là thị trấn Phong Nha), huyện Bố Trạch, đường 20 “chọc thủng Trường Sơn” qua các địa danh Trạ Ang, Ba Thang, Khe Diêm, A Ky, Ta Lê, Phu La Nhích... và gặp đường 128 tại ngã ba Lùm Bùm trên đất Lào.

Để hoàn thành 125km toàn tuyến trong điều kiện cực kỳ khó khăn, máy bay Mỹ đánh phá suốt đêm ngày, bộ đội, công binh, thanh niên xung phong (TNXP) chỉ mất đúng... 97 ngày đêm.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm “tọa độ lửa” đèo Phu La Nhích tháng 3-1973.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm “tọa độ lửa” đèo Phu La Nhích tháng 3-1973.

Tham gia mở đường cùng với bộ đội có các đội TNXP: Đội 25 Hà Nam, Đội 23 Hà Tĩnh, Đội 4 Ninh Bình, Đội 3 Quảng Bình, Đội 8 Thái Bình-Hà Tây, về sau bổ sung thêm lực lượng TNXP nhiệm kỳ 2 đến từ tỉnh Thanh Hóa.

Tháng 5-1966, máy bay địch phát hiện ra đường 20 Quyết Thắng, cũng từ đây đường 20 trở thành nơi đối đầu khốc liệt, nơi thử thách ý chí, bản lĩnh kiên cường của những chàng trai, cô gái lứa tuổi đôi mươi. Hàng loạt trọng điểm máy bay Mỹ thường xuyên “để mắt” đến như ngầm Trạ Ang, Khe Diêm, cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhích...

Thiếu tướng Phan Khắc Hy kể: “Tôi vốn sinh ra tại huyện Bố Trạch. Lúc nhỏ thì học trường làng, hoàn thành xong bằng yếu lược được cha đưa về quê nội huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh, sau đó ra Vinh học trung học. Năm 1943, lúc tròn 16 tuổi cùng bạn thân là Quách Xuân Kỳ trốn học, dự định xuất dương làm cách mạng nhưng chí lớn không thành”.

“Giai đoạn 1950-1952, tôi là Tỉnh đội trưởng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình. Từ tháng 3-1967 đến tháng 9-1968, là Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh (BTL) Không quân, Phó Chủ nhiệm chính trị Quân chủng Phòng không-Không quân. Do yêu cầu chiến trường miền Nam, tháng 5-1971, tôi được điều vào Nam làm Chính ủy Đoàn 470 phụ trách các tuyến đường từ Nam Lào, Đông Bắc Cam-pu-chia đến Nam Bộ. Hành quân đến BTL Đoàn 559, gặp Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, tôi ở lại với bộ đội Trường Sơn, giữ chức Phó Tư lệnh Đoàn 559 kiêm phụ trách Tổng cục hậu cần tiền phương...”

Đường 20 Quyết Thắng.

Đường 20 Quyết Thắng.

Cuộc đời binh nghiệp của tướng Phan Khắc Hy gắn chặt với đường Trường Sơn, đồng cam cộng khổ cùng những vị tướng tá huyền thoại: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Thiếu tướng Võ Sở, Đại tá Đặng Tính…

Tại đường 20 Quyết Thắng, sau khi thắp hương viếng đồng đội xong, Thiếu tướng Phan Khắc Hy bồi hồi: “Những trọng điểm bộ đội, TNXP chốt giữ, bom đạn máy bay Mỹ bắn phá san phẳng thành bình địa.

Tận mắt chứng kiến từng người lính của mình không ngại gian khổ, hy sinh, kiên cường giữ chốt, “một tấc không đi, một ly không rời”, san lấp hố bom, mở đường, phá bom nổ chậm, trong tâm Đại tướng trào dâng niềm tự hào, lòng biết ơn với những người con từ mọi miền đất nước đang chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên con đường huyền thoại”.

Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đường 20 Quyết Thắng.

Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đường 20 Quyết Thắng.

Phương châm do Đại tướng Võ Nguyên Giáp đề ra "đánh địch mà đi, mở đường mà tiến" thành công, sức người, sức của chi viện cho chiến trường miền Nam ngày đêm thông suốt chính là nhờ vào trí thông minh, sự sáng tạo, lòng quả cảm, bản lĩnh của bộ đội, TNXP trực tiếp chiến đấu trên từng cung đường Trường Sơn.

Tiến sỹ Lê Thị Phương Thảo, cựu TNXP thuộc C5, Đội TNXP 25 Hà Nam xúc động kể cho tôi nghe về những năm tháng cùng đồng đội mở đường, không quản hiểm nguy, bảo đảm an toàn cho từng chuyến xe qua. “Đại đội 5 phụ trách cua chữ A. Cả một vùng rừng núi trơ trốc, hoang tàn vì bị máy bay Mỹ cày đi, xới lại. Tôi còn nhớ, ngày Đại tướng đến thăm đơn vị, C5 hứa trước Đại tướng rằng bằng mọi giá vẫn giữ cua chữ A luôn thông suốt. Và, Đại đội 5 giữ trọn lời thề đó: “Máu C5 có thể đổ nhưng đường C5 không thể tắc. Quyết tử cho cua chữ A, quyết thông!”.

Trong những năm tồn tại tuyến đường 20 vượt khẩu sang ngã ba Lùm Bùm, đèo Phu La Nhích bị máy bay Mỹ đánh phá gần 10.000 lần, trong đó có khoảng 2.450 lần B52. Mỗi cán bộ, chiến sỹ công binh, TNXP chốt giữ trọng điểm hứng chịu bình quân khoảng 1.900 quả bom các loại.

Thiếu tướng Phan Khắc Hy (người mặc áo trắng) cùng các CCB thăm lại chiến trường xưa thắp hương tưởng nhớ đồng đội, tháng 5-2012.

Thiếu tướng Phan Khắc Hy (người mặc áo trắng) cùng các CCB thăm lại chiến trường xưa thắp hương tưởng nhớ đồng đội, tháng 5-2012.

Chốt giữa đèo Phu La Nhích giai đoạn 1971-1973 là Trung đội nữ công binh Thanh Hóa, Nghệ An. Tiến sỹ Lê Thị Phương Thảo cho biết thêm: “Tháng 3-1973, khi đến thăm trọng điểm Phu La Nhích, Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành tặng danh hiệu “Trung đội thép” cho 38 nữ công binh B3, C3, Tiểu đoàn 33, Binh trạm 14, Đoàn 559. Đại tướng khẳng định: “Chỉ có ý chí gang thép mới trụ được trên trọng điểm này”.

Nhớ về lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngay tại trọng điểm đèo Phu La Nhích, chị Dương Thị Trình, nữ công binh B3 bồi hồi: “Khi đang cùng với chị em san lấp hố bom trên đèo, chúng tôi được lệnh đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào thăm bộ đội Trường Sơn, thăm “tọa độ lửa” Phu La Nhích. Gặp gỡ Trung đội, Đại tướng ân cần thăm hỏi, động viên, biểu dương tinh thần dũng cảm của toàn thể đơn vị. Đại tướng khen ngợi “Chỉ có ý chí gang thép mới trụ được trên trọng điểm này!”.

Chị Vũ Thị Khương, nguyên Tiểu đội trưởng thuộc “Trung đội nữ công binh thép” kể tiếp về Đại tướng: “Bác hỏi chúng tôi cần gì nhất? Chúng tôi nhìn nhau rồi ấp úng trả lời: “Dạ thưa bác! Chúng cháu cần nhất là xà phòng, bồ kết và vải màn. Con gái, thiếu những thứ này, khổ lắm. Khổ hơn phá bom nổ chậm, hơn san lấp hố bom, hơn cả đánh giặc Mỹ xâm lược!”.

“Đại tướng chào từ biệt chúng tôi, sau đó chừng nửa tháng thì đơn vị nhận được quà Đại tướng gửi vào gồm xà phòng, vải màn, bồ kết... Cả trung đội reo hò mừng rỡ, nhiều người cảm động quá khóc rưng rức. Bất ngờ quá khi Đại tướng Tổng Tư lệnh bận trăm công nghìn việc vẫn nhớ đến chúng tôi, những cô gái bám trụ trên đèo Phu La Nhích”, chị Vũ Thị Khương vẫn vẹn nguyên cảm xúc về kỷ niệm ngày nào.

“Các kỹ sư của đường Trường Sơn rất khéo léo và chịu nhiều hy sinh. Trong đó có rất nhiều các cô gái, đang tuổi lớn. Họ hy sinh cả tuổi thanh xuân cho con đường. Và khi trở về họ không còn trẻ như cô nữa. Để biết tại sao họ lại mạnh mẽ như thế, cô phải nghe các bài hát. Họ đã tìm thấy niềm tin vào thắng lợi cuối cùng, tìm thấy sức mạnh để vượt qua những hy sinh khủng khiếp cho sự nghiệp thống nhất đất nước, trong giai điệu và ca từ của những bài hát ấy. Rất nhiều lần, tôi đã khóc khi nghe lại những bài hát và nghĩ về Trường Sơn” (Trích nội dung trả lời phỏng vấn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với bà Virginia Louise Morris, tác giả cuốn sách “Đường mòn Hồ Chí Minh-Con đường dẫn đến tự do”).

 

Theo Báo Quảng Bình

Các tin khác

Bình chọn

Theo bạn thông tin nội dung website thế nào ?

Phong phú đa dạng
Dễ sử dụng
Hữu ích

116 người đã tham gia bình chọn